Tòa soạnThư đi – tin lại

Nở rộ môi giới chiêu sinh thạc sĩ!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Viện Đào tạo – Nâng cao TP.HCM (ảnh trái) và Trường TC Kỹ thuật – Công nghệ Cửu Long là hai nơi “chiêu sinh” lớp thạc sĩ trái quy định
Thời gian gần đây, một số trường trung cấp (TC), viện đào tạo… thông báo tuyển sinh hệ cao học (ThS) cho một số viện, học viện, trường ĐH thuộc các tỉnh, thành hoặc “mác” nước ngoài đóng tại TP.HCM một cách công khai. Đến khi bị phát hiện, cơ quan chức năng tới làm việc thì họ lại “lách” là: Tuyển sinh hộ, làm công việc môi giới!?
Trường TC tuyển sinh… thạc sĩ!?
Trong vai người đang có nhu cầu học trình độ thạc sĩ (ThS) ngành quản trị kinh doanh của UBIS (Trường ĐH Kinh doanh quốc tế Thụy Sĩ), chúng tôi được một nhân viên của BDM (Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển doanh nghiệp – BDM, thuộc Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM) tư vấn: Hiện BDM có 2 lớp trình độ ThS khác nhau: Cả hai lớp đều có thời gian học trong vòng 15 tháng và cùng mức học phí 6.000 USD/khóa. Học viên sẽ học tại trụ sở của BDM vào các buổi cuối tuần.
Gọi điện đến số (08) 222.118.79 của “Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ giáo dục” (gọi tắt là TTTV), có địa chỉ tầng 1, số 60 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đakao, Q.1, chúng tôi được một nhân viên tên Phương tư vấn chương trình du học ThS quản trị kinh doanh với những lời có cánh. Theo đó, chương trình sẽ gồm ba chuyên ngành: Quản trị kinh doanh; CNTT và tài chính (MBA – FIN), khai giảng tháng 11-2013 tại Campus – Hồng Kông, thời gian học trọn khóa từ 12-18 tháng. Văn bằng do Trường ĐH công lập TarLac (Philippines) cấp, master quốc tế, có giá trị toàn cầu, Việt Nam công nhận.
Còn trên website của Trường TC Kỹ thuật và Công nghệ Cửu Long có đăng thông tin tuyển sinh liên thông các ngành dược, điều dưỡng, xét nghiệm, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng với Trường ĐH Arellano (Philippines). SV sẽ học chương trình cử nhân quốc tế với thời gian 4 năm 6 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, SV có thể thi tuyển để học tiếp lấy bằng ThS (bác sĩ đa khoa với thời gian khoảng 3 năm)…
“IFP là đơn vị đào tạo chuyên nghiệp có quy mô lớn tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có phân viện đào tạo. IFP có một hệ thống các chương trình đào tạo phong phú, được xây dựng trên cơ sở chương trình liên kết hợp tác đào tạo với Hoa Kỳ. Tất cả các chương trình đào tạo của IFP đều dẫn đến đầu ra là bằng cấp quốc gia và quốc tế”… Đó là những thông tin trên trang website: http://ifp… của Viện Đào tạo và nâng cao TP.HCM, trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học khuyến tài Đúc luyện kim Việt Nam (gọi tắt là IFP). Nhưng thời gian vừa qua, IFP đăng thông tin tuyển sinh cao học (ThS) cho ba chuyên ngành: Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; kinh tế chính trị; quản lý giáo dục. Tuyển được 171 học viên, khai giảng ngày 15-9-2013.
Không được cấp phép
Khi đặt vấn đề về tính pháp lý trong việc mở lớp đào tạo ThS, ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Viện IFP lý giải: “Chúng tôi chỉ làm công việc “môi giới”, đăng thông tin tuyển sinh ThS cho Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) và ĐH Nguyễn Huệ (trụ sở tại Long Thành, Đồng Nai). Việc học ở đâu, đi lại, ăn ở của học viên… đến giờ này tôi cũng không biết!?”. Còn ông Ngô Văn Hai – Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Nguyễn Trường Tộ thì giải thích: “Việc tuyển sinh ThS là do IFP và hai trường trên quyết định, nhà trường chỉ cho IFP thuê mướn mặt bằng để làm văn phòng”. Dù thông tin đăng tải trên website về liên kết đào tạo thạc sĩ, nhưng ông Phạm Minh Tân – Hiệu trưởng Trường Cửu Long giải thích: “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo với Sở GD-ĐT TP về việc này và chỉ gói gọn trong hoạt động tư vấn du học chứ không liên kết đào tạo. Học sinh muốn du học trường nào thì trực tiếp liên hệ với trường đó”.
