Chưa có sách giáo khoa, giáo viên giảng dạy nội dung giáo dục địa phương bằng file PDF. Chưa hết, giáo viên phải vừa dạy, vừa học, vừa nghiên cứu tìm tòi để mang đến các tiết học trải nghiệm hiệu quả cho học sinh.
Học sinh THCS đang học nội dung giáo dục địa phương tại một di tích lịch sử
Giáo viên vừa dạy, vừa nghiên cứu…
Nội dung giáo dục địa phương là môn học lần đầu tiên xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở 3 cấp: tiểu học, THCS và THPT. Trên thực tế, nội dung này trước đây vẫn được các trường giáo dục lồng ghép cho học sinh qua môn lịch sử, giáo dục công dân… Tuy nhiên, ở Chương trình GDPT 2018, hoạt động này được tách riêng biệt, có kiểm tra đánh giá. Tại TP.HCM, trong suốt 3 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa nội dung giáo dục địa phương vẫn chưa đến tay giáo viên, học sinh do vướng khâu xuất bản. Thầy và trò học bằng file PDF. “Không có sách giáo khoa không phải là rào cản khi giảng dạy nội dung này, bởi hiện nay công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong các trường học trên địa bàn thành phố thì việc học bằng sách giáo khoa điện tử hay tài liệu cũng không ảnh hưởng nhiều”, cô Nguyễn Thụy Ái (Hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia, Q.11) chia sẻ.
Cô Ái thông tin, ở lớp 6 và lớp 7, nội dung giáo dục địa phương được nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên môn giáo dục công dân và lịch sử phụ trách giảng dạy. Dù là nội dung không quá mới nhưng khi dạy có kiểm tra đánh giá nên bắt buộc giáo viên khi đứng lớp phải có chuyên môn để giúp học sinh hiểu về kiến thức môn học, đảm bảo được yêu cầu cần đạt… “Khi tách biệt thành một môn học nhưng lại chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ nên giáo viên phải cùng nhau gồng gánh. Để mang đến tiết học hiệu quả, giáo viên nào đảm nhiệm sẽ phải vừa dạy, vừa học, vừa nghiên cứu tài liệu, soạn giảng dựa trên kinh nghiệm thực tế của bản thân và đồng nghiệp để rút tỉa lại bài dạy cho phù hợp trình độ học sinh. Riêng giáo viên lớp 7 thì vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, vừa điều chỉnh kế hoạch bài dạy theo từng tháng và thường xuyên dự giờ đồng nghiệp. Làm sao hướng tới tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh tại các khu di tích, điểm du lịch địa phương trên địa bàn TP.HCM”, cô Ái cho biết.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), nội dung giáo dục địa phương được nhà trường triển khai đa dạng qua nhiều hình thức như lồng ghép trong các bộ môn, trong giờ sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động trải nghiệm… Đặc biệt, với đặc thù trường nằm cạnh nhiều thiết chế văn hóa như khu di tích lịch sử, bảo tàng… nên việc mở rộng không gian học tập, đưa học sinh trải nghiệm ngoài lớp học tại những khu di tích, bảo tàng luôn được nhà trường đẩy mạnh. “Dạy học sinh trên địa bàn Q.1, học sinh tại TP.HCM về nội dung giáo dục địa phương thì trước hết phải giúp các em hiểu và tự hào về những khu di dích ngay trên địa bàn mà các em đang sinh sống. Qua hoạt động này cũng giúp sinh động hóa các giờ học, giúp học sinh học được thêm nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa…”, cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhấn mạnh.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP.HCM cho rằng, đối với nội dung giáo dục địa phương, khi dạy cho học sinh thì tài liệu hiện nay chỉ để giáo viên tham khảo. Khi triển khai phải tùy vào địa bàn quận/huyện mà trường đang tọa lạc, tùy vào đối tượng học sinh mà giáo viên thiết kế nội dung giảng dạy phù hợp. Như vậy đòi hỏi thầy cô vừa dạy, vừa phải nghiên cứu tìm tòi thêm kiến thức.
Vướng khâu in ấn, xuất bản
Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, hiện nay tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 và lớp 6 của TP.HCM đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; đối với lớp 2, hiện sở đang biên soạn hoàn thiện tài liệu, chuẩn bị trình UBND TP báo cáo Bộ GD-ĐT phê duyệt lần 2; đối với lớp 3, ban biên soạn đang chỉnh lý theo ý kiến góp ý của tác giả, chuẩn bị trình hội đồng thẩm định. Riêng với lớp 7 và lớp 10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã hoàn thành việc biên soạn trình hội đồng thẩm định, phê duyệt. Sau khi tài liệu giáo dục địa phương được UBND TP phê duyệt sẽ báo cáo Bộ GD-ĐT.
Học sinh Trường THCS Lữ Gia (Q.11) trong tiết học về nội dung giáo dục địa phương
Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, hiện nay do sở không có chức năng phát hành tài liệu, xuất bản phẩm nên việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn gặp khó khăn. Lý giải về việc tại sao khó khăn trong việc in ấn tài liệu giáo dục địa phương, theo ông Quốc, tài liệu giáo dục địa phương là tài sản công. Do vậy, khi thực hiện in ấn phải đảm bảo thực hiện đúng quy định đấu thầu. “Hiện nay tài liệu giáo dục địa phương ở các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 chưa đến tay học sinh và giáo viên bằng bản sách giáo khoa mà phải qua bản PDF do còn vướng khâu in ấn, xuất bản”, ông Quốc nói.
Thông tin thêm, ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, thử thách lớn nhất với đội ngũ xây dựng tài liệu giáo dục địa phương ở TP.HCM là khi xây dựng xong, trình đi trình lại rất nhiều lần và cũng có rất nhiều sự phản biện xã hội để có tài liệu tốt, thế nhưng lại gặp phải vấn đề xuất bản. Vì tài liệu giáo dục địa phương hiện chưa có quy định rằng biên soạn, thẩm định xong thì sẽ được xuất bản như thế nào. “Về vấn đề này Sở GD-ĐT TP.HCM đã có ý kiến rất nhiều lần đến Bộ GD-ĐT, song thiếu chỉ đạo cụ thể để có thể xuất bản được tài liệu giáo dục địa phương kịp thời. Do đó, ngành giáo dục rất mong có sự chia sẻ của phụ huynh, học sinh, nhà trường về vấn đề tài liệu giáo dục địa phương”, ông Tân bày tỏ.
Ông Tân cho rằng khi giảng dạy nội dung giáo dục địa phương ở các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018, mỗi trường cần bố trí, sắp xếp giáo viên phù hợp; đồng thời tạo điều kiện để thầy cô được học tập, nghiên cứu, tập huấn, nâng cao chuyên môn khi đảm nhiệm thêm vai trò giảng dạy nội dung này.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)