"Loại trừ hoàn toàn khả năng phá hoại, khủng bố trong vụ nổ ở khách sạn Caravelle. Khí metan tích tụ gặp tia lửa điện gây nổ là nguyên nhân chính", đại tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM, khẳng định chiều 8/12.
> Nổ tại khách sạn 5 sao giữa Sài Gòn
Theo đại tá Minh, ngay sau khi sự cố xảy ra, cơ quan cảnh sát điều tra đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ như Phân viện khoa học hình sự – Bộ Công an, Phòng cảnh sát PCCC tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân sự cố. Vụ nổ đã làm sập đoạn đường dẫn xe lên tầng hai diện tích khoảng 35 m2. Lực nổ cũng làm sập khoảng 200 m2 trần thạch cao phía trên đường dẫn xe và một phần ở sảnh đón khách. Hai người bị thương nhẹ trong vụ nổ.
Theo cơ quan này, trung tâm vụ nổ là khu vực hầm kín nằm phía dưới khúc cua đường dẫn xe lên tầng 2 của khách sạn. Hầm kín này là nơi có các miệng chứa chất thải, bể chứa cặn xăng, dầu rửa xe, rửa rác… Tại khúc cua trên cho thấy, lực tác động từ dưới lên trên, sàn dẫn xe trong quá trình diễn ra vụ nổ đã bị đẩy lên cao từ 30 cm đến 50 cm tạo thành một lực khá mạnh giật xuống dưới và phá hủy đường dẫn xe này. Cũng theo cơ quan công an, trong thiết kế bê tông dự ứng lực, sàn chịu lực theo hướng từ trên xuống nên khi bị lực nổ từ dưới lên sàn dẫn xe này đã bị phá hủy hoàn toàn.
Sau khi tiến hành dọn hết bê tông cho thấy, mặt sàn và tường hầm bằng phẳng, không có hố nổ. Phía cuối đường hầm có một miệng hố ga đồng thời có một dây kim loại đi ngầm trong tường đi vào hố ga. Khu vực trung tâm vụ nổ cũng có một nắp hố ga được bật lên. Theo cơ quan điều tra, nguồn nổ là sự tích tụ của khí.
Miệng hố ga nằm ngay tại trung tâm vụ nổ trong hầm kín. Ảnh: Cơ quan điều tra. |
Cơ quan công an đã lấy mẫu vật ở trên 40 vị trí khác nhau tại hiện trường. Các mẫu vật đó sau khi giám định đều âm tính với nhiều loại thuốc nổ khác nhau, từ các loại truyền thống như TNT đến thuốc nổ dạng lỏng. Phân tích phổ metan trên các mẫu vật đều trùng với metan của gas bật lửa. Theo cơ quan công an, nguồn nhiệt năng gây nổ có khả năng là từ nguồn điện của rơle nhiệt sấy gas lỏng nằm trong hầm này. Tia lửa phát ra từ rơle, sau khi gặp khí metan được tích tụ tới giới hạn, đã gây nổ.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sự cố nổ nêu trên nằm ngoài dự kiến thiết kế công trình. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp phía khách sạn tiến hành thẩm tra các kết quả kiểm định, giám định đối với tất cả các hạng mục tại khu vực tầng hầm bao gồm đường dẫn xe lên tầng hai, các kết cấu tường hầm, móng, các ống nối dẫn chất thải và khí nguyên liệu… từ đó duyệt phương án thi công sửa chữa các hạng mục này.
Đại diện khách sạn Caravelle cũng thừa nhận sai sót trong thiết kế công trình đã để một khoảng kín tại tầng hầm. Ngoài ra, việc thiếu kiểm tra khu vực hầm, cũng như không kiểm tra ống thông khí từ khu vực này lên tầng 25 của tòa nhà nên đã dẫn đến sự cố trên.
Chiều nay, cơ quan công an đã bàn giao lại mặt bằng cho khách sạn nhằm phục vụ công tác kiểm định và khắc phục sự cố sau 36 giờ phong tỏa hiện trường để điều tra nguyên nhân.
Khách sạn Caravelle tọa lạc tại số 19 công trường Lam Sơn, khởi công xây dựng vào năm 1956 và khai trương vào dịp Giáng sinh năm 1959, mang phong cách kiến trúc của Pháp. Nằm đối diện nhà hát thành phố, Caravelle là khách sạn nổi tiếng của Sài Gòn xưa, trước năm 1975 trở thành nơi lưu trú của giới báo chí quốc tế. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, khách sạn đổi tên thành Độc Lập. Năm 1998, một tòa nhà 24 tầng được xây tiếp nối với khách sạn 10 tầng cũ trước đây. Chủ đầu tư khách sạn Caravelle là Công ty JV Saigon Tourist (Việt Nam) và Chain International (Singapore). Nhà thầu chính Sam Sung Eng. Construction Co., nhà thầu phụ là Công ty cổ phần xây dựng số 1 (Cofico). Tổng vốn đầu tư xây dựng Caravelle mới là 61,5 triệu USD. Nhờ xây dựng nối kết với khách sạn cũ nên Caravelle hiện nay có vẻ đẹp cổ xưa lẫn hiện đại, gồm 335 phòng nghỉ và nhiều khu vực hội nghị. Đầu năm 2006, Caravelle đã được độc giả của tạp chí DestinAsian bình chọn là “Khách sạn tốt nhất tại TP HCM”. Tháng 9/2006, đây cũng là địa chỉ duy nhất ở Việt Nam có tên trong danh sách những khách sạn sang trọng nhất thế giới. Nơi đây từng đón tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton, công chúa Anh Anne, những ngôi sao điện ảnh như Michael Caine, Brendan Fraser (trong thời gian thực hiện phim “Người Mỹ trầm lặng”), nhà thiết kế thời trang Pháp Pierre Cardin và nhiều đại sứ các nước… Tiếng Pháp Caravelle có nghĩa là "con tàu nhỏ lướt nhanh", biểu tượng của khách sạn mang hình dáng những cánh buồm. |
Đức Quang – Kiên Cường (Theo VNE)
Bình luận (0)