Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nở rộ quảng cáo chương trình tiền tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

'Bên em có bộ tài liệu chuẩn chương trình tiền tiểu học, thầy cô nào cần em gửi', 'Bộ sách 'hot' tiền tiểu học, thầy cô cần mua liên hệ em'…

Thực tế, có chương trình gì được gọi là "tiền tiểu học" chuẩn của Bộ GD-ĐT hay không?

Không có chương trình nào tên "tiền tiểu học"

Ông Lương Trọng Bình, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3 (TP.HCM), khẳng định với Báo Thanh Niên: "Bộ GD-ĐT không có chương trình nào tên là tiền tiểu học; trong Chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT theo văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13.4.2021 của Bộ GD-ĐT về ban hành Chương trình giáo dục mầm non, ở lĩnh vực giáo dục phát triển ngôn ngữ có nội dung làm quen chữ viết cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi. Song hành với nội dung trên có bộ học liệu kèm theo. Nếu giáo viên dạy đúng dạy đủ, phát huy hết bộ học liệu làm quen chữ viết thì các con sẽ có nền tảng cơ bản để chuẩn bị học tốt ở lớp 1".

Trẻ lớp lá của Trường mầm non Thành phố trong hoạt động làm quen chữ viết, chuẩn bị vào lớp 1. THÚY HẰNG

Ông Lương Trọng Bình chia sẻ thêm: "Hoạt động làm quen chữ viết ở trường mầm non có ý nghĩa rất quan trọng trong giáo dục nhằm phát triển toàn diện cho trẻ về mọi mặt. Đặc biệt, hoạt động làm quen chữ viết giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Thông qua việc cho trẻ làm quen chữ viết, vốn từ của trẻ được nâng cao, trẻ được tập nghe để phân biệt và tập phát âm các âm của tiếng Việt, được làm quen với các chữ cái, cách sắp xếp các chữ thành từ, cách phát âm, sao chép, tô, đồ chữ cái, trẻ hiểu được mối quan hệ giữa ngôn ngữ nói với ngôn ngữ viết, trẻ hiểu thế nào là "đọc và viết" sau này ở trường phổ thông. Bên cạnh đó, việc cho trẻ làm quen chữ viết ở trường mầm non giúp trẻ hình thành và rèn luyện một số kỹ năng như cầm bút, cầm sách, mở từng trang sách, tư thế ngồi… phát triển óc quan sát, ghi nhớ, chú ý có chủ định… Nhờ vậy, trẻ được hình thành một số kỹ năng cần thiết cho việc học tiếng Việt ở lớp 1".

Chỉ học ở trường mầm non, có đủ để vào lớp 1?

Thời gian này nhiều cha mẹ sốt sắng đưa các con tới những lớp luyện chữ, học toán trước khi vào lớp 1. Thậm chí nhiều phụ huynh còn gửi con thêm giờ ở các lớp mẫu giáo để cô giáo mầm non giúp con học chữ, học toán. Bởi nhiều người lo lắng "nếu chỉ học chương trình mầm non trên trường, trẻ không đủ kiến thức, kỹ năng để vào lớp 1". Điều này có đúng?

Nếu giáo viên làm đúng Chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT, phụ huynh phối hợp tốt với nhà trường và các giáo viên trong nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con thì khi trẻ hoàn thành lớp lá (5 – 6 tuổi), con có đủ kỹ năng, nhận thức, yêu cầu về thể chất, thẩm mỹ, tình cảm xã hội… để bước vào lớp 1.

Một giáo viên mầm non tại TP.HCM, dạy giỏi cấp thành phố năm 2023

Ông Lương Trọng Bình nói: "Lời khuyên của tôi là đừng thấy con nhà người ta đi học thêm các thứ bên ngoài rồi sốt ruột cũng bắt con đi học thêm. Mỗi độ tuổi chỉ cần bước tới một bước nhất định, từ bước 1 (step 1) rồi tới bước 2, bước 3, các em sẽ nuôi cho mình một ý chí để bước lên các bước tiếp theo. Việc đi học thêm rồi biết trước cũng giống như trẻ đang bước lên bước thứ 3 rồi, vào trong lớp lại bước xuống bước số 1 từ đầu, điều này ảnh hưởng tới ý chí phấn đấu của đứa trẻ".

"Chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT khi được áp dụng triển khai trên khắp cả nước đã được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng, nên các cơ sở giáo dục, các giáo viên xin hãy bám sát. Còn việc đi học thêm cái này, cái kia bên ngoài, tôi muốn khuyên phụ huynh là khi tiếp cận một chương trình, lớp học, trung tâm nào đó, hãy xem xét cẩn trọng. Học hỏi là tốt. Nhưng phụ huynh phải xem xét cẩn trọng những chương trình mà con sẽ học", ông Bình lưu ý.

