Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Niềm tin chiến thắng

Tạp Chí Giáo Dục

Khi tôi viết bài này thì trên khắp mọi miền đất nước, hàng triệu triệu người hâm mộ bóng đá cũng còn vui mừng đội tuyển Việt Nam vừa đoạt chức vô định giải bóng đá Đông Nam Á VFF CUP. Để có được niềm vui to lớn ấy, cả đội tuyển đã nỗ lực không mệt mỏi, đoàn kết với tinh thần thể thao cao cả. Song, vai trò người thầy Calisto được vinh danh với sự nể trọng và kính phục vô biên. Quả là một người thầy giỏi đáng được trân trọng và mến phục của triệu triệu người yêu mến bóng đá. Một mùa xuân đến sớm và tràn ngập niềm vui khi đội tuyển làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam, khi niềm khát khao giành chức vô địch ở giải bóng đá khu vực từ gần nửa thế kỷ qua mới có được. Huy chương vàng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao cho cả đội tuyển.
Mỗi thành tích ở từng lĩnh vực đều đáng trân trọng và cần được ghi nhận, biểu dương để tạo sức mạnh, niềm tin cho những người trong cuộc phấn đấu lập những thành tích khác cao hơn. Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy, nhất là trong bộn bề ngổn ngang của muôn vàn khó khăn thử thách thì mỗi nỗ lực của ngành đều đáng khích lệ, động viên. Hơn một triệu thầy cô giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã và đang ngày đêm miệt mài với trang giáo án, tận tụy với sự nghiệp trồng người với mong muốn góp phần vào việc đào tạo nhân tài cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Mỗi một thành công của học trò là niềm vui lớn của thầy cô giáo. Mỗi một thành tích của ngành không chỉ là niềm mong đợi của đội ngũ giáo viên mà của toàn xã hội. Điều đó thể hiện rõ nhất qua những thành công của ngành giáo dục trong hai năm qua, khi mà chủ trương “hai không” đi vào cuộc sống. Một nền giáo dục được lập lại kỉ cương thi cử nghiêm túc, trường thi thực sự là nơi các sĩ tử thi tài đọ sức chứ không còn cảnh bát nháo loạn cào cào như trước đã được cả xã hội ghi nhận, đánh giá cao, tin tưởng và ủng hộ chủ trương đúng đắn của ngành. Có thể nói, TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc thực hiện cuộc vận động “Hai không” và đã đem lại kết quả vô cùng tốt đẹp. Điều đó được khẳng định bằng việc đánh giá của đoàn công tác của Quốc hội trong đợt khảo sát tại TP.HCM, ngành giáo dục được người dân đánh giá chỉ số hài lòng cao nhất. Điều đó hoàn toàn đúng và xứng đáng cho những cố gắng với kết quả thực sự nghiêm túc của cả thầy và trò ở đây. Với tinh thần làm việc “Sống có trách nhiệm” như chủ đề tư tưởng năm học của ngành giáo dục thành phố, mỗi thầy cô giáo luôn là “một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” cho học sinh soi rọi; nhà trường luôn cố gắng là môi trường thân thiện để học sinh cảm nhận “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Dẫu biết rằng đây đó vẫn còn một vài biểu hiện đáng chê trách của cả thầy cô giáo lẫn phụ huynh và học sinh, nhưng nhìn chung, bức tranh của giáo dục vẫn là bức tranh sáng với nhiều điển hình rất đáng trân trọng, cần được nhân rộng, trong đó có những nhân tố trẻ. 97 thầy cô giáo được thành phố tuyên dương giáo viên – giảng viên trẻ năm 2008 là một minh chứng. Dẫu biết rằng đời sống giáo viên còn lắm khó khăn (thuộc nhóm công chức khó khăn nhất), tiền thưởng tết đối với giáo viên nhiều địa phương quá xa vời, hoặc rất khiêm tốn, song bằng lòng yêu nghề mến trẻ, thầy cô nào cũng cố gắng vượt qua khó khăn để dạy tốt. Công việc của mỗi giáo viên vốn dĩ khó khăn gian khổ, do đó rất cần sự cảm thông chia sẻ từ xã hội, sự động viên và tạo điều kiện từ lãnh đạo các cấp, sự phối hợp của mỗi bậc phụ huynh học sinh để có kết quả giáo dục toàn diện tốt nhất.
Năm 2008 đã qua với nhiều tín hiệu vui không chỉ của giáo dục thành phố mà toàn ngành của cả nước. Năm 2009 đã đến với thời cơ mới gắn liền cùng thách thức mới. Cuộc vận động “hai không” chắc chắn tiếp tục phát huy tác dụng trong việc vừa chấn chỉnh nề nếp vừa thúc đẩy phát triển toàn diện; chủ trương đổi mới giáo dục gắn liền với phát huy sáng tạo trong dạy học vừa được Bộ GD-ĐT phát động nhân dịp 20-11 vừa qua là chất men xúc tác cho sự sáng tạo phát triển; việc phát hiện, tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến xuất sắc của ngành có tác dụng động viên rất lớn đối với mỗi thầy cô, đặc biệt là giáo viên trẻ; việc chấn chỉnh kỉ cương trong đào tạo đại học – cao đẳng sẽ góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo nhân tài cho đất nước đáp ứng quá trình hội nhập và phát triển. Chiến lược giáo dục đến năm 2020 đang được lấy ý kiến đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, và tập trung nhất là trong đội ngũ thầy cô giáo và phụ huynh, sinh viên học sinh. Có thể nói, chưa bao giờ mà toàn xã hội quan tâm nhiều và sâu sắc đến giáo dục như những năm gần đây. Đó là niềm động viên cũng đồng thời là trách nhiệm nặng nề đối với ngành giáo dục và mỗi kĩ sư tâm hồn. Tất cả những điều đó cùng trái tim yêu nghề với tinh thần trách nhiệm cao cả của một triệu thầy cô giáo cả nước sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trong năm mới này.
Với kết quả khả quan của năm Mậu Tý, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin rằng năm Kỷ Sửu ngành giáo dục thành phố và cả nước sẽ có kết quả tốt đẹp. Chắc chắn, một tương lai không xa, giáo dục Việt Nam sẽ sánh kịp với các nước trong khu vực. Niềm tin chiến thắng mãnh liệt với niềm tự trọng và tự hào dân tộc cao cả, các cấp lãnh đạo cùng mỗi thầy cô giáo, mỗi phụ huynh và từng học sinh sẽ giành chiến thắng trên mặt trận giáo dục như đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trên đấu trường bóng đá Đông Nam Á vậy! Niềm tin ấy không ở đâu xa, chính trong lòng mỗi kĩ sư tâm hồn và trong từng người dân Việt Nam yêu nước, không cam chịu lạc hậu so với bạn bè trong khu vực.
Nguyễn Văn Cải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)