Ba năm trở lại đây, thông qua các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”, “Sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng” do trung ương và tỉnh tổ chức; đặc biệt qua hai lần tham gia hội thi Intel ISEF (Hội thi khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh khối phổ thông lớn nhất thế giới), nhiều “nhà khoa học trẻ” xuất hiện ở Lâm Đồng…
Học sinh làm nghiên cứu khoa học
Trước đây, nói đến công tác nghiên cứu khoa học người ta thường cho rằng đó là công việc của giới khoa học và giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng… Nhưng trong những năm gần đây, chúng ta rất ngạc nhiên trước những thành tích xuất sắc của tuổi học sinh (HS), thậm chí là các thiếu niên và nhi đồng.
Qua hai lần tổ chức thi tuyển cấp quốc gia để chọn những đề tài xuất sắc nhất tham gia hội thi Intel ISEF, có người nói vui rằng “các nhà khoa học trẻ của Việt Nam đang nở rộ ở Lâm Đồng”. Điều này chưa hẳn là cách nói quá mà có cơ sở của nó. Nếu chúng ta tham dự đầy đủ hai lần tổ chức hội thi; theo dõi các “nhà khoa học trẻ” trình bày và trả lời bảo vệ đề tài (bằng tiếng Anh) trước các ý kiến phản biện của các nhà khoa học trong và ngoài nước thì mới thật sự cảm phục tài năng các em. Theo điều lệ, những đề tài dự hội thi này phải được phía Intel ISEF (đại diện tại Việt Nam) trực tiếp sát hạch và công nhận mới đủ điều kiện tham gia. Do vậy, ngoài tính khoa học, tính thực tiễn của mỗi đề tài, HS phải trình bày thuyết phục những vị “giám khảo khó tính” bằng kiến thức tiếng Anh và khả năng hùng biện của mình. Không ngẫu nhiên mà lịch sử 60 năm qua ở “sân chơi lớn” này Việt Nam… vắng bóng! Năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam quyết định cử đoàn tham gia và Lâm Đồng có quyền tự hào là một tỉnh miền núi đại diện cho hàng chục triệu HS trong cả nước lên đường đến Nevada (Hoa Kỳ), chính thức đặt chân vào sân chơi trí tuệ quốc tế này. Lần đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người”, đoàn Lâm Đồng với 2 đề tài nghiên cứu khoa học của 3 HS: Ngô Văn Quốc và Phan Nhật Trâm (Trường THPT chuyên Thăng Long – Đà Lạt) với đề tài: “Nhân giống, vận chuyển và phân phối giống cây trồng bằng kỹ thuật vi thủy canh” và Phan Ngọc Thảo (Trường THPT Đức Trọng) với đề tài: “Ảnh hưởng của game online đến nhân cách HS THPT”. Theo ý kiến của các thành viên tham gia trong đoàn, dù các đề tài nghiên cứu khoa học của các em chưa đạt kết quả tại hội thi, nhưng bạn bè quốc tế rất ấn tượng với những nỗ lực trong công tác dạy và học của nước ta trong những năm qua và xem đây như là hiện tượng gây sự chú ý đối với các nước…
Tháng 2-2010 vừa qua, tại Đà Lạt đã diễn ra cuộc thi tuyển chọn toàn quốc các đề tài nghiên cứu khoa học của HS THPT để tham gia hội thi Intel ISEF năm 2010. Có 71 HS đến từ 4 địa phương: Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và Lâm Đồng với 37 đề tài tham gia. Lâm Đồng vẫn là đơn vị có số đề tài dự thi nhiều nhất (29 đề tài); Huế và Đà Nẵng 3 đề tài/ đơn vị và TP.HCM 2 đề tài. Ngoài số lượng đề tài tham gia, lĩnh vực nghiên cứu của HS cũng đa dạng gồm nhiều ngành (toán, sinh, lý, hóa, tin học, khoa học xã hội và hành vi…). Qua chấm điểm xét chọn và sát hạch của đại diện Intel ISEF, 3 đề tài nghiên cứu khoa học của HS Việt Nam được chọn tham dự hội thi năm nay (diễn ra từ ngày 9 đến 14-5-2010) tại San Jose, thuộc bang California (Hoa Kỳ) gồm 1 đề tài tập thể và 2 đề tài cá nhân (Lâm Đồng 2 đề tài và Đà Nẵng 1 đề tài). Đề tài tập thể “Phân hủy rác thải hữu cơ từ hộ gia đình và trường học theo phương pháp lên men kết hợp với nuôi trùn quế” do hai HS: Trần Kim Thanh Vũ và Đinh Thị Thu Hà (Trường THPT Đạ Tẻh) – một huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng được đánh giá cao nhất. Đề tài cá nhân: “Sử dụng cóc làm thiên địch – giải pháp diệt trừ sâu bọ hữu hiệu” của Đoàn Thị Xuân Phương (Trường THPT Đức Trọng – Lâm Đồng) và đề tài: “Bài toán khoảng cách giữa hai điểm và ứng dụng đo đạc trong thực tiễn” của Nguyễn Văn Hà Uy (Trường chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng).
