Ngày 5-9 tới, ngành giáo dục TP.HCM đưa vào sử dụng 27 dự án trường học với 441 phòng học mới. Đến hết tháng 12-2023, tiếp tục có thêm 21 dự án mới mở cửa đón học sinh. Trong bối cảnh quỹ đất khó khăn, các dự án chưa thể giải quyết dứt điểm bài toán thiếu trường lớp tại TP.HCM song đây được xem là nỗ lực lớn của các địa phương, đảm bảo học sinh được học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại.
Các địa phương tại TP.HCM nỗ lực đưa thêm trường lớp mới vào năm học mới (ảnh minh họa)
Trường mới sẵn sàng đón học sinh
Thời điểm này, các em học sinh trong đội văn nghệ của Trường THCS Ngô Quyền (Q.Tân Bình) đang tất bật chuẩn bị những tiết mục múa, hát… biểu diễn trong lễ khai giảng năm học mới. Với mỗi học sinh nhà trường, niềm vui như được nhân đôi khi năm học mới các em được học trong ngôi trường rộng rãi, hiện đại.
Sau một năm phải học tạm, học nhờ ở 2 trường THCS khác nhau, năm học này hơn 2.000 học sinh Trường THCS Ngô Quyền sẽ được học tập trong một ngôi trường mới xây dựng. Theo đó, trên nền đất cũ rộng hơn 3.000m2, Trường THCS Ngô Quyền được xây mới hoàn toàn với quy mô 4 tầng lầu và 1 tầng hầm, tổng mức đầu tư gần 81 tỷ đồng. Trường có 30 phòng học và 7 phòng chức năng (3 phòng thực hành lý, hóa, sinh; 2 phòng ngoại ngữ; 2 phòng tin học với 100 máy); thư viện được tích hợp theo hướng thư viện thông minh với các máy tính để học sinh tra cứu… “Năm học mới em bước vào năm cuối cấp, được học tập và rèn luyện trong ngôi trường hiện đại, sạch đẹp, không còn phải học nhờ, em thấy rất vui. Trường mới có thêm nhiều phòng chức năng hiện đại, lớp học thông minh khiến em rất háo hức”, Thu Nguyệt (học sinh lớp 9) chia sẻ. Cô Phạm Thị Hồng Dung (Hiệu trưởng nhà trường) phấn khởi cho biết, các phòng học mới của trường đều đạt chuẩn, thông thoáng hơn với 2 cửa ra vào và nhiều cửa sổ, nhiều ánh sáng đảm bảo dạy và học. Mỗi phòng học đều được trang bị máy chiếu, màn chiếu, hệ thống âm thanh đạt chuẩn. Ở mỗi lầu được trang bị thêm hệ thống thu phát wifi để thầy cô giảng dạy. “Năm trước cả trường phải chia thành 2 hướng, mỗi hướng 2 khối lớp để học nhờ ở 2 trường THCS. Vì học nhờ nên mọi sinh hoạt, giảng dạy của cả thầy và trò đều chưa được trọn vẹn do hạn chế không gian. Năm nay, trường mới với cơ sở vật chất khang trang, phòng học theo hướng phòng học thông minh, giáo viên được tạo điều kiện nhiều hơn, thuận lợi hơn cho đổi mới. Học sinh cũng có thêm nhiều không gian, phòng chức năng để học tập, trải nghiệm…”, cô Dung nói.
Trước niềm vui đón ngôi trường mới, cô Dung cho biết thêm, ngay trong hè, nhà trường đã tổ chức tập huấn đội ngũ sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thầy cô làm chủ các trang thiết bị trong lớp học, ứng dụng hiệu quả trong từng giờ học. Hiện nhà trường đang bước vào giai đoạn sắp xếp lớp, tổ chức phòng học, sẵn sàng cho năm học mới với nhiều dự án mới về đổi mới phương pháp, tăng thêm thật nhiều trải nghiệm cho học sinh.
