Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Niềm tin không tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Bá đọc lại những lá thư ông bà gửi cho nhau trong 14 năm xa cách
Chiến tranh khốc liệt, nơi lằn ranh sống chết mong manh, những chàng trai, cô gái khoác trên người màu xanh áo lính trên mọi miền đất nước vẫn giữ trọn niềm tin về ngày giải phóng quê hương. Chính niềm tin ấy đã trở thành động lực cho họ vượt qua mọi gian nan, thử thách…
Câu chuyện về gia đình Đại tá Huỳnh Phương Bá và bà Vương Thị Tiệng ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) nằm trong số ấy!
Những lá thư ngược chiều lửa đạn
Ở vào tuổi 20 đẹp nhất đời người, chàng trai đất Quảng Nam, Huỳnh Phương Bá theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường làm nhiệm vụ. Năm 1960, anh chiến sĩ trẻ cùng Trung đoàn 120 Tây Nguyên tập kết ra Nghệ An. Ở đây anh gặp rồi kết duyên với cô gái xứ nghệ Vương Thị Tiệng. Một đám cưới đầm ấm được tổ chức dưới sự chứng kiến của đại diện trung đoàn diễn ra vào cuối năm 1960. Hạnh phúc chưa được bao lâu, đầu năm 1961, anh Bá lại theo đơn vị trở về Nam chiến đấu. Họ chia tay trong bịn rịn với lời thề hẹn ngày đất nước thống nhất, nhất định sẽ tìm về đoàn tụ. “Ngày đó ra đi, giữa chiến trường lửa đạn, hành trang đời lính mang theo là niềm tin sẽ có ngày toàn thắng. Đó là niềm tin để vượt qua mọi sự nhớ nhung, xa cách”, ông Bá nhớ lại.
Ngày tiễn chồng ra trận, bà Tiệng cũng không nghĩ rằng sự xa cách lại kéo dài đằng đẵng đến 14 năm. Bà Tiệng bảo: “Ai xa cách cũng buồn thương. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh, vợ chồng chỉ biết cố gắng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ để ngày gặp mặt được vẹn niềm vui”.
Và nhịp cầu nối đôi vợ chồng trẻ ấy là những cánh thư dọc theo tuyến lửa, vượt qua hòn tên, mũi đạn để đem nhớ nhung, yêu thương đến với người thân. Nhớ lại, ông Bá nói: “Ngày trở lại miền Nam tôi vào chiến trường Quảng Nam, rồi hành quân khắp chiến trường Khu 5 theo nhiệm vụ, tiếp đó sang nước bạn Lào… Ở mỗi nơi đóng quân, tranh thủ thời gian im ắng sau trận chiến, tôi lại viết thư thăm bà ấy”.
Những lá thư gói ghém đủ niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và cả sự hy sinh vì Tổ quốc. Trong lá thư gửi bà ngày 2-9-1962, ông viết: “Trong ngày lịch sử của dân tộc, anh gửi đến em những dòng tình cảm chân thành nhất. Gần một năm rưỡi rời nhà có biết bao nhiêu chuyện đổi thay. Sống ở đây, một cuộc sống sôi nổi, một cuộc chạy đua quyết liệt với quân thù, công việc bề bộn, thấy ngày tháng trôi nhanh. Đặc biệt ở đây không có tuần, có thứ”. Ở một lá thư khác trong ngày mùng 1 Tết năm 1963, ông bảo: “Em mến yêu. Xa nhau, muốn gần nhau đó là mơ ước của chúng ta và anh cũng như em sẽ phấn đấu cho một tương lai đầy hạnh phúc, không còn chiến tranh”.
Ở chiến trường phía Bắc, bà Tiệng vượt qua nỗi nhớ nhung, động viên chồng: “Trong khi non sông chưa thống nhất, một nửa đất nước còn bị kẻ thù giày xéo, lẽ nào vì quyền lợi cá nhân mà quên đi nhiệm vụ cao cả đối với Tổ quốc, cũng vì nghĩ như thế nên em đã cố gắng rất nhiều trong công tác, trong tư tưởng để chiến thắng mọi điều kiện”.
Trọn vẹn ngày về

