Trải qua 4 tháng gồng mình chống dịch, có những thời điểm TP.HCM phải đối diện muôn vàn khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị tổn thương, nhiều nhân viên của hệ thống phân phối bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, được sự trợ sức từ các bộ ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời từ TP, các sở ngành cùng tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp (DN)… đã giúp TP từng bước khắc phục khó khăn trong vận chuyển, sản xuất để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.
Nguồn cung lương thực, thực phẩm ngày càng dồi dào đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng
Doanh nghiệp nghỉ 1 tuần là TP hết cái ăn
Trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân trong đại dịch, các DN chia sẻ có không ít tình huống ngặt nghèo mà lãnh đạo sở ngành, quận huyện, chủ DN phải đối mặt gỡ rối.
Như câu chuyện của Công ty CP Giải pháp thương mại ATA, ông Lương Quang Thi – Chủ tịch công ty – chia sẻ, được giao nhiệm vụ đảm bảo cung ứng lương thực cho TP trong bối cảnh mọi hoạt động giao thương bị siết chặt nên công ty gần như không làm gì được. Các quyết định phòng chống dịch thay đổi liên tục, tâm thế của công ty bị cản trở, bị động, không “giao tiếp” hiệu quả với chính quyền địa phương các tỉnh, thành khác để phối hợp với các nhà cung cấp và bán lẻ đảm bảo nguồn hàng đầy đủ về TP. Cụ thể, mỗi ngày TP cần khoảng 10.000 tấn thực phẩm nhưng TP chỉ có 4 kho lạnh chứa khoảng 60.000 tấn – đủ đảm bảo cung cấp cho bà con trong vòng 1 tuần. Có nghĩa nếu ngưng 1 tuần thì không còn thịt, cá để ăn cũng đã là một áp lực rất lớn.
“Nhưng may mắn trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, với sự quan tâm, linh động của các sở ngành TP trong kết nối, phối hợp với sở ngành các tỉnh, thành khác đã giúp công ty triển khai công việc hiệu quả. Công ty cũng được hỗ trợ cấp giấy đi đường, tiêm vắc-xin, được hỗ trợ cập nhật kịp thời các hướng dẫn, quy định mới của TP để tổ chức cung cấp hàng hóa thuận tiện, đáp ứng quy định phòng chống dịch”, ông Thi cho hay.
Sau hơn 70 ngày tham gia, ATA thực hiện được 12.000 chuyến xe giao hàng đến khoảng 124.000 điểm bán với 75.000 ca làm việc của người lao động.
“Trong suốt chiến dịch, nhân viên của công ty phải ăn ngủ nghỉ trên xe để đảm bảo công việc. Dù có những lúc cá nhân tôi cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bế tắc nhưng cuối cùng TP đã làm được nhiều thứ mà gần như là chúng ta nghĩ không thể”, ông Thi bày tỏ.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP – cũng thừa nhận, chưa bao giờ nghĩ rằng cộng đồng DN chế biến lương thực thực phẩm TP lại trải qua những ngày tháng sản xuất mà không có tỷ lệ nhất định nào cả. Bước vào sản xuất theo yêu cầu “3 tại chỗ” đã xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu do công tác phòng chống dịch bệnh của các tỉnh, thành khác cũng siết chặt. Lúc đó, hội hoàn toàn dựa vào các tiêu chí của UBND TP, của Sở Công thương, các tổ công tác phía Nam để giải quyết mọi khó khăn.
“Có ngày dự họp với UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng hỏi chúng tôi thiếu cái gì mà để đứt gãy mì ăn liền? Thực ra chỉ thiếu cọng sả, cọng hành vì không nhập được nguyên liệu nên gói mì đã không làm ra được”, bà Chi kể lại.
Theo bà Chi, với tất cả sự trợ giúp của các tổ công tác đặc biệt, sự lãnh đạo xuyên suốt từ bộ ngành Trung ương đến UBND TP, các sở ngành về các cơ chế, chính sách đã giúp hội bắt đầu ổn định lại sản xuất. Người lao động xách va li vào ăn ngủ ngay tại nhà máy mới có thể cùng với TP đảm bảo được chuỗi cung ứng mà không đứt gãy.
“Lúc trước, mỗi sáng thức dậy chưa kịp ra khỏi giường tôi phải gọi điện hỏi xem hôm nay có DN nào ngưng sản xuất không, có DN nào xảy ra chuyện gì không… thì đến hôm nay chúng tôi rất tự hào khi đã cùng TP đảm bảo hàng hóa cho người dân”, bà Chi bày tỏ.
Nhu cầu thực phẩm của TP quá lớn
Đảm bảo cung ứng hàng hóa cho hơn 10 triệu dân là một trong 5 trụ cột quan trọng trong quá trình chống dịch Covid-19 của TP.HCM.
Thống kê từ Sở Công thương TP, tổng nhu cầu hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân TP trong các tình huống là rất lớn, với 1.981 tấn gạo; 660 tấn lương thực chế biến khô; 755 tấn thịt gia súc; 660 tấn thịt gia cầm; 108 tấn trứng gia cầm; hơn 4.000 tấn rau củ quả; 236 tấn thực phẩm chế biến; 1.742 tấn sữa (1,7 triệu lít); 189 tấn dầu ăn; 47 tấn muối; 104 tấn nước chấm (hơn 79.000 lít)…
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP – cho hay, để đảm bảo cân đối cung – cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19, UBND TP chỉ đạo Sở Công thương thường xuyên làm việc, đề nghị các DN bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu, tăng cường sản xuất, tăng dự trữ, tập kết hàng hóa, nhân lực để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu. Ngoài ra, sở cũng thiết lập cơ chế liên lạc, xử lý nhanh các khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa từ các địa phương đến TP. Theo đó, các DN bình ổn thị trường đẩy mạnh sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, tăng dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa tăng 50% so với kế hoạch đã đăng ký. Yêu cầu hệ thống phân phối thực hiện xây dựng kế hoạch dự trữ, kịch bản phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân trong tình huống xấu nhất. Theo đó, lượng hàng dự trữ ước đạt trên 1.600 tấn, đáp ứng đầy đủ và liên tục nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng chia sẻ, trong thời điểm khó khăn chồng chất khó khăn, khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa TP đứng trước những rủi ro đứt gãy và áp lực vô cùng lớn. Nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh, thành bị thiếu hụt, hoạt động vận chuyển, logistics trong nội bộ TP và sự ách tắc trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành do phương án phòng, chống dịch cũng như cách hiểu, hành động chưa thống nhất giữa các địa phương. Thế nhưng toàn thể đã đoàn kết, khắc phục khó khăn để vượt qua.
“Tôi đánh giá cao sự đồng tình, ủng hộ chung sức của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN cùng TP dưới sự tiếp sức của Chính phủ, các bộ ngành đã giúp cho TP có những kết quả thuận lợi”, bà Thắng nói.
Phú Cát
Bình luận (0)