Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nợ chuẩn quốc gia, nhận trẻ nhập cư

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong khi các trường chịu áp lực sĩ số học sinh, nhiều trường chuẩn hay sắp thành chuẩn quốc gia cũng không dám giữ chuẩn.

Xây trường mới vẫn chưa đủ 
Nhiều năm nay, quận Thủ Đức được coi là một trong số các quận có trẻ nhập cư đông nhất. Theo đó, Thủ Đức cũng là nơi được coi tiến độ xây trường lớp đáp ứng đủ cho từng năm. Thế nhưng, sĩ số mỗi lớp vẫn trên 40 HS/lớp, nhiều lớp còn lên đến 49 HS/lớp. 
Học sinh trường Phước Long tập thể dục trong góc sân nhỏ.

Nói như ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Giáo dục quận Thủ Đức, ngân sách của quận đầu tư cho tất cả các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế… là 70 tỉ đồng thì đến 45 tỉ đồng chỉ để xây dựng trường lớp, ưu ái quá lớn nhưng vẫn không đủ. Cứ xây trường nào lên, là trường đó lại kín chỗ.

Theo bà Lê Thị Minh Loan, Quyền trưởng phòng Giáo dục quận 9, dự kiến, năm học tới, quận sẽ có 2 trường tiểu học mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trường hợp Trường tiểu học Phước Long, năm ngoái do vướng đền bù giải tỏa, năm nay mới có thể đập đi để xây mới rộng hơn trước.
Bà Loan cho biết năm nay, số học sinh tăng lên 1.000 em so với 200 – 300 của các năm khiến cho các trường quá tải.
Bởi 1.000 em là tương đương với việc xây thêm 1 trường học. Tình trạng quá tải diễn ra chủ yếu và căng thẳng nhất tập trung ở phường Phước Long, nơi đang tiến lên khu đô thị mới nên xu hướng dân nhập cư vào đây càng tăng.
Còn quận Thủ Đức, năm nay cũng phải xây đến 65 phòng . Hiện, quận chỉ có 12 phường nhưng cũng đã có đến 22 trường tiểu học.
Với sức ép về dân số, nhiều trường ở các quận đông dân nhập cư như Gò Vấp, Bình Tân…, sĩ số HS trong 1 lớp có khi đội lên đến 50 em. Đến trường đạt chuẩn quốc gia cũng phải “phá chuẩn” vì tình trạng này.
Hiện nay, tại TP.HCM chỉ có 32/470 trường tiểu học được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng, ít trường chuẩn quốc gia nào có thể giữ được chuẩn về sĩ số trong lớp và số lớp trong trường.
Thống kê từ Sở GD-ĐT, nhiều trường tiểu học ở địa bàn trung tâm như quận 1, quận 3 hoặc quận Gò Vấp, Q.9, Thủ Đức, Bình Tân… có 40 – 70 lớp/trường, 40 – 50 em/lớp. Còn diện tích bình quân cho một em hiện chỉ đạt hơn 2m2.
Chuẩn nào cũng đạt, chỉ trừ… sĩ số
Vừa mới đây, khi Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp) với hơn 100 lớp học, mỗi lớp lên tới 50 em HS, Phòng Giáo dục quận đã phải tính đến phương án chuyển các em trường An Hội sang Trường tiểu học Lương Thế Vinh.
Vậy là Trường tiểu học Lương Thế Vinh từ một trường sắp tiến đến trường chuẩn quốc gia đành phải bỏ ý định và chịu an phận là trường “không chuẩn” chỉ vì tăng sĩ số lớp, gánh thêm cho trường An Hội.
Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ đọc sách.

Ngay đến trường chuẩn quốc gia như Trường tiểu học Tân Phú (Q.9), cũng không dám “giữ” chuẩn vì số trẻ vào học mỗi năm tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng trường tâm sự: “Đã là trường chuẩn quốc gia rồi đó, nhưng nhu cầu lớn, buộc mình phải nâng sĩ số lớp, có lớp 40 em. Cố nén lắm mới được trung bình 37 em/lớp. Trong khi tiêu chuẩn chỉ có 35 HS/lớp”.
Không khác gì so với Trường tiểu học Tân Phú, 3 trường chuẩn quốc gia còn lại của quận 9 cũng có sĩ số trung bình từ 35 – 40 em.
Nói về trường chuẩn quốc gia, ông Cường cho rằng: “Trong các chuẩn, chuẩn nào các trường cũng có, chỉ trừ 2 điều trong chuẩn về cơ sở vật chất là sĩ số trong lớp, số lớp trong trường”.
Và nếu không vướng điều này, theo ông sẽ có đến 80% các trường trong quận đạt chuẩn về chất lượng giáo dục.
Trên địa bàn quận, hiện có đến 50% số trường có trên 30 lớp. Điển hình là 3 trường tiểu học chuẩn quốc gia: Trường Hoàng Diệu có 37 lớp, Trường Nguyễn Văn Triết có 32 lớp, Trường Bình Chiểu là 33 lớp. Sĩ số của các lớp đều vượt quá 35 em, có lớp lên đến 39 em.
Ông Cường chia sẻ: “Nếu nâng trường nào thành chuẩn thì vô tình lại dồn số học sinh vào trường khác. Chỉ có cách giữ các trường như nhau để tạo sự công bằng cho các em học sinh. Vì thế, hiện quận có không có hướng phấn đấu để có thêm trường tiểu học chuẩn quốc gia”.
Còn các trường nội thành, như Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), được coi là trường cấp tiên tiến của thành phố cũng không dám thành chuẩn quốc gia vì sĩ số mỗi lớp khó có thể nén lại cho được 35 em/lớp.
Ở quận 3, quận có nhiều trường “điểm” của thành phố, thế nhưng vẫn chưa có một trường nào là trường chuẩn quốc gia cũng bởi nhu cầu học quá lớn mỗi năm.
Theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT, trường chuẩn quốc gia chỉ được tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Diện tích đất bình quân cho một học sinh không dưới 6m2 đối với khu vực nội thành và 10m2 với ngoại thành.

Minh Quyên/Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)