Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Níu giữ một làng nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Hai Thắng bên những sản phẩm tâm huyết của mình
Nén nhang trầm được cắm chỉn chu ngay thẳng trên bộ lư đồng sáng đẹp, từng làn khói ngát hương tỏa bay quanh nơi thờ tự… Ngay chính giây phút ấy, làn khói như sợi dây vô hình nối liền mạch hiện tại với quá khứ, nối tôn kính với nhớ thương, nối ký ức của lớp cháu con càng gần gụi với nguồn cội, tổ tiên…
Bao đời rồi, người Việt Nam bất kể sang hèn luôn lấy việc thờ phụng tổ tiên làm trọng. Điều đó thể hiện tấm lòng cung kính, tri cố của thế hệ con cháu đối với bậc tiền nhân. Thế nên với mỗi gia đình, chiếc bàn thờ luôn được xem là nơi linh thiêng và được đặt ở vị trí trang trọng nhất, các đồ vật thờ tự do đó cũng mang tính tâm linh, là “bảo vật” của họ tộc. Trong số các đồ thờ tự, quý nhất chính là bộ lư hương sáng đẹp, cổ kính.
Vào những ngày khi cái Tết cổ truyền cận kề, đi đến đâu cũng bắt gặp sự nhộn nhịp của nhà nhà lo cho chiếc bàn thờ được trang trọng. Nhìn những bộ lư hương được mang ra lau chùi, đánh bóng sáng choang, cẩn thận, không khỏi gợi nhớ câu chuyện về những làng đúc đồng xưa…
Tìm lối cho nghề
Trải dài xuyên suốt lịch sử phát triển của nước Việt, trên khắp đất nước chưa bao giờ thiếu vắng những trung tâm đúc đồng nổi tiếng. Riêng Sài Gòn, nghề đúc đồng dù sinh sau đẻ muộn nhưng cũng góp mặt đến nay được hơn hai thế kỷ. Đỉnh cao, các sản phẩm đồng đúc thủ công được sản xuất hàng loạt và bán đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Điểm đúc lư đồng đầu tiên phải kể đến là khu vực Chợ Lớn, nổi tiếng với dòng sản phẩm như nồi, niêu, bát nhang, lư hương, ô đựng trầu… Nghề sau đó được truyền đạt và nhân rộng. Làng An Hội, nay thuộc phường 12, quận Gò Vấp (TP.HCM) cũng là nơi tập trung nhiều lò đúc đồng thủ công nhất của Sài Gòn – Gia Định xưa.
Thời gian đổi dời, những làng nghề đúc lư vang danh thuở trước ngày càng mai một. Để rồi ngày nay, Sài Gòn chỉ còn lại duy nhất “xóm” đúc lư Gò Vấp, bao gồm 5 cơ sở của 5 gia đình đang từng ngày níu kéo, nuôi dưỡng một ngành nghề. Ông Hai Thắng – Trần Văn Thắng – truyền nhân lâu đời nhất, cám cảnh: “Cái nghề này rồi sẽ mai một thôi, không sớm thì muộn cũng chìm trong quên lãng”…
Nghệ nhân đầu tiên khai sáng nên làng nghề là ông Trần Văn Kỉnh. Từ An Hội, ông Kỉnh khăn gói vào khu vực Chợ Lớn học nghề, chỉ với một ý nghĩ duy nhất là tìm kế sinh nhai. Sau khi thạo nghề, ông Kỉnh trở về làng huy động người thân trong gia đình lập nên xưởng sản xuất lư đồng. Với tiếng tăm từ những chiếc lư đồng được xuất đi cả nước, dân trong làng tìm đến ông xin học nghề, học đến độ… chín, họ tiếp tục đứng ra thành lập cơ sở riêng. Làng lư đồng An Hội vang danh từ đấy. Đỉnh cao có đến hơn 30 lò lư hoạt động. Bây giờ, con số ấy lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hỏi ông Thắng: “Do đâu những nghệ nhân ngày ấy lại buông tay với nghề?”, ông đáp: “Thời thịnh vượng, nghề đúc đồng ăn nên làm ra thu hút nhiều người theo. Nhưng bấy giờ, người ta đến với nghề chưa hẳn vì đam mê mà chỉ vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo. Để rồi khi nghề dần mai một, họ không đủ kiên nhẫn và sức chịu đựng, phải rẽ sang hướng khác để làm ăn”.
