Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nỗ lực vượt khó của nữ sinh lớp 11 cao 1m

Tạp Chí Giáo Dục

Bị di tật bẩm sinh từ khi vừa lọt lòng mẹ, giờ chỉ cao chưa đầy 1m nhưng cô bé người Chăm Hroi Ra Lan Luồn đã vượt qua nhiều mặc cảm, tự ty của bản thân để được đến trường học chữ, mang theo giấc mơ trở thành một kỹ sư tin học.

Em Ra Lan Luồn hiện học lớp 11B5, Trường THPT Phan Bội Châu, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.  

Tìm đến nơi trọ học của Ra Lan Luồn trong một ngày giá rét, tiếp chúng tôi là một cô bé thấp và nhỏ như đứa trẻ lên 10 tuổi. Nhưng thay vào những khiếm khuyết của cơ thể là một ánh mắt sáng và khuôn mặt hiền hoà của một con người biết vượt lên trên số phận.

 Tuy cơ thể khiếm khuyết nhưng Ra Lan Luồn rất nỗ lực trong học tập.

Vượt lên chính mình
Ra Lan Luồn sinh năm 1994 trong một gia đình có ba mẹ là người dân tộc Chăm Hroi, ở thôn Tân Hiên, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Mới sinh ra, Luồn đã bị di tật bẩm sinh, nặng chưa đầy 2 kg. Tưởng đâu sự yêu thương của gia đình sẽ bù đắp về tinh thần cho cô bé kém may mắn này. Nhưng mới 3 tuổi em lại chịu thêm nỗi bất hạnh khi thiếu tình thương yêu của bố mẹ. Năm 1997, bố mẹ em chia tay, hai người đi thêm bước nữa. Sự chăm sóc, nuôi dạy đều giao cho bà ngoại, đã gần 60 tuổi nuôi dưỡng.
Lên 6, nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa lần lượt cắp sách đến trường, Luồn cũng khao khát được đi học, được cầm bút. Không để cháu bị thiệt thòi, ngoại xin cho em đi học dù trong lòng bà còn bao bộn bề lo lắng khi tuổi già sức yếu, lại chạy vạy từng bữa ăn. Ngày mưa cũng như ngày nắng, hình ảnh nhỏ xíu của Luồn được các bạn chở đi học trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân thôn Tân Hiên.
Không phụ công chăm sóc nuôi dưỡng của bà, trong suốt thời gian học Tiểu học, Luồn đều đạt loại khá, giỏi. Tuy nhiên, khi chuyển xuống Trường Dân tộc nội trú huyện học THCS, sự mặc cảm về hình dáng bắt đầu hình thành. Trong năm học đầu tiên, em bị một số bạn bè trêu chọc. Rồi nhìn bạn bè hết năm học cứ cao lên còn mình cứ thấp, em đâm ra bối rối, lo sợ và cả tuyệt vọng. Nhiều lúc Luồn có ý định bỏ học. Được các bè bạn trong lớp, thầy cô trong trường động viên, an ủi, dần dần em lấy lại niềm tin và chứng minh cho bạn bè trong trường thấy rằng, tuy thấp bé nhưng mọi người phải công nhận những nỗ lực vượt khó của mình. Trong những năm học THCS, Luồn đều đạt học sinh khá giỏi.
Ước mơ trở thành kỹ sư tin học
Hiện tại, Luôn đang học lớp 11. Mọi sinh hoạt, học tập em tự làm lấy.  Trường cách nhà hơn 15 cây số, thứ bảy và chủ nhật em tranh thủ về giúp bà và mẹ làm những công việc nhà. “May mắn và nguồn động viên lớn nhất của em là được các bạn trong lớp giúp đỡ rất nhiệt tình. Bên cạnh đó, là sự quan tâm của nhà trường cho nên em đã vượt qua được mặc cảm của bản thân và cố gắng vươn lên trong học tập”, Luồn tâm sự.
Bạn Bá Thanh Thơ, học chung lớp và trọ cùng Luồn, cho biết: “Luồn rất chăm chỉ học hành. Tất cả ai cũng yêu quý và rất cảm phục trước tinh thần ham học hỏi, vượt qua khó khăn của bạn. Trong cuộc sống hằng ngày, Luồn là một người rất vui tính. Đặc biệt, bạn hát rất hay nữa”.
Khi được hỏi về động cơ mà Luồn luôn vươn lên trong học tập, Luồn cho biết:“Em không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên phải cố gắng học thật tốt để sau này có một cái nghề nuôi sống bản thân. Em sẽ chọn nghề tin học vì nghề đó phù hợp với hoàn cảnh của em”.
Nói về những cố gắng của Luồn, cô Bá Nguyễn Viết Thư, chủ nhiệm lớp 11B5, cho hay: “Em Luồn là một học sinh ngoan hiền của lớp, mặc dù sinh ra kém may mắn bị dị tật nhưng em luôn vượt khó, vươn lên trong học tập.”.
Chia tay Luồn, chúng tôi thật cảm phục trước nghị lực của cô bé đã vượt qua nghịch cảnh của gia đình, khiếm khuyết của bản thân để được học cái chữ. Hi vọng trong một tương lai không xa, mọi nỗ lực của Luồn sẽ được đền đáp. Và chúc cho cô bé Luồn “nhỏ xíu” sẽ trở thành một kỹ sư tin học như mong ước của em.
Ngọc Tân – Bích Nho
(Dân trí)

 

Bình luận (0)