Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Niềm vui bên dòng kênh Tân Hóa – Lò Gốm: Kỳ 1: Hạ tầng đô thị “hồi sinh”

Tạp Chí Giáo Dục

Kênh Tân Hóa – Lò Gốm nay đã “hồi sinh”
Tân Hóa – Lò Gốm vốn được biết đến là một trong những dòng kênh ô nhiễm nặng nề nhất thành phố, nhưng nay đã “hồi sinh” một cách diệu kỳ. Niềm phấn khởi đó cũng khiến nỗi ưu tư trên từng khuôn mặt người dân bỗng chợt giãn ra, thảnh thơi, thỏa lòng.
Trở về miền ký ức
Không còn nhớ từ năm nào, chỉ biết là trải qua nhiều thế hệ gia đình ông Nguyễn Ái Nhân đã sống quanh quẩn ven kênh Tân Hóa – Lò Gốm (quận 6) từ bao đời. Rác rưởi ngập ngụa, dòng nước đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc, muỗi nhặng quanh năm, ngập úng triền miên, điện đóm chưa có, dân nghèo thất nghiệp, thu nhập bấp bênh, dịch bệnh đeo đẳng, sức khỏe sa sút, xì ke ma túy, vô tư tiểu tiện đại tiện xuống kênh… là những gì ông Nhân đã chứng kiến và mặc cả rằng “Cả cuộc đời sẽ chỉ như thế mãi thôi, không làm gì có thể thay đổi được”.
Nỗi ưu tư của ông Nhân cũng là nỗi trăn trở đến khốn khổ của hơn 470.000 người cư ngụ trong những căn nhà lụp xụp ven dòng kênh ô nhiễm trầm trọng bởi tình trạng quá tải rác và chất thải hộ gia đình, chất thải rắn và chất thải công nghiệp của 15.000 công ty, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất gia công vừa và nhỏ ở lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân ở ven kênh mà còn ảnh hưởng đến mạng lưới đường thủy của thành phố. Theo kết cấu tự nhiên, kênh Tân Hóa – Lò Gốm có chiều dài 7,5km và 1,2km nhánh phụ (ngang qua địa bàn quận 6, quận 11, Tân Bình và Tân Phú) với chức năng lưu chuyển nước mưa và nước thải kết nối với kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, hòa vào dòng chảy sông Sài Gòn đổ về hướng miền Tây. Tình trạng ô nhiễm của dòng kênh này càng làm thu hẹp diện tích bề mặt chứa nước ở các nút thắt dòng kênh, gây ngập úng nặng nề mỗi khi có mưa lớn, triều cường đỉnh cao, và đặc biệt nghiêm trọng khi cả hai hiện tượng này xảy ra cùng một lúc. Bên cạnh đó, lưu vực này còn là vùng đất trũng, nền đường thấp hơn cao độ chuẩn, hệ thống cấp nước thải chưa có, tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra dẫn đến kẹt xe kéo dài ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Thực trạng trên cũng làm ảnh hưởng đến gần 1,2 triệu dân sống trong lưu vực.
Dòng kênh đã “hồi sinh”

Kênh Tân Hóa – Lò Gốm cũ với dãy nhà lụp xụp trên dòng kênh ô nhiễm
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, vào ngày 11-6-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 752/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố giai đoạn đến năm 2020. Đây chính là cơ duyên khiến kênh Tân Hóa – Lò Gốm được chọn là một trong 3 lưu vực ưu tiên được đầu tư và nâng cấp để góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt của vùng trung tâm thành phố, cùng với lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tàu Hũ – Bến Nghé.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM, công trình cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đề ra với các thông số cụ thể, gồm xây dựng 7.863m bờ kè hai bên bờ kênh, nâng cấp gần 12km đường giao thông, hoàn thành 7.530m cống bao và giếng tách dòng nước thải sinh hoạt và nước thải do mưa để điều tiết lưu lượng dòng chảy, xây mới 12 cầu giao thông (cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Hậu Giang, cầu Ông Buông 1 và 2…), sử dụng 1.317 đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; ngầm hóa 11.455m lưới điện trung thế,  27.615m điện hạ thế, 9.085m cáp quang; thiết lập hệ thống trạm bơm có công suất 447.358m3/ngày đêm, cùng với 14.000m2 trồng cây xanh, bồn hoa, mảng xanh, thảm cỏ ven bờ kênh. Bên cạnh đó, công trình cũng đã nạo vét 300.000m3 bùn để khơi thông dòng chảy và mở rộng lòng kênh này.
Là những người trực tiếp chứng kiến sự “hồi sinh” của dòng kênh “chết”, những người như ông Nhân và nhiều người đang cư ngụ ở đường dọc kênh đã vui mừng đến nỗi chảy nước mắt khi chứng kiến một không gian sống mới. Dọc hai bên bờ kênh, vào những buổi chiều tối, nhiều hộ gia đình cùng tung tăng tập thể dục, hóng gió, ngắm cảnh và hàn huyên chuyện đời. Ông Nhân nay rất hài lòng với cuộc sống bình an ở chung cư Lò Gốm, ngay sát đường bờ kênh. Ông cũng rất mãn nguyện vì “hơn 60 tuổi đời tôi đã được chứng kiến có ngày hôm nay, dòng kênh sạch đẹp, đường sá sáng sủa kéo giảm tệ nạn xã hội và đảm bảo an toàn giao thông, người dân có nơi ở tươm tất và công ăn việc làm ổn định. Thực là đời tôi không mong gì hơn”.
Bài, ảnh: Bích Vân
LTS: Trong khoảnh khắc đang gần kề dịp kỷ niệm ngày đất nước giải phóng, dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm (thuộc Tiểu dự án nâng cấp đô thị TP.HCM) mới được khánh thành vào hôm 5-4 để chào mừng sự kiện trọng đại này đã làm nức lòng người dân thành phố. Dòng kênh “chết” đã hồi sinh, giao thông được cải thiện, hạ tầng đô thị được đổi mới, quỹ tín dụng giúp người dân xóa đói giảm nghèo, cơ sở giáo dục, y tế được kiện toàn… Tất cả như những điểm nhấn làm cho bản hùng ca về một thành phố anh hùng càng trỗi lên rạo rực.
 
Ông Võ Văn Hoan, Chủ tịch UBND quận 6 khẳng định, Dự án nâng cấp đô thị đã cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, nhờ đó mà tình trạng nhiều thế hệ dân nghèo không có cơ hội thay đổi cuộc đời ở ven kênh xưa đã chấm dứt. Cụ thể 251.902 người dân trên 14 phường của quận 6 đã được hưởng lợi trực tiếp và được tạo nhiều cơ hội để vươn lên, thoát nghèo. Trong đó, có nhiều hộ được bố trí nơi ở mới khang trang, an toàn và đảm bảo pháp lý về tài sản nhà, đất.
 
Một diện mạo mới
Ông Lê Thanh Liêm khẳng định, Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm hoàn thành đã góp phần xóa ngập và tạo diện mạo mới cho lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm với diện tích gần 19km2, kéo giảm ùn tắc giao thông, kết nối với các tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố tạo thuận lợi cho việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa phương. 
 
 

Bình luận (0)