Những “nhà khoa học trẻ” tương lai
Tại lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi “Sáng tạo trong lứa tuổi thanh thiếu niên toàn tỉnh” do Liên hiệp các Hội KH&KT, Tỉnh đoàn – Sở GD-ĐT- Sở KH&CN Lâm Đồng tổ chức có nhiều đề tài bộc lộ những nghiên cứu, khám phá rất mới của lứa tuổi teen ở Lâm Đồng đã gây sự chú ý cho các nhà khoa học. Và mới đây ngành GD-ĐT Lâm Đồng tổ chức chung kết cuộc thi “Mô hình ý tưởng sáng tạo” dành cho HS khối tiểu học toàn tỉnh. 100 mô hình của HS các huyện và TP. Đà Lạt dự thi; trong đó 18 ý tưởng được chọn trao giải một lần nữa làm cho Ban giám khảo ngạc nhiên. Dù còn nhỏ tuổi nhưng các em đã có cái nhìn, cách nghĩ sâu sắc và đưa suy nghĩ táo bạo của mình vào mô hình dự thi hướng vào phục vụ cuộc sống, lao động, sản xuất… Em Nguyễn Đức Minh Duy (lớp 5, Trường Tiểu học Phú Hội – Đức Trọng) đọc trong Thần đồng đất Việt có cái máy bắn đá đa năng, em đã nghĩ đến cách chế tạo cái máy chuyển cà phê và vật dụng để giúp cha mẹ. Còn cậu bé lớp 2, Trường Tiểu học Lê Lợi – Đà Lạt – Trần Duy Đông Phương chế tạo con robot với mục đích nhặt rác bảo vệ môi trường…
Có thể nói, công tác nghiên cứu khoa học ở Lâm Đồng những năm gần đây được HS các trường phổ thông rất chú trọng. Ban đầu, HS tham gia nghiên cứu khoa học như một phong trào và tập trung ở một số trường hay ở những địa bàn có điều kiện như Đà Lạt, chuyên Thăng Long Đà Lạt, Trần Phú, Bùi Thị Xuân… nhưng 3 năm trở lại đây, công tác nghiên cứu khoa học được phát triển sâu rộng trong HS ở tất cả các nhà trường và được đầu tư bài bản. Hiệu quả từ các cuộc thi cũng đã tác động tích cực, khuyến khích khả năng tìm tòi, sáng tạo và phát triển tài năng của HS. Trong 2 đề tài của Lâm Đồng được chọn tham dự hội thi Intel ISEF năm nay, Hội đồng khoa học và ngành GD-ĐT Lâm Đồng không khỏi ngạc nhiên là đều thuộc về HS của trường… huyện! (thay vì của HS trường chuyên hay ở TP. Đà Lạt như năm trước). Điều này đã khẳng định công tác nghiên cứu khoa học đã “phổ cập” trong HS ở tất cả các trường và ở hầu hết các địa phương Lâm Đồng. Dù điều kiện về cơ sở vật chất dạy và học ở các trường huyện (như huyện nghèo Đạ Tẻh) còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những HS vượt khó vươn lên học giỏi và làm công tác nghiên cứu khoa học.
Dù chưa đạt những kết quả trong cuộc thi lần đầu tiên tham gia Intel ISEF và trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học so với các nước, nhưng việc HS Lâm Đồng 2 lần đại diện cho Việt Nam tham gia “sân chơi” này và sẽ là “ứng cử viên” của cả nước trong các cuộc thi lớn sắp tới đã là một “hiện tượng”; đây là những tín hiệu vui của ngành giáo dục Lâm Đồng.
Bài, ảnh: Thanh Hồng
Ông Nguyễn Thượng Hải (Giám đốc giáo dục của Intel Việt Nam) nói: “Những nhà khoa học nhỏ tuổi của Lâm Đồng rất xứng đáng trong cuộc chơi quốc tế lần đầu tiên có mặt của VN. 2 đề tài khoa học của 3 học sinh Lâm Đồng đã vượt 28 đề tài khác trên phạm vi cả nước cũng đã là kết quả đáng ghi nhận”. |
Bình luận (0)