Một giáo viên mầm non nhiều năm phụ trách lớp lá (5 – 6 tuổi) tại TP.HCM, cũng là giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố năm 2023, cho biết nhiều phụ huynh hiểu được vấn đề, hiểu được chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi, cuối độ tuổi đã được Bộ GD-ĐT công bố thì không đặt nặng vấn đề trẻ học chữ trước ở trường mầm non. Bởi điều này gây ra sự chênh lệch kiến thức của trẻ khi vào lớp 1, ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh lo lắng, sốt ruột, muốn con phải đọc thông, viết thạo trước khi vào tiểu học.

"Nhiệm vụ của các giáo viên là phối hợp với phụ huynh, tuyên truyền, trao đổi để phụ huynh hiểu ra rằng làm quen chữ viết ở bậc mầm non khác với học chữ ở tiểu học. Chuẩn đầu ra của trẻ 5 tuổi cuối độ tuổi đã có quy định rõ, phụ huynh không nên vội vàng", cô giáo này cho biết.

Nữ giáo viên cũng khẳng định: "Trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành của Bộ GD-ĐT không có nhắc gì đến chương trình "tiền tiểu học". Đây có thể là cách một số trung tâm hiện nay nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của phụ huynh đang quan tâm điều gì nên mở ra các lớp với tên gọi như vậy để thu hút học sinh. Nếu giáo viên làm đúng Chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT, phụ huynh phối hợp tốt với nhà trường và các giáo viên trong nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con thì khi trẻ hoàn thành lớp lá (5 – 6 tuổi), con có đủ kỹ năng, nhận thức, yêu cầu về thể chất, thẩm mỹ, tình cảm xã hội… để bước vào lớp 1".

Việc cho trẻ làm quen chữ viết không chỉ thể hiện qua việc giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục mà còn thể hiện trong sinh hoạt mọi lúc mọi nơi, và đặc biệt đó chính là xây dựng môi trường chữ đa dạng trong lớp. THÚY HẰNG

Đầu tháng 4.2024 tại Trường mầm non Thành phố (Q.3, TP.HCM) diễn ra chuyên đề "Tổ chức hoạt động giáo dục chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 – làm quen chữ viết".

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết giáo viên thiết kế các hoạt động giáo dục theo hướng "chơi mà học, học bằng chơi"; tổ chức các hoạt động trải nghiệm giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, và có tâm lý sẵn sàng bước vào lớp 1. Đồng thời các hoạt động giúp hình thành các kỹ năng sống cần thiết như tự phục vụ, xin phép, chờ đến lượt, giơ tay phát biểu, biết kỷ luật, tập trung khi ngồi trong lớp, biết cách lật trang sách, ngồi đúng tư thế, biết bảo vệ bản thân…

Cô Ánh Tuyết cũng cho biết việc cho trẻ làm quen chữ viết không chỉ thể hiện qua việc giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục mà còn thể hiện trong sinh hoạt mọi lúc mọi nơi, và đặc biệt đó chính là xây dựng môi trường chữ đa dạng trong lớp. Trong thiết kế môi trường giáo dục, giáo viên nên cùng với trẻ thay đổi môi trường thường xuyên để trẻ được "tắm" trong môi trường chữ viết. Đó có thể là tấm biển tên các loại cây ở sân trường; là tấm thẻ tên của trẻ ở tủ đựng đồ trước lớp; là tấm bảng điểm danh tên trẻ; là góc làm quen chữ viết; thư viện của lớp… Bên cạnh ngôn ngữ chữ viết còn có ngôn ngữ ký hiệu như ký hiệu nhà vệ sinh; ký hiệu không giẫm lên cỏ hay không leo trèo…

Nhiều điều quan trọng cần chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 hơn học chữ, làm toán

Chủ một trường mầm non tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho rằng sở dĩ có chuyện người người, nhà nhà đổ xô cho con đi học thêm, học trước chương trình lớp 1 từ mẫu giáo là vì một lớp 1 có 35 học sinh nhưng có khi tới hơn 30 bé đã đi học trước. Người này truyền tai người kia, thấy con mình viết chữ, làm toán không nhanh bằng con người khác lại sốt ruột, phụ huynh cạnh tranh lẫn nhau, nên rủ nhau học trước cứ lặp lại năm này qua năm khác.

"Quan điểm của tôi là hãy làm đúng theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT. Trước khi trẻ vào lớp 1, có nhiều điều cần chuẩn bị cho trẻ quan trọng hơn việc đổ xô đi học chữ, làm toán cho thông thạo. Đó là chuẩn bị tâm lý, tinh thần, kỹ năng làm quen bạn bè, kỹ năng tự lập, làm việc nhóm, khả năng tập trung chú ý nghe giảng, kỹ năng tự phục vụ…", vị chủ trường trao đổi.

Theo Thúy Hằng/TNO

 

Bình luận (0)