Theo các chuyên gia, hiện đang có xu hướng thí sinh Việt Nam chọn thi những chứng chỉ tiếng Anh mới để đáp ứng nhu cầu xét tuyển đại học trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những kỳ thi tiếng Anh quốc tế lâu đời như TOELF (ra mắt năm 1964) hay IELTS (1989), tại Việt Nam hiện ngày càng nhiều thí sinh ôn luyện để lấy những chứng chỉ mới nổi như PTE (Pearson Test of English, ra mắt năm 2009) và DET (Duolingo English Test, 2016) vì quy định chứng chỉ tương đương trong xét tuyển đầu vào của một số trường đại học trong nước và quốc tế.
Thi trực tuyến tại nhà
Ứng tuyển vào ĐH Fulbright (TP.HCM), Nguyễn Hoàng Minh Anh (học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM) chọn thi chứng chỉ DET để tránh “gặp tình huống bị động”, điều mà nữ sinh lo lắng nhất sau việc đột ngột hoãn thi các chứng chỉ quốc tế gần đây.
“DET cho phép em thi trực tuyến tại nhà vào lúc nào cũng được. Hiện không có sách tham khảo chuyên dành cho DET nên em ôn thi bằng cách luyện đề có sẵn và học thêm từ tài liệu của IELTS để phát triển kỹ năng tiếng Anh”, Minh Anh nói và chia sẻ thêm em cần đạt tối thiểu 95 điểm, tương đương 6.0 IELTS.
Giao diện thi thử DET có câu hỏi tiếng Việt. CHỤP MÀN HÌNH
Vừa hoàn thành bài thi DET, Đỗ Ngọc Thái Hà (lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM), đạt được 120 điểm (tương đương 7.0 IELTS), nhận xét: “Dạng đề khá đời thường, không quá học thuật, chỉ gặp khó ở câu hỏi miêu tả hình tượng, nhìn chung dễ hơn nhiều so với IELTS”.
“Em chọn DET vì cần điểm tiếng Anh gấp và IELTS không đáp ứng kịp. Em chỉ ôn trong tầm 5 ngày trên website thi với phương pháp học nhiều từ vựng, luyện tốc độ đánh máy”, Hà kể.
Có thể thi bất cứ ngày nào
Còn L.G.H (học sinh lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) thì chọn thi chứng chỉ PTE để nộp trong hồ sơ du học Úc. “Nếu muốn định cư lâu dài tại Úc, em cần có điểm thi chứng chỉ càng cao càng tốt. Vậy nên em từ bỏ IELTS vì rất khó để đạt điểm từ 8.0 trở lên, thay vào đó luyện dần PTE thì có khả năng cao hơn đạt được thang điểm tương đương”, nam sinh này bộc bạch.
Trang chủ bài thi DET. CHỤP MÀN HÌNH
Đồng tình với ý kiến của H., anh Huy Lý, Giám đốc điều hành Trung tâm PTE Helper, nhận định hiện có 99% du học sinh chọn chứng chỉ PTE để nộp các trường CĐ, ĐH tại Úc. Theo anh, bài thi này có những ưu điểm như thời gian thi ngắn, liên tục trên máy tính, kết quả trả nhanh trong 5 – 24 giờ và có thể thi bất kỳ ngày nào, với chi phí thấp hơn IELTS (khoảng 4,1 triệu đồng).
“Về nội dung, vì được chấm bởi trí tuệ nhân tạo nên thí sinh chỉ cần nói với máy, đỡ áp lực, bài viết chỉ cần có đủ từ khóa và đúng ngữ pháp, chính tả là sẽ đạt điểm cao, không cần tập trung quá nhiều vào cách hành văn. Bài thi còn có tính năng cộng điểm chéo giữa các kỹ năng ở một số phần, được nhiều thí sinh nhận định là dễ hơn IELTS”, anh Huy Lý giải thích lý do nhiều người chọn thi PTE.
Nhiều nước và nhiều trường chấp nhận
Theo anh Huy Lý, sau 5 năm, trung tâm đã có hơn 10.000 học viên. “Tính riêng số học viên trong 2022, 80% là du học sinh chọn đến Úc, 5 – 10% là học sinh muốn nộp hồ sơ vào các trường đại học tư thục và quốc tế tại Việt Nam như Văn Lang, Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, RMIT, Greenwich…”, anh Huy Lý thông tin.
Còn chị Dương Ngọc Thủy, đại diện CĐ Cambrian (Canada), cho hay từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, DET bắt đầu được nhiều trường CĐ, ĐH tại Canada chấp nhận trong yêu cầu đầu vào và duy trì cho đến hiện nay. “Đây là bài thi trực tuyến, chi phí rất rẻ (khoảng 1,2 triệu đồng), có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi và cho kết quả nhanh, chỉ từ 3 – 5 ngày làm việc”, chị Thủy nêu ưu điểm, đồng thời chia sẻ hiện ở Việt Nam hầu như chưa có trung tâm chuyên luyện thi DET.
“Liệu thi như vậy có xảy ra gian lận?”, chúng tôi hỏi. Chị Ngọc Thủy khẳng định “rất khó”, vì cần đảm bảo các quy trình và phương thức giám sát đúng tiêu chuẩn. Cụ thể, trước khi thi, TS phải ngồi trong phòng yên tĩnh, chụp lại CCCD hay hộ chiếu, sau đó để camera hoạt động và ghi âm. “Khi thi, TS phải nhìn thẳng vào máy để camera đối chiếu hình ảnh. Nếu cúi xuống bàn phím quá lâu để gõ hay trong phòng có tiếng người khác, bài thi sẽ bị hủy”, chị Thủy cho hay.
Cũng theo chị Thủy, dù số lượng học sinh sử dụng DET để xét tuyển tăng nhưng chứng chỉ này cũng có mặt hạn chế. “Nếu muốn xin visa đến Canada, học sinh sẽ đi theo 2 dạng là chứng minh tài chính hoặc chương trình du học trực tiếp (SDS). Vì chứng minh tài chính rất phức tạp nên đa số đều chọn phương án 2, nhưng phương án này bắt buộc phải có điểm IELTS chứ không được dùng DET”, chị Thủy nói.
Không nên “phản diện hóa” việc luyện đề Trước xu hướng học sinh chọn ôn thi các chứng chỉ từ sớm, anh Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, Phó phòng đào tạo Trung tâm Anh ngữ Vietop, nhận định việc phát triển năng lực tiếng Anh và luyện đề hoàn toàn có thể đồng hành để làm quen với hình thức của bài thi, giúp tối ưu hóa điểm số. “Không nên phản diện hóa việc luyện đề vì khi làm các bài thi kỹ năng, chúng ta bằng cách nào đó cũng đang học tiếng Anh. Mọi chuyện chỉ biến tướng xấu đi khi người học ôn mẫu để dùng cho tất cả câu hỏi trong đề, nhất là ở trong bài nói, thay vì phát huy năng lực cá nhân”, anh Khoa lưu ý. |
Theo Ngọc Long/TNO
Bình luận (0)