Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nợ xấu – gánh nặng của nền kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Nợ xấu cộng với lãi suất cho vay ngất ngưởng giống như một lực cản triệt tiêu động lực của nền kinh tế.

1. Tăng trưởng tín dụng thấp

Khó ai có thể hình dung, sau nhiều năm có tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 20%-30% năm, tăng trưởng tín dụng 2012 lại thảm hại như vậy. Theo con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến tháng 10-2012 chỉ ở mức 2,77%. Tăng trưởng tín dụng thấp là biểu hiện trì trệ của nền kinh tế nhưng cũng là nguyên nhân cơ bản khiến nợ xấu phình ra. Trả lời chất vấn của Quốc hội, Thống đốc NHNN cho biết một thực tế không thể an tâm: Từ năm 2008 tốc độ tăng trưởng nợ xấu tăng lên nhanh chóng. Trong đó năm 2009 là 27%; năm 2010 là 41%; năm 2011 là 64% và 6 tháng đầu năm 2012 là 47%.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: CAO THĂNG

Nợ xấu cộng với lãi suất cho vay ngất ngưởng giống như một lực cản triệt tiêu động lực của nền kinh tế. Một con số không khỏi giật mình: hiện nay dư nợ của hệ thống ngân hàng khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương với 135 tỷ USD. Chỉ tính khiêm tốn: với lãi suất 15%/năm, mỗi năm nền kinh tế phải trả lãi 420.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ USD. Còn với riêng nợ xấu, theo con số mới nhất, ước tính đến tháng 10-2012 có thể đạt mức từ 257.000 – 292.350 tỷ đồng.

2. Vì sao nợ xấu tăng?

Nợ xấu tăng có nguyên nhân từ sự yếu kém của các tổ chức tín dụng. Nhưng cơ bản nhất vẫn là nguyên nhân có tính hệ thống. Chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng không kiểm soát được dẫn đến đầu tư công tràn lan, dàn trải, mở rộng quy mô một cách duy ý chí bất chấp nhu cầu thật của phát triển kinh tế – xã hội.

Tình trạng thiếu cơ chế giám sát, quản lý không minh bạch đã dung dưỡng cho căn bệnh lãng phí, quan liêu, tham nhũng hoành hành, khiến nguồn vốn lớn bỏ ra không thu hồi được, làm gánh nặng nợ xấu tăng lên. Chính sách tăng trưởng dựa vào doanh nghiệp nhà nước và sự yếu kém của công tác giám sát các quan hệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với khu vực doanh nghiệp cũng khiến cho nợ xấu tăng lên nhanh chóng. Đây có thể coi là những nguyên nhân sâu xa làm gia tăng nợ xấu mà muốn ngăn chặn cần phải có những giải pháp để khắc phục tận gốc.

Một đặc điểm của chính sách kinh tế Việt Nam là lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo và chính sách khiếm hụt ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng. Không thể phủ nhận rằng chính sách khiếm hụt ngân sách mà con đẻ của nó là đầu tư công và khu vực kinh tế nhà nước đã đóng vai trò to lớn trong quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế, nhất là trong thời kỳ đầu đổi mới.

Tuy nhiên, đáng tiếc, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng kém hiệu quả và đang bộc lộ rõ xu hướng độc quyền. Đặc điểm này đã tạo ra cho các doanh nghiệp nhà nước một sân chơi được ưu ái đặc biệt. Doanh nghiệp nhà nước được cấp tín dụng khá dễ dãi từ hệ thống các ngân hàng thương mại, được quyền vay tín chấp hoặc vay theo sự chỉ đạo của chính phủ trong khi khu vực kinh tế dân doanh phải kiểm soát rất ngặt nghèo. Vì được ưu ái, nhiều doanh nghiệp nhà nước coi tín dụng là bầu sữa vô tận.

Với tâm lý “vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy”, họ vay mượn xả láng và sử dụng đồng vốn một cách vô tư. Họ thoải mái đầu tư vô tội vạ ra ngoài ngành nghề chính. Kết quả của sự dễ dãi bất thường này cùng với sự buông lỏng kiểm soát của nhà nước đối với vốn chủ sở hữu, khả năng quản trị doanh nghiệp kém đã dẫn đến một hệ quả tất yếu: hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ngày càng cao ngất ngưởng.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trước Quốc hội vừa qua càng làm rõ tình hình trên. Theo báo cáo này, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu công ty lớn hơn 3 lần. Trong đó có 12 tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ từ 3 – 5 lần. 10 doanh nghiệp có hệ số từ 5 đến 10 lần. 8 doanh nghiệp có hệ số trên 10 lần.

