Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nissan Việt Nam mất 500 tỷ vì đi tắt đón đầu?

Tạp Chí Giáo Dục

Công ty Nissan Việt Nam (NVL) đang phải theo đuổi một vụ việc liên quan đến truy thu thuế có giá trị lên tới trên 500 tỷ đồng, trong khi chưa thấy dấu hiệu nào khả quan. Vì sao? 
 Ảnh: minh họa
Đón đầu…
Năm 2009, khi NVL quyết định tham gia thị trường xe hơi Việt Nam bằng việc lắp ráp xe trong nước, không ít thương hiệu khác đã phải ghen tỵ trước cú đi tắt, đón đầu của các nhà đầu tư trong liên doanh này. Mười triệu USD là số vốn đầu tư đăng ký của NVL, một liên doanh giữa Tập đoàn Nissan Motor Nhật Bản với Kjaer Group A/S Đan Mạch để kinh doanh xe hơi mang nhãn hiệu Nissan tại Việt Nam vào năm 2008.
Đáng nói là bán các sản phẩm xe hơi Nissan được lắp ráp tại Việt Nam nhưng các nhà đầu tư của NVL không phải tốn nhiều tiền cho đầu tư nhà máy sản xuất xe hơi tại Việt Nam như các nhà đầu tư nước ngoài khác. Thay vì đầu tư tại Việt Nam, NVL đã chọn cách thuê Liên doanh ôtô Hòa Bình (VMC) lắp ráp các sản phẩm cho mình trên bộ linh kiện nhập khẩu do mình cung cấp. Dĩ nhiên, NVL cho hay, họ đã đầu tư khoảng 2,5 triệu USD để nâng cấp các trang thiết bị phục vụ cho lắp ráp xe Nissan tại VMC, cũng như cử các chuyên gia Nhật Bản đến giám sát chất lượng sản phẩm lắp ráp để đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Việc tận dụng dây chuyền sản xuất của VMC để lắp ráp xe mang thương hiệu Nissan đã khiến NVL “lợi đơn, lợi kép”. Theo cách này, NVL không phải bỏ ra từ 30 – 50 triệu USD để đầu tư, thuê đất và xây dựng nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp. Trong bối cảnh thuế suất thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ lắp ráp trong nước cao nhất là 25%, còn thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc vài năm qua vẫn ở mức trên 70% thì cách đi của Nissan Việt Nam được xem là rất khôn ngoan. “Lách” được thuế nhập khẩu nguyên chiếc và không phải đầu tư dây chuyền sản xuất sẽ giúp các sản phẩm xe hơi lắp ráp tại Việt Nam của NVL có những lợi thế nhất định trong việc cạnh tranh trên thị trường, dù là người đến sau. Trước khi lắp ráp tại Việt Nam, xe mang nhãn hiệu Nissan được nhập khẩu nguyên chiếc với số lượng rất hạn chế, khoảng 100 chiếc/năm.
Ở thời điểm tháng 10/2009, ông Minoru Shinohara, Phó Chủ tịch cấp cao của Nissan Motor toàn cầu khi tới Việt Nam để giới thiệu những công nghệ tiên tiến của Nissan cũng cho hay, hãng sẽ mở 4 đại lý tại các thành phố lớn, nhập linh kiện từ những thị trường cạnh tranh trước khi thực sự nội địa hóa tại Việt Nam. Ông này cũng kỳ vọng, trong vòng 5 năm, tức là vào khoảng năm 2014, Nissan sẽ chiếm 5,5% thị phần xe hơi dưới 9 chỗ tại Việt Nam, bao gồm cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.
“Thị trường xe hơi Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Hiện tại, Việt Nam có hơn 80 triệu dân, nếu so sánh với số lượng xe hiện có trên thị trường thì còn rất nhiều khoảng trống để các nhà sản xuất thành công tại đây. Đó chính là một trong những lý do khiến Nissan quyết định tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam”, ông Minoru Shinohara lạc quan nói.
Hay lao vào bụi rậm?
Sau khi thuê VMC lắp ráp, NVL cũng nhanh chóng cho ra mắt mẫu xe Grand Livina vào tháng 4/2010 và trở thành đối thủ cạnh tranh với Kia Caren và Toyota innova. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Với quyết định kiểm tra sau thông quan của cơ quan hải quan vào tháng 11/2011, NVL thấy cả rừng gai cho tương lai của mình.
