TPHCM có hơn 30.600 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), tương đương số tiền hơn 3.260 tỷ đồng. BHXH TPHCM cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp để đốc thúc doanh nghiệp đóng BHXH, quyết liệt thu hồi tiền nợ BHXH để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Người lao động gặp khó
Cuối năm 2023, chị Nguyễn Thị Hồng (35 tuổi), công nhân Công ty Thái Tuấn (quận 12, TPHCM), phải nộp đơn nghỉ việc để tìm công việc mới vì công ty nợ lương, nợ BHXH thời gian dài. Thời gian còn làm tại Công ty Thái Tuấn, chị Thắm đang mang thai, các chi phí khám sức khỏe suốt thai kỳ và sinh con chị đều phải tự thanh toán vì doanh nghiệp nợ tiền BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của chị bị khóa. Đến cuối tháng 12-2023, thời điểm chị Hồng nghỉ việc, công ty mới thanh toán hết tiền lương và thai sản, nhưng vẫn còn 3 tháng chưa đóng BHXH.
Theo số liệu của BHXH TPHCM, tính đến ngày 31-12-2023, TPHCM có 30.629 đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng trở lên, với số tiền hơn 3.260 tỷ đồng. Trong đó, 10.615 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 2.537 tỷ đồng. Theo Giám đốc BHXH TPHCM Lò Quân Hiệp, việc doanh nghiệp nợ tiền BHXH ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động, nhất là trong sử dụng BHYT để khám chữa bệnh, người lao động mất việc làm cần hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Thời gian qua, BHXH TPHCM triển khai nhiều giải pháp truy thu tiền nợ BHXH. Đối với các trường hợp đơn vị chậm đóng, khó thu, BHXH TPHCM đã khoanh vùng, mời lên để tuyên truyền, đôn đốc khắc phục. Trường hợp doanh nghiệp vẫn chây ỳ, cố tình không đóng tiền thì BHXH TPHCM tổ chức thanh tra, lập biên bản hành chính, ra quyết định hoặc đề xuất UBND TPHCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu phát hiện hành vi vi phạm.
Người dân làm thủ tục hành chính tại BHXH TPHCM.
Ông Lò Quân Hiệp nhìn nhận, cơ quan BHXH đã thực hiện rất nhiều giải pháp, biện pháp để thu hồi tiền chậm đóng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài và tình hình kinh tế thế giới nên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến gỗ… gặp khó khăn, dẫn tới chậm đóng BHXH. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có khả năng thanh toán tiền chậm đóng BHXH nhưng vẫn cố tình không đóng mặc dù cơ quan BHXH đã đôn đốc, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Tăng cường thanh tra doanh nghiệp nợ đóng BHXH
Trước tình trạng còn nhiều doanh nghiệp nợ đóng BHXH với số tiền lớn, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi BHXH các địa phương yêu cầu đồng bộ giải pháp tăng thu, giảm số tiền chậm đóng, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp đôn đốc, kiểm tra, công khai các đơn vị, cá nhân chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT.
BHXH Việt Nam nghiêm cấm tình trạng cố tình hoặc không phát huy hết tinh thần trách nhiệm, để doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài. Trong đó, tăng cường thanh tra các đơn vị có số lao động nhiều, số tiền chậm đóng BHXH lớn hoặc nguy cơ chậm đóng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thì kịp thời lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố.
Trong khi đó, UBND TPHCM cũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, BHXH TPHCM, chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT. Đồng thời thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT; yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng BHXH xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền BHXH, BHTN, BHYT theo tiến độ…
Trong năm 2023, BHXH TPHCM đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 3.125 cuộc, qua đó đã đề nghị 1.531 đơn vị khắc phục số tiền nợ BHXH 312 tỷ đồng; yêu cầu các đơn vị lập thủ tục tham gia BHXH cho 842 lao động, với số tiền 6,1 tỷ đồng… BHXH TPHCM đã ban hành 238 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH, BHYT với tổng số tiền 13,1 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 59 đơn vị chấp hành quyết định xử phạt với tổng số tiền nộp phạt là 2,2 tỷ đồng.
Giám đốc BHXH TPHCM Lò Quân Hiệp cho biết, BHXH TPHCM phối hợp các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, quy định pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của người lao động về đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT. Đồng thời thường xuyên thực hiện công tác đôn đốc thu, giảm nợ BHXH bằng các giải pháp: gửi thông báo, cung cấp số phải thu tạm tính cho đơn vị để đơn vị hàng tháng nộp tiền kịp thời cho cơ quan BHXH, gọi điện thoại đôn đốc, lên lịch đối chiếu thu trực tiếp tại đơn vị hoặc mời đơn vị nợ BHXH lên cơ quan BHXH để làm việc, đôn đốc thu hồi nợ. Cơ quan BHXH cũng công khai danh sách các đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên.
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, ngành BHXH đã quyết liệt triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thu tiền đóng BHXH; thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT của doanh nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ số tiền chậm đóng so với số phải thu giảm dần qua các năm, từ 3,75% (năm 2016) xuống còn 2,91% (năm 2022); quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động được giải quyết đảm bảo đúng quy định.
|
NGÔ BÌNH (theo SGGP)
Bình luận (0)