Tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch cúm H5N1. Trong khi đó, các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đề nghị Trung Quốc cấp chủng virus H7N9 để họ tìm cách khắc chế.
Cán bộ thú y chuẩn bị tiêu hủy đàn yến ở rạp Thanh Bình. |
Xin hỗ trợ người nuôi yến
Sáng 19/4, ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định công bố dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến nuôi của Cty TNHH Thương mại – Dịch vụ Yến Việt tại cơ sở rạp hát Thanh Bình cũ, số nhà 592 đường Thống Nhất (phường Đạo Long, TP Phan Rang – Tháp Chàm).
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo Chi cục thú y tỉnh chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thú y vùng 6, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và các đơn vị liên quan khẩn trương huy động nhân lực, vật lực cần thiết để phục vụ cho công tác chống dịch bệnh; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp để xử lý dịch theo quy định của pháp luật về thú y, nhằm khống chế nhanh và dập tắt dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng…
“Nhà yến” tại rạp Thanh Bình cũ có khoảng 100.000 con chim yến, từ cuối tháng 3 đến nay đã có khoảng 5.000 con bị chết. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả mẫu chim yến chết, một số mẫu chim yến sống và phân chim yến lấy tại đây có virus cúm A/H5N1.
Theo Tân Hoa Xã, cuối tuần này, Chính phủ Trung Quốc sẽ chia sẻ mẫu virus H7N9 với Đài Loan để hai bên cùng phối hợp tìm ra phương pháp phòng ngừa và phát hiện mới.
|
Ngay sau khi có quyết định công bố dịch, việc phun hóa chất để tiêu hủy đàn yến và phun thuốc tiêu độc khử trùng cơ sở nuôi chim yến tại rạp hát Thanh Bình đã được tiến hành khẩn trương.
Chim yến chưa được coi là gia cầm, theo quy định hiện hành, chủ cơ sở nuôi chim yến sẽ không được hỗ trợ tiền thiệt hại do đàn yến bị tiêu hủy. Ông Trần Quốc Nam, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT, xin ý kiến về phương án hỗ trợ người nuôi yến bị thiệt hại.
Thuốc cổ truyền Trung Quốc chữa cúm H7N9
Thuốc y học cổ truyền Trung Quốc (TQ) đã được đưa vào chữa cho 24/91 bệnh nhân mắc cúm H7N9 tính đến ngày 19/4, theo Tân Hoa Xã.
Trường hợp khỏi bệnh đầu tiên hôm 15/4, bé gái bảy tuổi họ Diêu ở Bắc Kinh được chuyển sang điều trị bằng Trung dược trong vòng 15 tiếng sau khi chữa bằng tây y mà thân nhiệt vẫn ở mức 39,5 độ C.
Ba giờ sau khi điều trị bằng y học cổ truyền, bệnh nhi bắt đầu toát mồ hôi. Năm tiếng sau, nhiệt độ cơ thể của em giảm và chỉ còn 37,5 độ C. Sau đó em còn được can thiệp bằng nhiều trị liệu khác để thông ruột.
Các ca khác cho thấy Trung y có tác dụng rõ rệt nếu được điều trị sớm. Các trường hợp nặng và vừa, các liệu pháp cổ truyền cũng có tác dụng ngăn chặn phát tác. Từ kết quả ban đầu đó, chỉ trong mấy ngày qua, đã có 229 cơ sở điều trị bằng y học cổ truyền được thiết lập ở nhiều nơi tại TQ.
Theo Bộ Nông nghiệp TQ, trong số 47.801 mẫu lấy từ hơn 1.000 chợ gia cầm, nông trại, và các lò mổ khắp cả nước, phát hiện 39 mẫu dương tính với virus H7N9. 38 mẫu dương tính lấy từ các chợ gia cầm sống ở các tỉnh thành phía đông TQ như Giang Tô, Chiết Giang, tỉnh An Huy ở miền Trung, và TP Thượng Hải. Một mẫu dương tính lấy từ bồ câu. Sau chiến dịch tầm soát liên tục tại năm tỉnh thành của TQ có người mắc cúm H7N9, vẫn không phát hiện chim hoang dã dính H7N9.
Đổ xô xin mẫu bệnh phẩm virus H7N9
Các phòng thí nghiệm khắp nơi trên thế giới đang đổ xô đề nghị Trung Quốc cấp cho họ chủng virus H7N9 để họ có thể chủ động phối hợp tìm cách khắc chế con virus còn nhiều điều chưa biết này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, TQ mới chỉ cung cấp mẫu virus cho năm phòng thí nghiệm của WHO đặt bên ngoài lãnh thổ TQ. Đó là các phòng thí nghiệm đặt ở Tokyo, Melaourne, London, Atlanta, và Memphis.
Theo hãng tin Nga RIA Novosti, phía Nga vừa yêu cầu Trung Quốc cung cấp mẫu virus H7N9 cho các phòng thí nghiệm Nga. “Chúng tôi đã chính thức đề nghị Trung Quốc, qua đường ngoại giao, gửi cho chúng tôi chủng virus này” – Gennady Onishchenko, trưởng cơ quan y tế dự phòng Nga, nói với báo giới.
Yêu cầu đó chưa thấy được hồi đáp.
Hoàng Quân – QD
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)