Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Niềm tâm sự với Thăng Long

Tạp Chí Giáo Dục

Đại phu Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng kiến những biến cố lớn vào một thời của chế độ phong kiến rối ren, lục đục, tranh giành, từ cục bộ, phe phái đến tranh chấp tập đoàn. Lật đổ, soán đoạt, cướp ngôi như nước cờ, như canh bạc. Nhà Lê mới vừa cực thịnh đó thì nay đã suy đồi. Họ Mạc cướp ngôi chưa yên vị. Trịnh, Nguyễn gầm ghè tranh nhau, đánh phá. Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tấm gương phản chiếu chính trị, xã hội chiến tranh giành xé, thói đời bạc ác với nỗi niềm thương loạn, thương nước, thương dân, mơ về một hòa bình, một non nước. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là lời thú nhận của một người có lương tâm, có ý chí, có học vấn cao, vào bậc đại phu, được đời phong tặng “Thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung kiêm nhân sự” đành bất lực. Bất lực không xoay chuyển được thời thế đem lại hòa bình thống nhất cho tổ quốc đành phải đêm đêm với giọt nước mắt trên gối, khi một mình trong đêm thanh vắng nghe tiếng chày giã vải: “Kỷ hồi cô chẩm song hàng lệ/ Độc thính hàn châm bán dạ thanh”.
Cũng là giọt nước mắt thương mình, thương Thăng Long. Thương của một ý nguyện nhưng không thể phò nghiêng đỡ lệch để cứu vãn lại một non nước, cứu vãn lại một thành quách huy hoàng của vua xưa: “Ngã kim dục triển phù nguy lực/ Vãn khước quan hà cựu đế thành”.
Thì ra ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc còn ở triều cũng như lúc xin lui về với thôn dã vẫn mơ về, nhớ về một đế đô xưa của nhà vua, một thành quách xưa của non nước, đế đô non nước Thăng Long! Chẳng thế mà, Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày về trí sĩ vào tuổi 53, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng quyền, không được vua nghe theo bèn bỏ về, thì sau đó, thực tế ông “về hưu tại chức, làm quan tại nhà”. Khi hơn 60 tuổi tức là 15 năm sau đó, ông vẫn còn bị vua Mạc ép đi theo quân lên mạn ngược. Vì vua Mạc muốn dùng uy vọng của ông để tăng thanh thế cho mình. Nhưng, cũng là dịp trên đường theo quân, theo vào trận mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm mượn cảnh trời đất ấy, núi sông ấy để nhớ về Thăng Long. Nhiều bài thơ Tòng Tây chinh (Theo đánh miền Tây) Nguyễn Bỉnh Khiêm có những câu thơ dành về mặt trời, về cờ xí, về tiếng trống, tiếng kèn, gió chuyển mang nỗi niềm sông núi Thăng Long buổi ra đi: “Nhật diệu tinh kỳ bài thụ ảnh/ Phong tuyền cổ giác hướng nhan thanh”. (Nghĩa là, mặt trời chiếu sáng trên cờ xí, bóng cây mang ánh mặt trời trải rộng ra. Gió chuyển tiếng trống, gió đưa tiếng kèn làm vang dội cả thác ghềnh).
Đi đánh miền Tây cũng là để cuộc sống yên bình, nhân dân không loạn lạc. Nguyễn Bỉnh Khiêm dành riêng những câu thơ để nói lòng mình chán ghét cảnh sống loạn ly, nói mơ ước mình có một ngày trời mở ra bình trị, một ngày về thành (Thăng Long) vua xưa, mở khúc khải hoàn. Ngày đó ông được chít khăn lượt, mặc áo vải thô, thảnh thơi nhàn hạ với Thăng Long: “Yếm loại thiên tương khái trị bình/ Ký thú vương sư hoàn khải nhất/ Luân cân bố hạt nhậm nhàn tinh”. Dịch thơ: “Ghét loạn ly mở cuộc trị bình/ Khải hoàn nhờ buổi bình minh/ Áo thô khăn lượt thỏa tình nhàn du” (Hữu Thê).
Nguyễn Bỉnh Khiêm có uy vọng lớn đến nỗi người đời đã quan niệm rằng ông là bậc thầy các vua chúa, đứng bên ngoài và bên trên các tập đoàn phong kiến đang tranh giành lẫn nhau. Nhưng cũng không vì thế làm ngơ để cho loạn ly, để cho khốc liệt đến dân lành. Nên ông phải bằng nước cờ tìm cách giảm nhẹ đối địch, giảm nhẹ xung đột. Bằng tạm thời tách các tập đoàn ra, mỗi tập đoàn ở một góc, và ở xa nhau. Chưa thể làm chiến tranh phong kiến chấm dứt hẳn thì hãy tìm cách làm cho nó đỡ gay gắt, hơn nữa tạo một thế cân bằng, tạm ổn định. Ông khuyên họ Mạc lên giữ Cao Bằng, họ Nguyễn vào giữ Thuận Hóa, họ Trịnh mượn danh nghĩa nhà Lê mà giữ trọng quyền trung ương ở Thăng Long. Phải chăng đó là thâm ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi vì, Thăng Long đối với ông nơi từng hướng về của thời trai trẻ, cũng là nơi của cái tuổi 45 ông mới đi thi đậu Trạng nguyên, sau đó ra làm quan với tân triều nhà Mạc. Thăng Long với ông là nguồn cội của nhân dân, là thành xưa của vua nước. Chiến tranh phong kiến xâu xé thì Thăng Long với ông còn là một nỗi niềm sông núi bị cắt chia, lòng dân mong vui sum họp.
Nhà thơ Trúc Chi

Bình luận (0)