Công nghệ ngày càng tác động và chiếm vị trí quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Âm nhạc cũng không nằm ngoài xu thế đó. Âm nhạc kỹ thuật số đã và đang là một xu hướng cho các hoạt động âm nhạc trên cả nước, đặc biệt ở một thành phố phát triển như TP.HCM.
TP.HCM là cái nôi âm nhạc của cả nước với phong trào hoạt động âm nhạc sôi động
Xu hướng âm nhạc kỹ thuật số
Theo TS. Nguyễn Văn Thăng Long (giảng viên cao cấp – truyền thông chuyên nghiệp, Trường ĐH RMIT Việt Nam) cho hay, số lượng người dùng và doanh thu từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, đồng hành với sự gia tăng của thị trường toàn cầu. Khoảng một nửa số người dùng internet ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thưởng thức âm nhạc và video trên các nền tảng trực tuyến như: YouTube, TikTok, Zing MP3. Trong đó, Zing MP3 là nền tảng âm thanh duy nhất và dẫn đầu trong các nền tảng âm thanh trực tuyến như: Nhaccuatui, Spotify, hay Apple Music. Kho nhạc lớn (94,03%), giao diện dễ dùng (93,53%) và được nghe nhạc miễn phí hoặc với giá rẻ (93,03%) là 3 tiêu chí hàng đầu của người dùng Việt Nam trong việc lựa chọn nền tảng nghe nhạc yêu thích của họ. Dự đoán đến năm 2027, thị trường phát nhạc trực tuyến tại Việt Nam sẽ đạt mức 72,4 triệu USD.
TS. Long cho rằng, có 5 nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc kỹ thuật số tại Việt Nam. Đó là nhân tố nghệ sĩ; nhân tố người hâm mộ; nền tảng phát nhạc trực tuyến; dịch vụ vận hành âm nhạc; các kênh quảng bá âm nhạc. Nhân tố nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Họ chính là những gương mặt đại diện cho một tác phẩm âm nhạc, nghệ sĩ góp phần truyền tải thông điệp và cảm xúc của bài hát thông qua chất giọng và phong cách trình diễn độc đáo của riêng họ. Nghệ sĩ thổi hồn vào giai điệu và ca từ của bài hát, từ đó hình thành mối liên hệ cảm xúc với người hâm mộ và khán thính giả. “Ngoài việc phục vụ cho khán thính giả trong nước, các nghệ sĩ Việt Nam hiện đang tích cực bảo tồn và quảng bá nét độc đáo trong âm nhạc Việt đến với khán thính giả trên toàn thế giới. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa các quốc gia và nuôi dưỡng sự hiểu biết sâu sắc hơn về di sản văn hóa Việt”, TS. Long chia sẻ.
Âm nhạc góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Theo nghiên cứu, có 10 xu hướng mới trong âm nhạc kỹ thuật số ở Việt Nam: Hệ sinh thái nội dung; chuyên nghiệp hóa âm nhạc Việt Nam theo tiêu chuẩn toàn cầu; thuật toán và cá nhân hóa âm nhạc; sự trỗi dậy của indie &underground (dòng nhạc cá tính); thời đại “nhạc nhanh”; Folktronica (nhạc hiện đại kết hợp truyền thống); gây quỹ từ fan (người hâm mộ); thương mại hóa âm nhạc bình thường mới; âm nhạc có trách nhiệm và cuối cùng là âm nhạc không biên giới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết, ngành công nghiệp âm nhạc TP.HCM hình thành từ rất lâu. TP tự hào là cái nôi âm nhạc của cả nước với phong trào hoạt động âm nhạc sôi động, từ sáng tác, biểu diễn, quảng bá đến kinh doanh âm nhạc. |
Nói về hệ sinh thái nội dung, TS. Long cho hay, xu hướng này ngày càng nhiều người dùng và tự biến mình thành nghệ sĩ nhờ vào việc tự sáng tạo nội dung độc đáo. Hay nghệ sĩ không chỉ phô diễn tài năng ca hát mà còn phải biết sáng tạo nội dung phong phú để tự quảng bá các tác phẩm của mình. Cũng nhờ đó, bản thân nghệ thuật bắt đầu dung nạp nhiều đặc điểm hơn để phù hợp với bối cảnh trực tuyến: Ngắn gọn, hấp dẫn và cá nhân hóa. Ranh giới giữa âm thanh và hình ảnh dần được thu hẹp, đồng nghĩa với việc để được yêu thích, một nội dung sẽ cần phải đáp ứng cả hai khía cạnh, ví dụ như bài hát với MV ấn tượng, hoặc video có chèn những bản nhạc phù hợp. “Hệ sinh thái nội dung vận hành thuận lợi sẽ khuyến khích nhiều sản phẩm âm nhạc chính thức và phái sinh được phát hành nhiều hơn. Các thương hiệu có thể tham gia vào xu hướng này bằng cách phát huy đầu tư vào các dự án sản phẩm âm nhạc với nghệ sĩ, hoặc giúp tạo và phân phối nội dung phái sinh một cách hiệu quả. Điều này có thể đạt được bằng cách hiểu sản phẩm, nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung, phương tiện truyền thông, khán thính giả, đặc biệt là hiểu được sự vận hành của hệ sinh thái để có thể giúp tạo ra bản hit tiếp theo”, TS. Long nói.
Đưa âm nhạc phát triển xứng tầm
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) nhìn nhận rằng, để xây dựng con đường âm nhạc đúng nghĩa cần có hệ sinh thái. Trong đó vai trò của nhà tổ chức, nguồn lực tổ chức và cách thức vận hành phải dựa trên khuôn mẫu của việc tổ chức lễ hội mang tầm quốc tế đúng nghĩa. Một điều quan trọng là phải phát huy các nguồn lực xã hội bên cạnh vai trò, hỗ trợ của Nhà nước. “Trên các địa phương trên cả nước có rất nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc, những lễ hội âm nhạc được đầu tư công phu và có thương hiệu. Nhưng để có thể phát triển bền vững và tạo nên những đặc trưng, bản sắc và thương hiệu riêng cho các chương trình âm nhạc địa phương rất cần sự bắt tay, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, các tổ chức nghệ thuật, các nhà đồng hành. Như vậy mới có thể mang lại một sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa phục vụ miễn phí cho người dân”, bà Thúy cho hay.
Ngành âm nhạc TP.HCM đóng góp rất lớn cho ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh hai ngành trọng tâm đó là ngành điện ảnh và quảng cáo
Có thể nói, phong trào âm nhạc của TP.HCM phát triển từ lâu nhưng theo nhìn nhận của các nhà quản lý thì lĩnh vực này cần nhiều động lực hơn nữa để phát triển. “Ngành âm nhạc TP.HCM đóng góp rất lớn cho ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh hai ngành trọng tâm đó là ngành điện ảnh và quảng cáo. Chúng ta cũng nhìn thấy những hiệu quả về kinh tế từ những chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn quốc tế đến TP.HCM cũng như Việt Nam trong thời gian qua. Từ đó, chúng ta cũng nhìn thấy được những khó khăn, hạn chế khi chưa được tiếp nhận được những chương trình biểu diễn đỉnh cao của thế giới. Vì vậy, chúng ta phải làm sao để ngành âm nhạc có thể kích thích du lịch, đời sống, văn hóa tinh thần của người dân,và quan trọng hơn là góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, xã hội, tăng thêm ngân sách cho TP”, bà Thúy bày tỏ.
Thúy Kiều
Bình luận (0)