Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật dù kê Khmer

Tạp Chí Giáo Dục

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai năm 2023 vừa khép lại sau 7 ngày tranh tài sôi nổi của 13 đơn vị nghệ thuật, với sự góp mặt của hơn 500 diễn viên đến từ các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ năm 2023 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức, nhằm bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer này. Qua liên hoan lần này, các nhà chuyên môn và giới nghiên cứu đã có cái nhìn rõ hơn về nội lực của nghệ thuật dù kê.

Trong 7 ngày diễn ra liên hoan, khán giả đã được thưởng thức nhiều chương trình của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà nước như: Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, Nhà hát Cao Văn Lầu, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu và các đơn vị xã hội hóa: Đoàn Nghệ thuật Khmer Răksamây Chandara (Trà Vinh), Đoàn dù kê Sơn Nguyệt Quang, Đoàn Nghệ thuật dù kê tập thể Ron Ron (Sóc Trăng), Đoàn Nghệ thuật Khmer Chùa Svay Siêm Thmây (Trà Vinh), Đội Văn nghệ quần chúng – Ấp cây khô (Cà Mau), Đoàn Nghệ thuật Khmer – Trường ĐH Trà Vinh…

Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật dù kê Khmer - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Nghĩa tình không phai tàn” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Răksamây Chandara (Trà Vinh) diễn tại liên hoan. Ảnh do BTC cung cấp

13 vở diễn tại liên hoan thuộc các đề tài dân gian, lịch sử lẫn hiện đại, như: "Hoàng tử Vê Son Do", "Tướng quân Rit Thi Sắc", "Chây SôRa Vông", "Chuyện tình giữa tiên nữ và người phàm", "Chuyện tình nàng Sô Vanl Pu Pa", "Bài học đắt giá", "Giữ vững biển đảo quê hương", "Hoa cau tình thắm"…, thu hút đông đảo khán giả.

NSND Trịnh Thúy Mùi – Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam – nhận xét: "Liên hoan là dịp để đào tạo đội ngũ sáng tác, đạo diễn, nhạc công, diễn viên kế thừa, góp phần vun bồi những hạt nhân nòng cốt, thúc đẩy sự phát triển của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo và đặc sắc của người Khmer. Liên hoan này còn góp phần thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học – nghệ thuật trong thời kỳ mới".

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết sẽ phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo đúc kết những kết quả đạt được sau liên hoan, nhằm thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị của nghệ thuật dù kê nói riêng và nghệ thuật Khmer Nam Bộ nói chung.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)