Níu giữ hồn xưa
Nếu như trước kia, mỗi dịp Tết đến là lúc các lò lư rộn ràng củi lửa, chuẩn bị cho những bộ lư mới ra lò. Những con đường An Hội xưa trong không khí xuân ngập tràn, các khuôn đất của những lò đúc lư phơi đầy trên lối đi thì cũng chính những ngày này, đến “xóm” lư đã không còn bắt gặp không khí của ngày xưa, mọi thứ đều bình lặng và thậm chí, có cơ sở liên tục hai ngày không đỏ lửa. Ông Thắng tâm sự: “Đó là do sản phẩm lư thủ công mỗi ngày một mất ưu thế trên thị trường. Nhiều người bây giờ chuộng sản phẩm lư công nghiệp hơn là thủ công. Phần vì giá cả, phần vì sản phẩm công nghiệp đẹp, hình thức lại giống nhau hoàn toàn”. Dù vậy, ông Thắng khẳng định những sản phẩm được ra đời bởi công nghệ tối tân, dù có hoàn hảo đến mấy vẫn không đủ độ tinh xảo như hàng thủ công, được làm bởi tâm huyết của người thợ.
Chia sẻ về tuyệt kỹ của nghề đúc lư đồng, ông Thắng cho hay, nghề trải qua nhiều công đoạn khó và vận dụng kỹ thuật cao. Nguyên vật liệu phải được tinh lọc kỹ càng. Đất làm khuôn chỉ có thể lấy ở vùng Bình Dương hay Đồng Nai mới đảm bảo chất lượng. Đất được xay nhuyễn, quện với tro, trấu cũng được xay nhuyễn rồi mới lên khuôn. Khuôn gồm 3 lớp, bao gồm 2 lớp đất bao bọc 1 lớp sáp ở giữa. Sáp này được trộn lẫn từ sáp ong và sáp đèn cầy. Khi khuôn đất được hình thành sẽ phải mang phơi khô từ 1 đến 2 nắng. Trước khi đưa vào lò nung, để tránh sản phẩm bị rỗ hay lỗi, cần phải “gia” thêm hai lớp đất sét được rây mịn bên ngoài.
Công đoạn khó nhất chính là nấu đồng chảy lỏng rồi đổ vào khuôn. Khó bởi đòi hỏi người thợ phải canh chừng kỹ lưỡng, đồng phải đạt đến độ vừa “chín” để móc khuôn ra khỏi lò kịp thời. Khi khuôn nguội, các lớp vỏ đất sẽ được đập bỏ để sản phẩm chỉ còn lại lớp đồng ánh sáng. Cuối cùng, tinh hoa, công phu và tài năng của nghệ nhân của nghề thể hiện ở chỗ bài trí, chạm trổ tỉ mẩn từng họa tiết, hoa văn độc đáo, làm nên bộ mặt của sản phẩm lư như rồng, lân, phượng… Tùy vào thẩm mĩ, chất lượng của sản phẩm mà mỗi cơ sở có một “bí quyết” nghề riêng, đó là cách gia giảm, pha chế các nguyên liệu cũng như kỹ thuật nấu đồng và cả sự tinh xảo trong từng đường nét.
Nếu như trước kia, sản phẩm lư đồng vang danh, được ưa chuộng và phân phối khắp đất nước, thì nay, tại TP.HCM, chỉ còn đúng hai nơi chuyên kinh doanh sản phẩm lư Gò Vấp là khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) và đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5). Từ đây, lư hương được phân phối đi về các nơi, ngự trang trọng trên các tủ thờ ngày xuân của mỗi nhà.
Là một trong những truyền nhân của nghề, năm nay 63 tuổi, ông Thắng đã có cả một cuộc đời gắn bó với nghề đúc lư đồng. Trở thành một nghệ nhân kỳ cựu, ông tin chắc sau ông, con cháu vẫn sẽ kế tục nghề bởi đúc lư đã trở thành đam mê, thấm nhuộm vào máu thịt họ tộc, cho đến khi không còn khả năng níu giữ.
Tiếp tục với nghề giữ hồn tâm linh truyền thống của dân tộc hay là chuyển sang một công việc khác đối với những truyền nhân như ông Thắng đang là câu hỏi nhói lòng…
Ngân Du

Bình luận (0)