Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nỗ lực “dọn đường” cho kỳ thi không “vớt”

Tạp Chí Giáo Dục

Lực lượng thanh tra sẽ được huy động với quân số tối đa có thể, kỷ luật phòng thi cũng sẽ được siết ở mức cao nhất. Ngành giáo dục đã sẵn sàng “dàn trận” cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT không có vòng “vớt” như hai năm trước.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, kỳ thi năm 2009 phải được tổ chức trật tự, an toàn, nghiêm túc, công bằng, đảm bảo cho kết quả thi phản ánh đúng, khách quan chất lượng dạy và học, tạo tiền đề vững chắc cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới công tác thi và tuyển sinh theo hướng tiến tới một kỳ thi THPT quốc gia.
Kế hoạch “dàn trận” cũng đã được Bộ GD-ĐT chính thức công bố.

Kỳ thi năm 2009 phải được tổ chức trật tự, an toàn, nghiêm túc

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra
Sẽ có hơn 8.000 cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong tất cả các khâu của công tác thi. Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra của Bộ và giám thị ngoài phòng thi; phân rõ trách nhiệm và phạm vi hoạt động của thanh tra của Bộ và giám thị ngoài phòng thi.
Theo đó, chỉ có thanh tra của Bộ làm nhiệm vụ giám sát ở hành lang và xung quanh phòng thi; Giám thị ngoài phòng thi thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công, ở khu vực bên ngoài, không nằm trong phạm vi hành lang phòng thi và hỗ trợ thanh tra khi cần thiết. Bộ GD-ĐT căn cứ tình hình cụ thể, bố trí số lượng thanh tra của Bộ tại các cụm thi. Tăng cường thanh tra của Bộ ở những nơi không có điều kiện tổ chức thi theo cụm.
Chia cụm thi để “siết” tiêu cực
Tổ chức thi theo cụm là một giải pháp được Bộ lựa chọn để siết tiêu cực. Trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cho học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do thi theo các cụm trường. Mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT (hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên), có thể thành lập Hội đồng hỗn hợp 2 trường THPT và 2 trung tâm GDTX , tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi. Mỗi cụm trường thành lập một Hội đồng coi thi.
Mỗi địa điểm thi bố trí 1 phó Chủ tịch Hội đồng làm trưởng điểm thi. Trường hợp đặc biệt, những trường ở vùng xa, vùng cao, hải đảo đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm, hoặc chỉ tổ chức được 2 trường/1 cụm, các sở giáo dục và đào tạo báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ.
Trong mỗi Hội đồng coi thi, danh sách thí sinh được lập theo 3 ban: Ban Khoa học Tự nhiên, Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ban Cơ bản; trong từng ban, lại xếp lần lượt các Ngoại ngữ; cuối cùng tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c,…, sau đó mới xếp lần lượt vào các phòng thi. Những phòng thi cuối cùng có thể được xếp ghép các ban với nhau.
Hạn chế “bất thường” bằng chấm chéo
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1-2008, Bộ GD-ĐT đã bất ngờ chấm thẩm định bài thi có dấu hiệu bất thường ở trên 20 địa phương. Sau đó, được chuyển thẳng cho bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố và đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh làm rõ.
Như tại tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Sở GD- ĐT Quảng Ninh đã phải trả lời rõ ràng trước lãnh đạo UBND tỉnh về kết quả  kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT về việc vì sao có 56/186 bài thi của thí sinh trong tỉnh chấm lỏng tay. Cụ thể có 43 bài vênh giữa hai kết quả chấm dưới 1 điểm, chín bài vênh 1-1,75 điểm.
Để tránh những bất thường xảy ra như năm trước, năm nay, Bộ sẽ đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh để chấm thi: Thực hiện đổi chéo bài thi giữa các tỉnh lân cận nhau để chấm: Tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm bài cho tỉnh C… (những tỉnh lớn có nhiều thí sinh dự thi có thể sẽ chấm thi cho một số tỉnh nhỏ có ít thí sinh). Bộ GD-ĐT quyết định cụ thể việc đổi chéo bài thi giữa các tỉnh.
5 tầng đề thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 8 nhóm đối tượng dự thi gồm 5 nhóm đối tượng người học lớp 12 THPT: HS Ban Khoa học tự nhiên, HS Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, HS Ban Cơ bản, HS trường THPT Kỹ thuật và học viên học chương trình giáo dục thường xuyên.
Theo đó, đề thi cũng sẽ có 5 “tầng” gồm: thí sinh học Ban Khoa học tự nhiên, Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ban Cơ bản, Trường THPT Kỹ thuật và thí sinh tự do. Đề thi được ra theo chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Đối với các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: Phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng cho thí sinh học theo từng chương trình: chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao.
Thí sinh học chương trình nào thì chỉ được làm phần riêng cho chương trình đó (chuẩn hoặc nâng cao); riêng thí sinh tự do được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài.
Các môn thi ngoại ngữ, đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.  
Mai Minh (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)