Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ninh Thuận quảng bá du lịch từ Lễ hội Nho – Vang

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 5-5 tại TP.HCM, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông tin về Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023.


UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin về Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023

Sự kiện diễn ra từ ngày 13 đến18-6 tại Quảng trường Tượng đài 16-4 thuộc TP.Phan Rang – Tháp Chàm với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sổi nổi, đặc sắc mang thế mạnh đặc trưng của tỉnh như Hội chợ công thương khu vực Nam Trung Bộ Ninh Thuận 2023; Lễ hội Ẩm thực; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố…

Ngoài ra còn có Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Hành trình khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; Thi giàn nho đẹp; Giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận – Bình Thuận… 

Ông Trần Quốc Nam (Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận) thông tin, năm 2023 Ninh Thuận tổ chức Lễ hội Nho – Vang đồng thời tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người, cảnh quang thiên nhiên và các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nhà. Đồng thời tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho địa phương, tạo cơ hội giao thương giữa người trồng nho, người sản xuất, người tiêu dùng với các sản phẩm chế biến từ nho. Qua đó, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận.

“Thông qua sự kiện còn nhằm mục đích cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, ông Nam chia sẻ. 

Ninh Thuận là miền đất hội tụ những giá trị khác biệt, là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế với văn hóa, sản vật, tài nguyên thiên nhiên độc đáo để phát triển du lịch. Với khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như: măng tây xanh, táo, tỏi, dê, cừu. Đặc biệt cây nho và các sản phẩm từ nho phát triển, đưa Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” của cây nho cả nước.

Nhằm phát triển du lịch theo hướng toàn diện, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã có những định hướng phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, thu hút 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP. Riêng năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đón 2,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 20.000 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.900 tỷ đồng.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)