Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nợ nước ngoài: 42,2% GDP là bao nhiêu?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một quan chức Bộ Tài chính mới đây đã gọi điện cho người viết để trao đổi về hai con số nợ nước ngoài: 42,2% GDP và 32,5 tỷ USD.

“Một số kênh thông tin đưa lại hai con số này và quy chung là một, cho rằng chỉ khác cách diễn đạt. Như thế thì GDP Việt Nam hụt đi vài chục tỷ USD hay sao. Không làm rõ con số thì thử hỏi giám sát nợ sẽ như thế nào”, quan chức này lo ngại.

Theo giải thích của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đây là hai con số hoàn toàn khác nhau, một bên là tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, bên còn lại là nợ nước ngoài khu vực công (chỉ bao gồm nợ Chính phủ và được chính phủ bảo lãnh) theo con số tuyệt đối.
Nếu so sánh với GDP năm 2010 được Tổng cục Thống kê công bố là khoảng 104,6 tỷ USD, tỷ lệ 42,2% quy ra vào khoảng 44,1 tỷ USD. Con số này được hiểu là giá trị tuyệt đối của tổng nợ nước ngoài quốc gia tính đến 31/12/2010. Nhưng đáng tiếc là chỉ tiêu này không được đề cập trong bản tin nợ nước ngoài số 7 của Bộ Tài chính, sự thiếu hụt có thể đã gây hiểu nhầm.
Việc định lượng sử dụng vốn vay nước ngoài thế nào là hiệu quả
còn gây tranh cãi – Ảnh: Getty.
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Nguyễn Thành Đô giải thích thêm: “Nợ khu vực công bao gồm nợ của chính phủ và chính phủ bảo lãnh, còn nợ quốc gia thì cộng thêm cả các khoản vay thương mại của doanh nghiệp vào nữa”.
Khoan nói đến hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP – PV) của khu cực công được cho là lên đến 10, gấp nhiều lần khu vực tư nhân; hay vay ODA chủ yếu đầu tư vào hạ tầng và không có nguồn thu trực tiếp để trả nợ, làm tăng gánh nặng cho ngân sách mà ông Đô đề cập trong lần trao đổi với VnEconomy gần đây…, xu hướng tăng vay nước ngoài của doanh nghiệp cũng có nhiều chuyện đáng bàn.
Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Hoàng Hải nhìn nhận: “Trong những năm gần đây, nợ nước ngoài quốc gia có xu hướng tăng khá nhanh, do việc vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả”.
Nếu so sánh con số tổng nợ nước ngoài quốc gia đề cập ở trên với nợ của Chính phủ, tại thời điểm cuối năm 2010 là gần 27,86 tỷ USD, có thể ước tính nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (bao gồm cả bảo lãnh và không được bảo lãnh) vào khoảng 16,2 tỷ USD. Con số này đã tăng thêm trên 4 tỷ USD so với cuối năm 2009.
Trong nợ doanh nghiệp, một điểm đáng xem xét khác là nợ do chính phủ bảo lãnh cũng có sự thay đổi tương ứng, từ gần 4 tỷ USD của năm 2009 lên trên mức 4,6 USD vào cuối năm 2010.
Nhìn lại giai đoạn cuối năm 2010, bảo hiểm rủi ro vỡ nợ trái phiếu (CDS) của Việt Nam tăng điểm khá cao mà đi cùng với đánh giá tín nhiệm nợ kém đi là lãi suất tăng tương ứng. Bản tin số 7 cũng đề cập, riêng dư nợ các khoản vay có lãi suất 6-10% đã tăng từ 919 triệu USD vào cuối năm 2009 lên mức 1,89 tỷ USD cuối năm 2010.
Trong bối cảnh này, đánh giá về an toàn nợ của doanh nghiệp, Cục trưởng Đô cho rằng: “Có thể một số khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp thì trả nợ có khó khăn”.
Ở chừng mực nào đó, các chủ đầu tư đều có trách nhiệm xây dựng kế hoạch vay và trả nợ cho dự án của mình. Nhưng với các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay nợ nước ngoài, tình hình đôi khi không như vậy. Nhất là với cơ chế trách nhiệm chung của doanh nghiệp nhà nước.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 24/8 dẫn nguồn một báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong số 16 dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh thì có bốn dự án đang gặp khó khăn về trả nợ, và Bộ Tài chính phải trả nợ thay.
Tờ báo cũng thông tin thêm, tổng giá trị vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho các dự án xi măng là 1,675 tỉ USD, tương đương 17,92% tổng giá trị vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.
Vay thì được tiền, có bảo lãnh mà không trả nổi thì Chính phủ phải gánh giúp, nhiều doanh nghiệp đâm ra “chuộng” kiểu bảo lãnh này. Còn trường hợp sau đây là quá sức tưởng tượng. Tại một hội thảo tổ chức cuối tuần trước, vị nọ nguyên lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cho hay, có trường hợp doanh nghiệp giả chữ ký của ông, đóng dấu như thật cho một thư bảo lãnh sử dụng dự trữ ngoại hối. May mắn là trường hợp này sau đó được phát giác.
Không biết có khoản bảo lãnh giả dối nào “lọt lưới” không, nhưng chỉ riêng việc nhà nước cứ phải đứng ra bảo lãnh rồi lại trả nợ thay cũng thấy rằng, tiền đóng thuế của dân đang bị doanh nghiệp lợi dụng.
Ở một góc nhìn khác, trong khi quan điểm từ phía các cơ quan chức năng cho rằng, vốn vay nước ngoài đang hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng trọng yếu, thì rõ ràng việc định lượng thế nào là hiệu quả còn gây tranh cãi.
“Đối với vấn đề này (nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng nhanh – PV), Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo đó, sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc vay nợ nước ngoài không vượt quá kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài hàng năm, đồng thời xác định danh mục ưu tiên các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011- 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”, Phó cục trưởng Hoàng Hải thông tin thêm.
Nguồn VNECONOMY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)