TP.HCM và Ninh Thuận đã hợp tác về nhiều mặt, trong đó lĩnh vực du lịch đã đạt hiệu quả tích cực, thu hút được dòng khách hai chiều. Với thiên nhiên hùng vĩ, nhiều loại hình du lịch hấp dẫn cùng sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng thu hút thêm nhiều nguồn khách từ TP.HCM trong thời gian tới.
Nhiều lợi thế
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách đến địa phương đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ. Lượng khách đến Ninh Thuận chủ yếu là khách nội địa với hơn 3,11 triệu lượt, khách quốc tế ước đạt 87.000 lượt (tăng 194% so cùng kỳ, đạt 87% so kế hoạch của năm).
So với các nơi khác, du lịch tỉnh Ninh Thuận nhiều lợi thế phát triển. Tỉnh là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Tây nguyên và Nam Trung bộ. Ninh Thuận có cảng biển nước sâu Cà Ná, nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường sắt Bắc – Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên.
Đến với Ninh Thuận, khách du lịch sẽ nhìn thấy được địa hình bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp. Trong đó vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là danh lam thắng cảnh quốc gia, vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu du lịch Bình Sơn – Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Ninh Thuận là nơi sinh sống tập trung cộng đồng người Chăm nhiều nhất cả nước, có nhiều công trình văn hóa, các di tích lịch sử đang được bảo tồn. Nhiều lễ hội văn hóa đặc thù của dân tộc Chăm được gìn giữ, trong đó, làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào ngày 29-11-2022. Điều này tạo cho Ninh Thuận tiềm năng, thế mạnh riêng có để phát triển ngành kinh tế trong đó nổi bật là du lịch.
Đầu tư phát triển
Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện tại, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. Tỉnh đang đầu tư Sân bay Thành Sơn quy mô cấp 4C, công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm. Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo) đã hoàn thành đi vào hoạt động rút ngắn khoảng cách thời gian từ Ninh Thuận đi TP.HCM từ 6-7 giờ xuống còn 3-4 giờ. Điều này tạo nhiều thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Ninh Thuận.
Theo ông Nam, tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng khu dịch vụ hỗn hợp khách sạn, thương mại, dịch vụ cao cấp, cơ sở du lịch đặc thù. Điều này nhằm tạo sự khác biệt có tính cạnh tranh cao với những nơi khác. Tính đến nay, tỉnh đã phát triển những loại hình du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, các khu du lịch chuyên đua mô tô địa hình trên cát, dù lượn, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng chăm sóc sức khỏe… “Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung. Đó là xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045. Mục tiêu thu hút đầu tư phát triển các khu vực ven biển tỉnh Ninh Thuận, trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, cả nước và quốc tế”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho rằng, Ninh Thuận có nhiều điểm đến với cảnh quan tuyệt vời để phát triển du lịch như vịnh Vĩnh Hy, Cà Ná, Đầm Nại… Tuy nhiên để phát triển du lịch của tỉnh cần có sự khác biệt. Theo đó, Ninh Thuận nên tập trung đẩy mạnh văn hóa Chăm vì thời gian qua chưa được đầu tư tương xứng, nếu làm tốt sẽ tạo ra nét văn hóa du lịch riêng. “Trong các năm tới, chúng tôi cam kết đưa Ninh Thuận là điểm đến chính của Vietravel. Chúng tôi sẽ mời tỉnh cùng tham gia xúc tiến du lịch ở các nước để đưa khách du lịch đến Ninh Thuận. Ngoài ra, chúng tôi cam kết cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư đoàn tàu du lịch để di chuyển trên hành trình di sản từ TP.HCM đến Nha Trang và từ Nha Trang đến Đà Nẵng”, ông Kỳ chia sẻ.
Năm 2024, Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 100.000 lượt. Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển thị trường quốc tế truyền thống là thị trường Nga và Đông Âu, chú trọng việc thu hút lại thị trường khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Tỉnh cũng hướng tới những đối tượng khách cao cấp của các thị trường sẵn có, phát triển các thị trường mới theo các sản phẩm du lịch mới lạ, sản phẩm được nâng cao chất lượng… qua đó hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế. |
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC đề xuất, tỉnh Ninh Thuận cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng. Bởi vì thực tế cho thấy địa phương nào có hạ tầng tốt thì sẽ thu hút được nhà đầu tư. Song song với đầu tư hạ tầng thì tỉnh cần có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Ninh Thuận đã và đang áp dụng chính sách đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn. Theo đó, tỉnh áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu.
Hồ Trinh
Bình luận (0)