Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Niềm vui cùng dòng kênh Tân Hóa – Lò Gốm: Kỳ cuối: “Khai sinh” nhiều công trình an sinh xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Mầm non 13 (quận Tân Bình) được xây mới từ nguồn vốn kết dư
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Dự án nâng cấp đô thị, khoản vốn kết dư 21 triệu USD tiết kiệm được trong quá trình thực hiện Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm. UBND TP.HCM và nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới đã chấp thuận dùng nó để nâng cấp, sửa chữa, xây mới hàng loạt cơ sở giáo dục, y tế, tuyến đường, cụm hẻm đem lợi ích cho hàng ngàn học sinh và người dân.
Nâng cấp trường học, cơ sở y tế
Theo Ban quản lý dự án, tổng cộng có 70 cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn các quận thuộc lưu vực dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm được ưu tiên xây mới, sửa chữa, nâng cấp vì trước đó đã bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc quá tải về công năng sử dụng. Trong đó, 4 trường được xây mới gồm Trường Mầm non 13, Trường Mầm non 14 (quận Tân Bình) và Trường Mầm non Bông Sen, Trường THCS Võ Thành Trang (quận Tân Phú).
Bên cạnh đó, hàng loạt các cơ sở giáo dục, y tế đã được nâng cấp, sửa chữa. Cụ thể, trên địa bàn quận 6 có 32 công trình giáo dục và 7 cơ sở y tế, quận Tân Phú có 4 cơ sở giáo dục, quận 11 có 12 cơ sở giáo dục và 12 cơ sở y tế được nâng cấp. Hiệu quả từ việc nâng cấp đã góp phần giảm áp lực thiếu phòng học, chuẩn hóa phòng chức năng, khắc phục tình trạng sụt lún, ngập nước khi triều cường…
Theo thống kê sơ bộ từ Ban quản lý dự án, việc cải thiện các cơ sở hạ tầng xã hội đã đem lại diện mạo mới cho các ngôi trường và cơ sở y tế ở các địa bàn quận. Theo đó, 57.562 học sinh đã được học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp và 254.603 người dân được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sạch sẽ, thông thoáng. Ngoài ra, còn có 53 tuyến đường, hẻm, cụm hẻm trên địa bàn bốn quận được nâng cấp và sửa chữa từ nguồn vốn kết dư trên.
Quỹ tín dụng xóa đói giảm nghèo
Bên cạnh việc cải thiện môi trường học tập và y tế cho cộng đồng từ nguồn vốn kết dư thì quỹ quay vòng vốn tín dụng hỗ trợ sửa chữa nhà và cải thiện thu nhập cho các hộ dân trong khu vực triển khai dự án (thuộc hạng mục 5 của Tiểu dự án nâng cấp đô thị TP.HCM) cũng giúp cho nhiều hộ dân ở các quận, huyện trong địa bàn TP vươn lên thoát nghèo, tự chủ được nguồn thu nhập, điều mà trước đó với họ là điều quá tầm tay với.
Theo Ban quản lý dự án, quỹ quay vòng vốn tín dụng của dự án đã hỗ trợ 5.550 hộ gia đình vay vốn sửa chữa, nâng cấp nhà ở và cải thiện kinh tế gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, 44 tuổi, ngụ tại 62/81 Huỳnh Tịnh Của, phường 19, quận Bình Thạnh khoe rằng gia đình bà nay đã đủ ăn đủ mặc, không bị thiếu trước hụt sau như trước nữa. Trước đây gia đình 3 thành viên của bà sống trong căn nhà 24m2. Sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa vì mở rộng đường dân sinh, bà được vay thêm 15 triệu đồng. Bà đã dùng tất thảy số tiền đó để nâng nền và trần nhà, lót gạch hoa, xây lại nhà vệ sinh, và xây thêm gác để ở. Nhờ đó bà có tầng trệt để cho thuê với thu nhập ổn định là 3 triệu đồng mỗi tháng.
Hay như trường hợp của chị Tô Hán Anh, ngụ 206/90/23 Hàn Hải Nguyên, phường 9, quận 11, nguồn vốn vay cũng đã giúp cho gia đình chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chồng chị  Anh bị tai biến nằm một chỗ, không còn lao động được, nên chị đã mạnh dạn vay vốn để mở tiệm bán cơm. Nhờ đó, chị có thêm nguồn thu nhập để vừa lo cho miếng ăn trong gia đình, vừa lo cho 3 đứa con ăn học tới nơi tới chốn. Hiện nay 2 đứa con lớn của chị Anh đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm và người con út sắp ra trường.
Tạo động lực phát triển TP
Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân khẳng định, Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm cùng với kênh Tàu Hũ –  Bến Nghé, Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được cải thiện và đưa vào sử dụng trước đó đã góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, tạo động lực phát triển cho TP nói chung.
Ông Quân cũng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ TP để hoàn thành giai đoạn 2 của dự án với các vấn đề cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải quyết ô nhiễm môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải, để diện mạo đô thị được tiếp tục củng cố và nâng tầm phát triển đô thị một cách bền vững.
Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) tại Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp cùng với chính quyền TP thực hiện việc xây dựng nhà máy nước thải trong Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, đồng thời bắt tay chuẩn bị cho Dự án quản lý rủi ro ngập lụt tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát, lưu vực cuối cùng trong năm tiểu lưu vực của trung tâm TP.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo bà Victoria Kwa Kwa, dự án trên đã chứng minh rằng, TP.HCM là một điển hình tốt cho các địa phương khác của Việt Nam về tăng trưởng xanh, thông qua cam kết sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện môi trường và cải thiện điều kiện sống của người nghèo đô thị…
 

Bình luận (0)