Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nỗ lực học chữ của cậu bé người Dao

Tạp Chí Giáo Dục

Trần Văn Cường, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học xã Mỹ Thanh là một trong những học sinh tiêu biểu của huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) vừa được nhận học bổng Vừ A Dính. Thành tích của Cường khẳng định sự vượt khó để học tập của cậu học sinh dân tộc Dao này khiến các thầy, cô giáo, các bạn cùng trang lứa ở trường phải nể phục. 
Hai anh em Trần Văn Cường.
Nhà Cường ở thôn Thôm Ưng, cách trường chính khoảng hơn chục cây số đường rừng. Năm 2009, Cường theo học lớp 1, ở phân trường Thôm Ưng, nhưng đến năm học 2010 – 2011, do không duy trì được sĩ số nên phân trường Thôm Ưng giải thể.Bảy tuổi, Trần Văn Cường đã phải vượt hơn chục cây số đường rừng xuống trường chính ở trung tâm xã để tiếp tục theo học lớp 2. Từ đầu năm học 2010, cậu học sinh dân tộc Dao Trần Văn Cường đã phải sống tự lập. Những ngày đầu xa gia đình, xa bố mẹ, cuộc sống tự lập với một đứa trẻ mới tròn bảy tuổi thật sự khó nhọc.
May mắn được các cô giáo tổ chức nấu ăn tập thể, nhưng mọi việc như giặt giũ, vệ sinh cá nhân, học tập là bản thân Cường phải tự làm. Giặt cái áo chưa sạch, đánh răng còn lóng ngóng khi cầm bàn chải và có khi vài ngày em mới tắm…, nhưng Cường vẫn tự giác dành thời gian học tập, nhất là môn Tiếng Việt.
Cô giáo Chủ nhiệm Hoàng Thị Hằng cho biết: Khi còn ở phân trường Thôm Ưng, ngôn ngữ giao tiếp chính của Cường là tiếng Dao, nên khi xuống trường chính theo học lớp 2 hơn một năm trước, nói tiếng phổ thông với Cường rất khó khăn, ít nhiều ảnh hưởng đến việc tiếp thu môn Tiếng Việt. Thế nhưng với bản tính chịu khó, chăm học, đến nay Cường đã theo kịp các bạn ở trường chính khi học môn Tiếng Việt, với môn Toán thì em học trội hơn hẳn so với các bạn cùng lớp. Cường là một học sinh giàu nghị lực và hiếu học, nhất là trong môi trường tự lập, thật đáng biểu dương.
Không những tự chăm sóc bản thân mình, nửa năm nay ngoài nhiệm vụ học chữ, Cường phải thay bố mẹ chăm sóc cô em gái 5 tuổi, mới được bố, mẹ đưa xuống học lớp mầm non ở Trung tâm xã. Đầu năm học tưởng chừng em không thể tiếp tục theo học, ngày đến lớp, tối về em khóc đòi mẹ, dỗ em không được Cường cũng khóc theo.
Em Cường thủ thỉ: Nhà nghèo, bố mẹ phải đi nương, đi rẫy. Hai anh em muốn học cái chữ phải xa nhà, xa bố mẹ, để bố mẹ đi trồng ngô, trồng lúa thì mới có gạo để hai anh em ăn học. Đường từ nhà đến trường xa nên cứ đến chiều thứ 6 chúng em mới được bố mẹ đến đón về nhà chơi. Gặp thời tiết xấu, mưa nhiều, đường trơn có khi cả tháng mới được về nhà.
Sống tự lập, thiếu sự quan tâm chăm sóc thường xuyên của bố, mẹ, nhưng nội trú ở trường chính hai anh em Cường cũng nhận được rất nhiều tình yêu thương, sự đùm bọc, giúp đỡ từ phía các thầy, cô giáo và bạn bè. Đó cũng chính là sự động viên, giúp Cường vượt lên hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt hơn.
Cô Trương Thị Trâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Thanh cho biết: Cường là một trong 24 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận học bổng Vừ A Dính – Quỹ học bổng dành riêng cho các học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số Việt Nam của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Số tiền không lớn, nhưng cũng giúp trang trải phần nào nhu cầu học tập và sinh hoạt hàng ngày, bớt khó khăn cho gia đình và giúp cho em Cường vượt qua khó khăn, phấn đấu học lên cao hơn nữa.
Về phía nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần có thể để Cường học tập tốt, trở thành con ngoan trò giỏi. Đồng thời, mong muốn các cấp ngành cần quan tâm hơn nữa đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để những hoàn cảnh như em Cường có điều kiện tốt hơn trong học tập và cuộc sống.

Theo Hoàng Anh
(baotintuc)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)