Tại Q.12, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thới An) đã hoàn tất giai đoạn 1 với 10 phòng học và các phòng chức năng, kịp đón học sinh khai giảng năm học 2023-2024. Giai đoạn 2 của trường với 10 phòng học dự kiến sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025. Ông Khưu Mạnh Hùng (Trưởng phòng GD-ĐT Q.12) thông tin, năm học 2023-2024, quận đón khoảng 10.000 học sinh đầu cấp ở mỗi khối lớp, tăng trên 3.000 học sinh so với năm học trước. Để đảm bảo chỗ học cho học sinh, giải pháp của quận là giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và tăng thêm sĩ số học sinh/lớp. Năm học mới, 30% học sinh tiểu học trên địa bàn quận học 2 buổi/ngày, tỷ lệ này ở bậc THCS là 22%. Sĩ số học sinh ước đạt 47 học sinh/lớp. Đặc biệt, theo ông Hùng, một trong những giải pháp nữa của quận để giảm áp lực học sinh trong năm học mới là năm nay quận linh hoạt đưa vào sử dụng trường học mới theo hình thức cuốn chiếu, tức là hoàn thiện đến đâu sẽ dứt điểm đến đó để đón học sinh chứ không phải chờ đợi đến khi hoàn thành dự án. “Hiện Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đang sửa soạn các công đoạn cuối cùng, rà soát về cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh trong năm học mới”, ông Hùng cho biết.
Nỗ lực tham mưu xây dựng trường lớp
Năm học 2023-2024, Q.6 đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày ở các khối lớp. Để có được tỷ lệ này, quận đã rất nỗ lực trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp cũng như vận dụng các giải pháp để gỡ khó cho việc thiếu trường lớp trên địa bàn quận. Ông Lưu Hồng Uyên (Trưởng phòng GD-ĐT Q.6) thông tin, phòng kiên trì tham mưu Quận ủy, UBND quận đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giáo dục, tích cực tham mưu quỹ đất giáo dục. Năm học 2022-2023, quận đưa vào sử dụng mới Trường THCS Văn Thân. Năm nay, theo kế hoạch đến tháng 1-2024, quận sẽ đưa vào sử dụng mới Trường THCS Nguyễn Thái Bình với quy mô 40 phòng học, chưa tính các phòng chức năng, rộng 19.000m2. Kế đó, quận đánh giá từng trường THCS để chuyển đổi công năng sử dụng của các phòng chức năng không thực sự cần thiết, chuyển đổi thành lớp học để giúp học sinh vừa có thêm chỗ học, vừa kéo giảm sĩ số lớp, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.
Thầy và trò Trường THCS Ngô Quyền (Q.Tân Bình) trong niềm vui đón trường mới
Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, năm học 2023-2024, huyện có 110.830 học sinh trong độ tuổi đi học, tăng khoảng 2.000 em so với năm học trước. Số học sinh tăng tập trung chủ yếu ở 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B – 2 địa bàn luôn là điểm nóng trên toàn huyện về sĩ số học sinh. Trước áp lực lớn về học sinh hằng năm, ngành giáo dục đã nỗ lực tham mưu xây mới trường học, phòng học. Năm học 2023-2024, huyện kịp đưa vào sử dụng 3 trường mới, gồm: Trường Tiểu học Rạch Già với quy mô 30 phòng học đạt chuẩn và các phòng chức năng; Trường THCS Trung Sơn và Trường Mầm non Bình Hưng – được tiếp nhận từ hệ thống ngoài công lập đã hết hạn, trả lại cho đầu tư trường công. Cạnh đó, huyện đưa vào sử dụng thêm 8 phòng học mới ở địa bàn xã Vĩnh Lộc A (Trường THCS Đồng Đen với 3 phòng, Trường THCS Vĩnh Lộc A với 5 phòng). Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh) chia sẻ, áp lực trường lớp trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu ở 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B do sĩ số học sinh gia tăng cục bộ ở 2 địa phương này. Để đảm bảo tải hết chương trình cũng như tăng trải nghiệm cho học sinh theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh thiếu phòng học, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, tăng cường khả năng tự học của học sinh với sự hướng dẫn của giáo viên… “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 xây mới 27 trường học. Trong đó, huyện tập trung xây dựng thêm trường lớp ở 2 địa bàn xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, làm sao vừa đảm bảo chỗ học cho học sinh đồng thời gia tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày”, bà Châu nói thêm.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)