Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nỗ lực đưa văn hóa truyền thống vào trò chơi truyền hình

Tạp Chí Giáo Dục

Dù không dễ nhưng thời gian gần đây, một số nhà sản xuất chương trình trò chơi truyền hình (game show) đã nỗ lực đưa các yếu tố nghệ thuật, văn hóa truyền thống vào nội dung, bước đầu thu hút nhiều khán giả, nhất là những khán giả trẻ.

2,2 tỉ lượt xem và 40% khán giả trẻ 

Hành trình rực rỡ là chương trình đã tiếp tục có mặt trong đề cử những chương trình truyền hình được yêu thích nhất tại giải Mai Vàng 2023, sau khi lọt tốp 3 giải VTV Awards 2023 tại hạng mục Chương trình giải trí ấn tượng.

Cảnh đám cưới miền Tây được tái hiện trong Hành trình rực rỡ - Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Cảnh đám cưới miền Tây được tái hiện trong Hành trình rực rỡ. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Khán giả được trải nghiệm múa rối, hát đúm của người dân Bắc Bộ có tuổi đời vài trăm năm. Đến Bình Định, người xem được xem trống trận Tây Sơn, võ Bình Định, nghề sản xuất rượu Bàu Đá, nón ngựa Phú Gia. Đám cưới miền Tây xưa, nghệ thuật cải lương được mang đến trong hành trình về với vùng đất Nam Bộ…

Theo thống kê, Hành trình rực rỡ có tổng cộng 2,2 tỉ lượt xem trên các nền tảng số, đạt tỉ suất người xem cao trên VTV, nhiều lần lọt vào tốp xu hướng của YouTube. Nhà sản xuất (NSX) chương trình cho biết: khán giả xem chương trình trong độ tuổi 13-24 chiếm gần 40%, từ 25-34 tuổi chiếm 40%. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nghệ thuật, văn hóa truyền thống đã đến gần với giới trẻ hơn.

Chất liệu văn hóa truyền thống được áp dụng cho cả chương trình sản xuất ngoài trời lẫn trong trường quay. Tuy nhiên, xét về hiệu quả, những chương trình vận động ngoài trời truyền tải đến khán giả chân thực hơn, khi các chất liệu văn hóa truyền thống được “sống” đúng trong không gian của mình. Vài năm trước, Cuộc đua kỳ thú hay Đi Việt Nam đi… được đánh giá khá thành công với cách làm này.

Khoảng 3 năm trở lại đây, các chương trình ngoài trời vẫn xuất hiện nhưng nội dung thiên nhiều về trải nghiệm ẩm thực, quảng bá các điểm đến, thậm chí giới thiệu cho các đơn vị du lịch tư nhân. Nhiều chương trình chỉ quan tâm đến sự thể hiện, mảng miếng hài hước của nghệ sĩ để gây chú ý. Những trải nghiệm sâu về văn hóa truyền thống không/chưa được khai thác nhiều. Nếu có, chúng chỉ được xem như chút gia vị lạ cho chương trình.

Chẳng hạn, tại Hành trình kỳ thú (chương trình chiến thắng hạng mục Chương trình thực tế và tạp kỹ hay nhất tại Liên hoan phim Busan 2023), nét văn hóa truyền thống về ẩm thực, tết Trung thu, y dược học dân tộc, áo dài… chỉ được thể hiện trong tập thứ hai. Nhưng nhờ lượng khách mời từ nhiều quốc gia, chương trình vẫn được lan tỏa rộng rãi.

Tại Người mẫu toàn năng, ngay ở tập thứ hai, nghệ thuật hát chèo đã gây được ấn tượng. Việc tái hiện văn hóa, nếp sinh hoạt của các vùng miền ở tập 9 cũng để lại nhiều dấu ấn. Mỗi tập thu hút vài triệu lượt xem khi phát trên YouTube, được nhiều khán giả khen về ý tưởng độc đáo.

Hài hòa giữa văn hóa và giải trí

Hầu hết chất liệu văn hóa truyền thống ở các chương trình không thể hiện theo cách thuần túy mà được lồng ghép thêm yếu tố giải trí. NSX Hành trình rực rỡ từng chọn phương án sản xuất đi vào chiều sâu nhưng không đạt được hiệu quả lan tỏa nên sau đó chuyển hướng.

Dàn nghệ sĩ tham gia cần truyền tải được thông điệp, nội dung phù hợp nhiều độ tuổi khác nhau; có sức khỏe tốt đảm bảo được lịch trình di chuyển nhiều. Lựa chọn điểm đến, khai thác đúng các nét đặc trưng văn hóa của từng địa điểm cũng là điều không dễ. Những hoạt động văn hóa lớn như: đám cưới người Dao, đờn ca tài tử, võ cổ truyền xuất quân của Tây Sơn, văn hóa chợ nổi miền Tây, múa Khơ Me, múa sử thi của người Ê Đê… đều mất khá nhiều thời gian để tìm được người cố vấn, hướng dẫn tái hiện cho đúng.

Một trong những điều khiến các ê kíp khá lo ngại khi sản xuất ngoài trời là việc tiêu tốn trang thiết bị, nhân sự và chi phí vận hành lớn. Khâu biên tập, hậu kỳ, lựa chọn hình ảnh… cũng đầy áp lực vì lượng dữ liệu lớn.

Theo NSX Dược sĩ Tiến (đơn vị sản xuất Người mẫu toàn năng), dù mong muốn mang được nhiều nét văn hóa truyền thống vào chương trình nhưng phải cân đối với tổng thể. NSX cũng phải trình bày, thuyết phục nghệ nhân, nghệ sĩ đồng thuận với cách làm mới, kết hợp truyền thống và giải trí hiện đại.

Các thành viên tham gia Hành trình rực rỡ trải nghiệm võ cổ truyền khi đến Bình Định -  Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Các thành viên tham gia Hành trình rực rỡ trải nghiệm võ cổ truyền khi đến Bình Định. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

“Đặc biệt, khi mang văn hóa truyền thống vào thời trang lại khó có chuẩn để đánh giá. Chẳng hạn, thí sinh có thể hiểu đề bài theo cách khác nhau, làm sao để có khung đánh giá ổn nhất… Vì thế, chúng tôi phải ngồi họp bàn rất nhiều lần với các nghệ nhân, chuyên gia để đưa ra được hình thức ổn, phù hợp nhất” – anh cho biết thêm.

Ý kiến trái chiều từ dư luận khi mang văn hóa vào các show cũng là điều khiến các NSX trăn trở. Nếu làm không khéo, chương trình dễ bị phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, theo Dược sĩ Tiến, đây là điều phải chấp nhận. “Ít nhất, khi khán giả có sự chú ý, kích thích người trẻ tìm hiểu, tranh luận cũng là tốt” – anh nói. Còn việc của NXS là phải dựa trên những hiệu ứng, phản hồi đó để cải tiến chương trình tốt hơn trong các mùa sau.

Mỗi NSX, mỗi chương trình đều hướng tới mục tiêu khác nhau, hiệu quả đạt được cũng ở mức khác nhau. Dù vậy, việc văn hóa truyền thống được khai thác, chuyển tải đến người xem, nhất là với khán giả trẻ là điều cần được khuyến khích. Điều các NSX cần lưu ý là làm sao để cân bằng, phối hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa yếu tố giải trí và văn hóa truyền thống, đừng vì mục tiêu thu hút người xem mà làm sơ sài, nhạt màu văn hóa truyền thống. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)