Trong khi đó, cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, hệ số nợ trên vốn tự có trung bình của doanh nghiệp là 1,77, nghĩa là khoảng 64% là vốn vay. Với tỷ lệ này, chỉ tính lãi suất 15%, lợi nhuận doanh nghiệp phải đạt 10% trở lên mới hòa vốn. Lợi nhuận dưới 10% sẽ mất khả năng chi trả. Như vậy, 30 doanh nghiệp có vốn vay/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên, cùng với nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, khó có khả năng trả nợ. Báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã minh chứng: số nợ xấu nằm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước lên đến 70%, trong đó các tập đoàn, tổng công ty chiếm 53%.

Nhưng nợ xấu ở Việt Nam còn gắn chặt với một hoạt động kinh doanh khác: kinh doanh bất động sản. Nhìn thấy lợi nhuận khổng lồ trong bất động sản, lợi dụng chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhà nước, hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển tự phát theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đua nhau vay tiền đổ vào các dự án đô thị, các khu công nghiệp. Cơn sốt bất động sản cũng kéo người dân đổ xô vào vay tiền ngân hàng để đầu tư.

Kết quả là cung vượt quá cầu. Giá bất động sản bị thổi phồng quá giá trị thực của hàng hóa và quá sức mua của người dân. Bong bóng bất động sản vỡ. Hàng tồn kho bất động sản tăng mạnh khiến cho nợ xấu của khu vực này tăng cao. Ngoài ra, tỷ lệ thế chấp khoảng 60% vốn vay ở các ngân hàng ở các lĩnh vực khác là bất động sản khi cần không thanh lý được cũng làm tăng thêm gánh nặng nợ xấu cho nền kinh tế.

3. Công ty mua bán nợ, định hướng nào?

Theo con số mới nhất của ngân hàng nhà nước, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tín dụng Việt Nam, chưa tính nợ nước ngoài, đến thời điểm cuối tháng 10-2012 khoảng 8,8% trong tổng số nợ công. Theo tính toán, con số này tương đương 11,3 tỷ USD. Đây là con số rất lớn so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 là 33,8 tỷ USD, nghĩa là nó vượt sức chịu đựng của ngân sách. Giải bài toán nợ xấu không thể đi theo hướng in tiền gây lạm phát như có ý kiến đề xuất. Giải quyết nợ xấu, cũng không thể trông chờ để các ngân hàng tự xử lý. Nợ xấu bắt đầu từ tính hệ thống cho nên phải hình thành một công ty mua bán nợ xấu có tầm quốc gia.

Vấn đề đã được đặt ra, tạo được sự đồng thuận cao nhưng có vẻ như vẫn chưa được các nhà hoạch định chính sách quyết định một cách quyết đoán. Nhưng trước khi công ty mua bán nợ xấu thành lập, một vấn đề cần có tiếng nói chung: tìm nguồn vốn ở đâu để giải triệt để bài toán nợ xấu? Với tình hình nợ công ngày càng cao và tổng thu ngân sách quá nhỏ bé, việc giải quyết nợ xấu dựa vào nguồn vốn trong nước rõ ràng là điều không tưởng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, chỉ có một giải pháp khả thi: chủ động thương thuyết bán các gói nợ cho các đối tác nước ngoài, nghĩa là tìm nguồn vốn nước ngoài để giải quyết tận gốc bài toán nợ xấu. Nhưng muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, phải cùng một lúc, triệt tiêu những nguyên nhân căn bản gây ra nợ xấu: tái cơ cấu triệt để nền kinh tế. Trong đó vấn đề cốt tử là tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước, giảm thiểu chính sách khiếm hụt ngân sách – đầu tư công tràn lan, ngăn chặn sở hữu chéo và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phát triển mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp dân doanh. Và cuối cùng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hình thành môi trường kinh doanh bình đẳng ổn định và minh bạch.

DƯƠNG TRỌNG DẬT

(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)