Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Niềm vui của Thái

Tạp Chí Giáo Dục

Cô tiên thời hiện đại Nguyễn Thị Hồng TháiĐến với làng Hòa Bình thuộc bệnh viện Từ Dũ, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh một cô gái hàng ngày ân cần chăm sóc cho từng em khuyết tật. Cô gái nhỏ nhắn, hiền lành nhưng rất năng động và tràn ngập lòng nhân ái ấy là Nguyễn Thị Hồng Thái, sinh năm 1978 – người được các em khuyết tật yêu mến gọi bằng mẹ. Với xã hội thì Thái chính là cô tiên – cô tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích thời nay…

Tuổi thơ không có nụ cười

Thái sinh ra và lớn lên tại Gia Lai – Kon Tum trong một gia đình rất nghèo. Cha mẹ của Thái quanh năm suốt tháng đi làm thuê làm mướn nhưng vẫn không đủ ăn. Nhiều lúc nhìn thấy cảnh ba mẹ cứ cắn đắn với nhau vì cuộc sống mưu sinh mà Thái tuôn trào nước mắt. Thương mẹ, Thái cố gắng học thật giỏi để mong có được cái nghề giúp gia đình được khá lên. Đùng một cái, Thái lại chứng kiến một sự kiện hãi hùng khác, hai đứa em song sinh vừa chào đời đã bị dị tật dính liền nhau. Nhưng may mắn thay nhờ có y khoa tiến bộ nên ca mổ tách đôi anh em song sinh đó thành công. Nguyễn Việt – Nguyễn Đức được lấy từ tên của Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội) – nơi đã cứu lấy tính mạng hai người em song sinh của Thái. Nhà nghèo lại càng nghèo hơn. Cha bỏ mẹ. Đêm nào Thái cũng khóc vì thương mẹ phải gánh chịu quá nhiều nỗi đau trong cuộc đời. Vừa đi học, vừa chăm sóc hai em để giúp mẹ đi làm, Thái đã có được những kinh nghiệm chăm sóc cho người khuyết tật từ đó. Học hết lớp 10, Thái cùng mẹ đưa hai em Việt – Đức vào sinh sống tại làng Hòa Bình theo tiếng gọi của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Cuộc đời Thái bắt đầu bước sang trang mới…

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…

Tại đây, mẹ Thái làm y công, còn Thái, hàng ngày chứng kiến cảnh những đứa trẻ vừa lọt lòng bị bố mẹ bỏ rơi do dị tật, không cầm lòng nổi, cũng bắt tay vào phụ các cô hộ lý chăm sóc các em đáng thương ấy như chăm sóc cho chính em ruột của mình. Nỗi vất vả trong công việc nhân lên gấp đôi khi Thái quyết định sống cùng mái nhà với các em, không rời xa các em nửa bước. Nhưng khi nhìn những đôi mắt xoe tròn ngây thơ của các em, nỗi vất vả của Thái như được vơi đi đôi chút.

Khi các em đến tuổi đi học, Thái xung phong nhận một công việc quan trọng hơn: đưa đón các em đến lớp. Quả thật, đưa đón trẻ khuyết tật đến trường học không dễ dàng chút nào, vừa khó khăn vừa cực nhọc, nếu không thật lòng yêu thương các em như người thân của mình thì không thể làm công việc này. Đối với những đứa trẻ khuyết tật này thì chuyện đến trường vào lớp luôn phải có người bên cạnh. Mỗi ngày, Thái phải đưa 10 đứa trẻ đến trường. 6 giờ 30 sáng Thái đưa chúng đi học, ở đó chờ 11 giờ trưa đón về. Chiều lại tiếp tục đưa các em, từ 13 giờ ở đến 16 giờ 30 rước về. Vì những đứa trẻ khuyết tật này rất khó khăn trong việc đi lại cũng như không thể tự đi tiêu tiểu hay tự vệ sinh cá nhân một mình được. Thái tâm sự: “Các em bị rất nhiều loại dị tật khác nhau: đa dị tật, dị tật tay chân, bại não, tim bẩm sinh, thoát vị tủy cột sống, dị tật tai… không phải em nào cũng đều biết đi đứng, ăn nói như những đứa trẻ bình thường, vì vậy tôi luôn túc trực bên các em trong việc đưa đón đi học, ở bên cạnh những lúc các em học hành cùng với bạn bè bình thường khác…”.

Như được bù lại công lao, tất cả các em đến trường đều chăm ngoan và học giỏi. Em Trần Thị Hoan, sinh năm 1987, bị dị tật bẩm sinh cụt dưới gối hai chân, không có tay trái nhưng liên tục là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng và THCS Thăng Long. Em trai Nguyễn Minh Phúc sinh năm 1990, là đứa trẻ mang khá nhiều dị tật trên người: hàm dưới thụt vào, không có lưỡi, hai chân bị cụt dưới gối, tay trái bị cụt, bàn tay phải có màng, kẽ tay dính lại giống như chân vịt. Nhưng khi đến trường học cùng các bạn bình thường khác lại là học sinh tiên tiến. Em Ngọc Loan bị sứt môi, hư một mắt nhưng cũng liên tục là học sinh giỏi. Đó là nhờ cả một quá trình kiên nhẫn rèn luyện các em trong nỗi nhọc nhằn, lòng nhiệt tình và nhân ái của Thái cùng các cô hộ lý nơi đây. “Có gì đâu, tôi nghĩ cứ giúp người đi rồi người khác giúp lại mình, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…” – Thái tâm sự như thế!

Hiện tại, công việc đưa đón đã được giao cho một người khác để Thái chuyên tâm cùng với các cô hộ lý có tay nghề nuôi dưỡng, chăm lo cho 40 trẻ khuyết tật ở làng Hòa Bình. Mẹ Thái làm việc ở đây nên việc cô chăm sóc cho mẹ cũng dễ dàng. Nguyễn Đức thì có công việc ổn định – làm bộ phận vi tính tại làng Hòa Bình, Nguyễn Việt thì sống đời thực vật và hiện đã qua đời. Mới đây, Nguyễn Đức đã tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời mình bên cạnh người vợ ngoan hiền, hiếu thảo, Thái và mẹ cũng rất vui, cũng như cô luôn tìm thấy niềm vui trong việc san sẻ với những đứa trẻ bất hạnh hơn mình. Thái luôn xem làng Hòa Bình là mái ấm của mình, cô chưa nghĩ tới việc lập gia đình và rời xa nơi này. Cứ thế, cuộc chinh phục lặng thầm vì tình thương của Thái cứ ngày nối tiếp ngày. Bao đứa trẻ khuyết tật sẽ được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay của “cô tiên” nhân ái này…

SONG MINH

Bình luận (0)