Hãy tin vào lựa chọn của bản thân, tìm hiểu kỹ về chọn lựa đó cùng với sự nỗ lực hết mình để tạo ra cơ hội cho chính mình là những lời khuyên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6) ngày 26-2.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành đặt câu hỏi với Ban tư vấn |
Không chỉ cung cấp thông tin về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, chương trình còn mang đến cho học sinh khối 12 trong trường những kiến thức hữu ích và đầy đủ về các ngành nghề để đưa ra lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
Điểm thi được làm tròn theo quy tắc hai chữ số thập phân
Theo TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM), đây là một điểm mới trong quy tắc chấm điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Do vậy, TS. Mai cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tự mang đến cho mình những cơ hội. “Những năm trước, điểm thi sẽ được làm tròn theo công thức 0,25. Tức là khi được 0,75 thì sẽ được làm tròn thành 1 điểm. Nhưng năm nay, với quy tắc làm tròn theo hai chữ số thập phân thì chỉ cần chênh nhau vài phẩy thôi cũng sẽ quyết định các em có đủ điểm hay không, rớt hay đậu”, TS. Mai nói.
Với quy tắc chấm điểm có phần khắt khe hơn, lời khuyên được TS. Mai đưa ra cho học sinh khối 12 là hãy thật sự cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn ngành nghề dựa vào điểm chuẩn của các trường từ những năm trước. “Các em có cơ hội đăng ký nhiều nguyện vọng. Hãy lựa chọn ra những nguyện vọng ưu tiên nhất và mức độ giảm dần cho những lựa chọn kế tiếp. Nỗ lực càng cao thì cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích sẽ càng lớn”, TS. Mai cho biết.
Đặc biệt, theo TS. Mai, một quyền quan trọng mà thí sinh thường quên đó là quyền điều chỉnh nguyện vọng trong trường hợp cần thiết. “Thường thì sau khi đã biết điểm thi, các em sẽ có thời gian khoảng một tuần để đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp với điểm số của mình”, TS. Mai nhắn nhủ.
Thoải mái tâm lý
Đây là lời khuyên của ThS. Tô Nhi A (chuyên gia tâm lý) dành cho học sinh khối 12 trong kỳ thi THPT 2018. “Các em hãy cứ coi mọi việc nhẹ nhàng và bước vào phòng thi với một tâm lý thật thoải mái”, ThS. Nhi A khuyên.
Theo ThS. Nhi A, để có một tâm lý thật thoải mái thì trước hết các em phải tin vào quyết định của bản thân, đảm bảo rằng mình đã hiểu kỹ về lựa chọn đó. Đặc biệt trong việc tạo ra hòa khí gia đình. Những bất đồng giữa bản thân và cha mẹ khi lựa chọn ngành nghề là không thể tránh khỏi. Nhưng hãy làm thế nào để dung hòa, để cha mẹ hiểu và ủng hộ quyết định của bản thân.
Bên cạnh đó, ThS. Nhi A cũng chia sẻ rằng trong quá trình “chạy nước rút” với kỳ thi, các em nên chú ý dàn sức trong việc học để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó cần nắm chắc quy chế phòng thi để không bị bắt lỗi một cách lãng xẹt. “Dù kết quả thế nào, các em cũng hãy nghĩ rằng, ĐH không phải là con đường duy nhất. Còn rất nhiều hướng rẽ khác để các em có thể thành công trong cuộc sống”, ThS. Nhi A nhấn mạnh.
Nắm bắt các xu hướng nghề nghiệp
Đó là nhận định của các chuyên gia tư vấn khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong trường. Theo các chuyên gia, khi nắm bắt được các xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, hiểu về những xu hướng đó thì cơ hội nghề nghiệp sẽ cao hơn. “Điện tử, thiết kế nội thất, kiến trúc, công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, tổ chức sự kiện, quản trị nhà hàng, dịch vụ ăn uống… là những ngành trong tương lai sẽ phát triển và nhu cầu nhân lực rất cao. Tuy nhiên, để theo những ngành nghề này, các em cần phải có những tố chất nhất định. Với tùy từng ngành lại đòi hỏi những tố chất riêng biệt đặc trưng”, ThS. Nguyễn Anh Vũ (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết.
ThS. Nguyễn Ngọc Tú (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ thêm: “Với ngành thiết kế đồ họa, nội thất, kiến trúc thì tối thiểu các em phải có con mắt thẩm mỹ. Ngành điện tử, công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm lại đòi hỏi các em phải giỏi các môn tự nhiên, khả năng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo”.
Trước thắc mắc của học sinh đối với ngành tổ chức sự kiện phải học ở trường nào, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết hiện tại không có một trường nào đào tạo riêng biệt về ngành tổ chức sự kiện. “Học bất cứ trường nào cũng có thể ra làm tổ chức sự kiện. Nhưng để có thể chuyên sâu thì các em có thể học những ngành gần như marketing, quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn. Để theo nghề, các em phải có tố chất giao tiếp ứng xử, diễn đạt nhạy bén, nắm bắt tâm lý, xử lý tình huống”, ThS. Nguyên cho hay.
Đối với băn khoăn của học sinh về ngành quản lý bệnh viện, ThS. Nguyễn Thùy Dương (đại diện Trường ĐH Hùng Vương) cho biết đây là ngành hoàn toàn mới tại Việt Nam và chỉ có duy nhất Trường ĐH Hùng Vương đào tạo. Do vậy, cơ hội làm việc tại các cơ sở y tế, các bệnh viện, các công ty dược, thiết bị y tế là rất lớn. “Nếu yêu thích về ngành y mà lại không đủ khả năng để theo vào được hay không đủ dũng khí để trở thành bác sĩ thì ngành quản lý bệnh viện là một lựa chọn cho các em. Bên cạnh những kiến thức cơ bản về y tế như chăm sóc sức khỏe thì ngành này còn mang đến cho các em những kiến thức về quản trị để điều hành bệnh viện”, ThS. Dương khẳng định.
Trần Yến
Bình luận (0)