Tuyển sinh trái quy định rầm rộ như vậy nhưng khi Sở GD-ĐT TP.HCM đến kiểm tra thì lãnh đạo các cơ sở “trốn” không tiếp. Ông Lưu Đức Tiến – Phó trưởng Phòng GDCN và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM bức xúc nói: “Sau khi TTTV đăng thông tin tuyển sinh ThS du học tại Hồng Kông, tôi và cán bộ phòng đã điện thoại liên hệ với TTTV hẹn ngày xuống làm việc. Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại TTTV với giấy giới thiệu của cơ quan thì được hai “nhân viên” đang có mặt tại đây cho biết: “Họ chỉ là khách đến chơi, giám đốc có việc bận ra ngoài và nói chúng tôi ngồi đợi”. Gần một tiếng ngồi chờ, bóng dáng của vị giám đốc này cũng không thấy tăm hơi, rất bực bội nhưng chúng tôi cũng gửi giấy hẹn lại cho hai vị khách này và nhờ nhắn giùm cho giám đốc: 8 giờ sáng hôm sau có mặt tại Sở GD-ĐT TP để làm việc về việc tuyển sinh du học. Tuy nhiên, cả ngày hôm sau chúng tôi ngồi đợi cũng không thấy họ có mặt”. Ông Lâm Văn Quản – Trưởng phòng GDCN và ĐH, Sở GD-ĐT TP cũng cho biết: “Trước những thông tin đăng trên website của một số viện, trung tâm… tuyển sinh chương trình đào tạo ThS tại TP.HCM và du học nước ngoài. Phòng đã thành lập đoàn thanh kiểm tra để thanh kiểm tra đột xuất những đơn vị này, nếu phát hiện họ tuyển sinh chui, không được cấp phép dù ở bất cứ mô hình, hình thức gì chúng tôi sẽ làm báo cáo để UBND TP và Sở GD-ĐT TP xử lý nghiêm theo qui định. Đối với Trường Cửu Long, phòng sẽ có buổi làm việc và nghe họ báo cáo giải trình, chúng tôi sẽ cung cấp cho cơ quan chức năng sớm nhất”.
Còn đại diện Phòng Tổng hợp, cơ quan thường trú của Bộ GD-ĐT tại TP.HCM khẳng định: “Trong bảng cập nhật mới nhất của bộ (tháng 9-2013), các đơn vị TTTV; BDM; Cửu Long; IFP… không được cấp phép đào tạo trình độ ThS hay tư vấn “môi giới” cho các trường ĐH, học viện trong nước và nước ngoài có đào tạo ThS”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Trước việc liên kết đào tạo tràn lan, trái qui định, không được cấp phép xảy ra liên tục trong những năm gần đây của một số trường ĐH, CĐ, TCCN… Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra năm học 2013-2014 đối với các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và TCCN. Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, đặc biệt là trong các kỳ thi. Thanh tra tập trung vào công tác tuyển sinh, đào tạo ĐH, CĐ và TCCN các hệ chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, từ xa, văn bằng 2; thanh tra công tác tuyển sinh: Việc xác định chỉ tiêu, việc thực hiện quy chế tuyển sinh; việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản triển khai công tác quản lý đào tạo, việc thực hiện quy chế đào tạo, thi, kiểm tra. Với công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ: Thanh tra công tác tuyển sinh; việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy định đào tạo. Bộ GD-ĐT cũng tiến hành thanh tra hoạt động liên kết đào tạo trong nước và liên kết đào tạo với nước ngoài, hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo liên thông, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học…
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)