Mỗi ngày ông Bá tự tay chăm sóc người vợ ốm đau
Hơn 40 năm trôi qua, ông bà vẫn giữ nguyên hơn 100 lá thư đã gửi cho nhau trong những ngày chiến tranh lửa đạn. Những trang giấy pơ-luya ngả màu xám, nét bút Hồng Hà nghiêng nghiêng, đôi chỗ nhạt nhòa vì thời gian nhưng tình nghĩa họ dành cho nhau vẫn ấm nồng. Lần giở những lá thư cũ, ông Bá nói, số thư này ông đã mang theo dưới đáy ba lô trên suốt những chặng hành quân cho đến ngày hai vợ chồng gặp lại nhau. Đó là kỷ vật thiêng liêng trong hành trang đời lính. Là sợi dây vô hình nối yêu thương, tiếp lửa động lực cho tuổi trẻ và… cả đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị…
Hòa bình, ông Bá về làm Phó cục trưởng Cục Kinh tế Quân khu 5, còn bà Tiệng là kỹ sư nông nghiệp thuộc Ban Nông lâm thủy lợi tỉnh Quảng Đà. Hai vợ chồng gần nhau hơn, nhưng mỗi lúc đi công tác xa vài ba ngày, ông lại viết thư cho bà. “Đó không phải là thói quen, mà tình nghĩa dành cho nhau không lúc nào vơi cạn”. Bà Tiệng tiếp lời chồng: “Vợ chồng được đoàn tụ là hạnh phúc nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất là quê hương được giải phóng”.
Bây giờ, trong căn nhà nhỏ đầy tiếng cười của ba thế hệ, sức khỏe bà không còn như trước, ông lại chăm bà bằng những bữa cơm ngon, cùng đọc sách cho nhau nghe và dạy dỗ con cháu.
Bây giờ, trong căn nhà nhỏ đầy tiếng cười của ba thế hệ, sức khỏe bà không còn như trước, ông lại chăm bà bằng những bữa cơm ngon, cùng đọc sách cho nhau nghe và dạy dỗ con cháu.
Vợ chồng ông Bá bảo, họ được trở về bên nhau là nhờ biết bao đồng đội đã anh dũng ngã xuống. Còn nhiều lắm những lá thư vào tuyến lửa vĩnh viễn nằm lại đâu đó trên chiến trường nên ông bà đã tặng phần lớn những lá thư ấy cho Bảo tàng Quân khu 5 để đại diện nhân chứng cho khát vọng, tình yêu tuổi trẻ một thời của bao nhiêu nam thanh nữ tú trên khắp đất nước hy sinh tình cảm riêng tư vì Tổ quốc. Đó cũng là lời nhắn gửi đến thế hệ trẻ bài học trân trọng nghĩa tình để xây nên hạnh phúc vững bền.
Rời căn nhà nhỏ của vợ chồng Đại tá quân đội Huỳnh Phương Bá, nhìn những lá thư ngả màu thời gian của họ gửi cho nhau được trưng bày trang trọng ở một góc kỷ vật chiến tranh trong Bảo tàng Quân khu 5, lòng chúng tôi rưng rưng khó tả.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
Tất cả vì Tổ quốc thân yêu
Khi đang chiến đấu ở chiến trường miền Tây Quảng Ngãi, ông Bá viết thư gửi vợ: “Vợ chồng ai chả muốn sống gần nhau trong tình âu yếm! Nhưng Tổ quốc còn bị chia đôi, cho nên cảnh sum vầy còn tạm thời bị gián đoạn. 7 năm rồi, anh xa ba mẹ yêu dấu, xa các anh, các chị mến thương và giờ đây phải xa người vợ thân yêu nhất của mình mà chưa hẹn ngày gặp mặt, chắc chắn rằng ngày ấy phải đến với chúng ta…”. Nắm chặt bàn tay nhăn nheo của người vợ hiền, ông Bá cười đôn hậu nói: “Thời chúng tôi là thế. Sống trọn niềm tin. Gửi niềm tin cho nhau qua những lá thư ngược chiều lửa đạn”. 
 
 

Bình luận (0)