Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nở rộ “lò” đào tạo diễn viên

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với sự phát triển về số lượng phim truyền hình trên sóng là nhu cầu bổ sung đội ngũ diễn viên. Nhiều công ty, tổ chức cá nhân đã bước vào việc đào tạo nghề diễn xuất.

Từ lớp đào tạo diễn viên của Vietcast, diễn viên Hải Âu và Duy Băng đã có cơ hội xuất hiện trong phim truyền hình Cỏ đuôi gà - Ảnh: C.THai trường chính quy có chức năng đào tạo diễn viên được biết đến nhiều nhất là trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM và Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Ngoài ra, các trung tâm văn hóa ở TP.HCM cũng thường xuyên có các lớp đào tạo về diễn xuất như CLB Nhà văn hóa điện ảnh (Tân Sơn Nhất – TP.HCM), Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Khi nhu cầu về diễn viên cho phim truyền hình gia tăng chóng mặt, cung không đủ cầu, bản thân Đài truyền hình Việt Nam cũng phải mở lớp riêng đào tạo diễn viên cho các phim của họ. Nhiều lớp đào tạo tư nhân cũng vào cuộc như các lớp của Vietcast, Việt Phim, MTS, Lý Nhã Kỳ, HK, PL, John Robert Powers… Mỗi khóa tư nhân như vậy thường kéo dài một đến vài tháng, với số học viên khoảng vài chục người mỗi lớp.

Các diễn viên phim truyền hình do các đơn vị đào tạo ngắn hạn tạo được tiếng vang có thể kể đến: Việt Anh (tốt nghiệp lớp đào tạo ngắn hạn của Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài truyền hình Việt Nam VFC) phim Chạy án, Gia tài bác sĩ; Anh Thư, Thanh Hằng do Hãng phim HK phát hiện đã tham gia các phim Tuyết nhiệt đới, Tôi là ngôi sao; Kim Tuyến, Hải Âu, Duy Băng, Minh Cường được Vietcast huấn luyện kỹ năng diễn xuất và lần đầu tham gia phim Cỏ đuôi gà; Chi Bảo, Kinh Quốc do Nhà văn hóa điện ảnh Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đào tạo đã nổi danh qua nhiều phim như Dòng đời, Hướng nghiệp, Một ngày không có em, Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Cô gái xấu xí

Nhằm phục vụ cho mục tiêu sau khi học trong thời gian ngắn, học viên có thể tham gia đóng phim được ngay, nên so với giáo trình giảng dạy bài bản tại các trường như Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thì các nơi khác đều “đơn giản hóa” nhiều môn học đại cương như Tâm lý học, Lịch sử điện ảnh, Triết học… Đa số tập trung vào giảng dạy kỹ thuật diễn xuất, nghệ thuật biểu diễn trước ống kính. Các trường này đều mời giảng viên từ các trường chính quy hay diễn viên nổi tiếng tới truyền đạt kinh nghiệm.

Việc các hãng tư nhân, vốn không có chức năng đào tạo diễn viên, phải nhảy vào cuộc với những khóa đào tạo cấp tốc cho thấy vấn nạn của phim truyền hình trong nước: đội ngũ diễn viên quá thiếu về số lượng và quá yếu về chất lượng. Thực ra, hằng năm các trường đào tạo chính quy đều có trên dưới 100 diễn viên ra trường. Tuy nhiên, chất lượng cũng còn phải bàn vì không phải sinh viên nào sau khi tốt nghiệp cũng khẳng định được khả năng của mình như Lương Thế Thành, Huỳnh Đông, Mai Phương, Lê Khánh – trong nhiều phim truyền hình gần đây. Bởi thế, buộc lòng các nhà sản xuất phim truyền hình tư nhân phải nhờ cậy vào hệ thống đào tạo, tìm kiếm những gương mặt triển vọng của tư nhân.

Có cầu tất có cung – những lớp dạy diễn xuất tư nhân đã đáp ứng phần nào nhu cầu tức thời của thị trường. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm vẫn là với cách đào tạo tự phát, “ăn xổi” như hiện nay (tuyển diễn viên và đào tạo qua loa theo nhu cầu của từng bộ phim mà nhà sản xuất đòi hỏi) thì dù phát hiện ra những gương mặt nổi trội, cũng khó hy vọng có được hẳn một đội ngũ diễn viên có nghề và chuyên nghiệp.

Một cảnh tuyển chọn diễn viên điện ảnh - truyền hình của Vietcast - Ảnh: Vietcast cung cấpNói như bà Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam thì: “Các hãng phim tư nhân rất năng động, khi có nhu cầu lập tức sẽ thành lập ngay những lớp đào tạo diễn viên bổ sung cho phim truyền hình đang ngày một tăng về lượng. Dĩ nhiên đòi hỏi ở họ nghiệp vụ đào tạo như các trường chính quy là không thể. Vấn đề là giải quyết chuyện thiếu hụt nhân lực bằng việc đào tạo ồ ạt như hiện nay chỉ giải quyết được tình thế, thiếu vững chắc. Điều đáng buồn là một thế hệ làm phim truyền hình tự nhận mình không được đào tạo lại tiếp tục nhảy ra đào tạo thế hệ kế thừa thì tương lai sẽ nhận được gì?”.

Đỗ Tuấn (thanhnien.com.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)