Theo kết luận của cơ quan hải quan, từ năm 2009 đến năm 2011, NVL đã nhập khẩu 1.377 bộ linh kiện rời không đồng bộ (ắc quy và ăng ten mua trong nước) để lắp ráp thành xe nguyên chiếc. Toàn bộ số linh kiện rời không đồng bộ nhập khẩu này đã được phân loại, áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc ưu đãi đặc biệt với các xuất xứ C/o form D, JV. Cũng bởi không có nhà xưởng nên NVL không trực tiếp sản xuất, lắp ráp xe hơi mà bán toàn bộ linh kiện nhập khẩu cho VMC để lắp ráp thành xe nguyên chiếc và sau đó lại mua lại xe nguyên chiếc đã được VMC lắp ráp bằng hợp đồng mua xe.
Hành động mua – bán dứt điểm với VMC tưởng như khôn ngoan, khi giúp rành mạch được các chi phí lắp ráp xe thì giờ lại khiến cho NVL điêu đứng.
Lý do, theo quyết định số 106/2007/QĐ-BTC và các Thông tư 216/2009/TT-BTC và Thông tư 184/2010/TT-BTC, để bộ linh kiện xe hơi mới được phân loại và được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định cho từng linh kiện , doanh nghiệp phải thỏa mã đủ 2 điều kiện. Đó là phụ tùng, linh kiện do các doanh ảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe hơi theo quy định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) trực tiếp nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu. Điều kiện còn lại là mức độ rời rạc của các chi tiết phải đáp ứng tiêu chuẩn tại Quyết định 05/2005/QĐ- BKHCN.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, NVL vẫn chưa bao giờ được Bộ Công Thương xác nhận là đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe hơi theo quy định. Như vậy, chiếu theo quy định hiện hành, NVL không được hưởng chính sách thuế ưu đãi theo linh kiện. Cũng bởi NVL không để VMC (đã được xác nhận đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp lắp ráp xe theo quy định) thực hiện việc nhập khẩu – lắp ráp và sau đó NVL mua lại thành phẩm của VMC, mà lại tự mình đứng ra nhập khẩu – bán lại cho VMC bộ linh kiện để lắp ráp – mua lại xe đã được lắp ráp thành phẩm của VMC nên NVL cũng không đủ tiêu chuẩn được hưởng chính sách thuế ưu đãi theo linh kiện.
Điều này cũng có nghĩa, các bộ linh kiện mà NVL đã nộp thuế theo mức thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện bị cơ quan hải quan yêu cầu phải nộp thuế theo xe nguyên chiếc như quy định hiện hành tại thời điểm kiểm tra. Số tiền được cơ quan chức năng đề nghị truy thu do chênh lệch thuế này lên tới 510 tỷ đồng.
Kkó thoát truy thu
Sau khi nhận được quyết định truy thu của hải quan, NVL, mà giờ đây phần vốn góp của phía Đan Mạch đã được chuyển giao cho Tập đoàn Tan Chong – Malaysia, đã kêu cứu khắp nơi. NVL cho rằng, việc NVL tự nhập khẩu bộ linh kiện – bán cho VMC – mua lại xe thành phẩm của VMC hay việc để VMC tự nhập khẩu – lắp ráp và sau đó bán xe thành phẩm cho NVL để phân phối tại các đại lý của mình, về bản chất là không khác nhau. “Việc NVL chủ động nhập khẩu bộ linh kiện chỉ là để quản lý chất lượng của Nissan trước khi đưa sản phẩm ra thị trường”, đại diện NVL cho biết.
Mặt khác, Tập đoàn Tan Chong cũng không dừng lại ở việc nhập khẩu bộ linh kiện, thuê đơn vị khác lắp ráp mà đã đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp xe hơi nhãn hiệu Nissan tại Đà Nẵng và cuối năm 2012 đã được xác nhận đủ tiêu chuẩn lắp ráp xe hơi.
Tuy nhiên, cơ quan hữu trách vẫn nói "không", với lý do NVL không đáp ứng được tiêu chuẩn phân loại tại thời điểm làm thủ tục hải quan, tức giai đoạn 2009-2011.
Để giảm thiểu số thuế mà cơ quan hữu trách đề nghị truy thu, NVL đã quyết định xuất trả lại 228 bộ linh kiện đã về cảng Hải Phòng nhưng chưa hoàn thành thủ tục nộp thuế trong tháng 2/2012. Đồng thời đề nghị nhà cung cấp tạm hoãn các đơn hàng tiếp theo và tiếp tục kiến nghị lên các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Kết cục thế nào hồi sau mới rõ.
Theo Doanh Nhân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)