Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng hiện chiếm 2,72% tổng dư nợ, tăng 0,55% so với cuối năm 2010.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng dù nợ xấu đang tăng từ mức 2,17% cuối năm 2010 lên 2,72% vào 10.6, nhưng mức tăng trên không nghiêm trọng.
Lo ngại nợ "xấu ít" thành "xấu nhiều"
Trước đó, tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn giữa kỳ tài trợ cho Việt Nam đầu tháng 6, Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong trường hợp xấu nhất, cả năm nay nợ xấu cùng lắm chỉ tăng không quá 5%. Chiếu theo tiêu chuẩn chung của thế giới, nợ xấu chiếm dưới 5% tổng dư nợ toàn hệ thống được xem vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là cơ cấu nợ đang dịch chuyển từ nhóm “xấu ít” sang “xấu nhiều” trong thời
gian qua.
gian qua.
Quản trị nhân sự luôn là vấn đề làm đau đầu các NHTM khi kiểm soát rủi ro tín dụng
Theo cách phân loại nợ xấu hiện nay của NHNN, nợ của các ngân hàng được chia thành 5 nhóm. Nợ đủ tiêu chuẩn được xếp vào nhóm 1, là nợ có khả năng thu hồi được cả gốc và lãi đúng hạn. Số liệu tổng hợp mới nhất từ một đơn vị nghiệp vụ của NHNN, cho thấy hết tháng 4.2011 nợ đủ tiêu chuẩn chiếm khoảng 92% tổng dư nợ toàn hệ thống. So với tháng 3 đã giảm gần 20.000 tỉ đồng. Khi nợ đủ tiêu chuẩn giảm, cũng đồng nghĩa với việc nợ của các nhóm còn lại bao gồm: nhóm 2 (nợ cần chú ý), nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng hơn và hiện chiếm gần 8% dư nợ toàn hệ thống. Cụ thể, riêng nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5, tăng 0,14% so với tháng 3, trong đó nợ nhóm 3 tăng gần 0,09%, nhóm 4 tăng 0,02% và nhóm 5 tăng 0,04%.
Trưởng ban kiểm soát của một ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết nợ đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm có 92% tổng dư nợ là con số khá thấp, nó chứng tỏ các món vay của DN đã tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Vị này cũng cho rằng, thời gian qua lãi suất cao, nguồn vốn bị siết, NH không cho vay nên nhiều DN đã cố tính chây ì không trả nợ khi đáo hạn hợp đồng. “DN thà chịu phạt lãi suất quá hạn để giữ lại vốn kinh doanh, còn hơn thanh lý hợp đồng mà không được vay lại” – ông nói.
Gia tăng nợ xấu từ “rủi ro đạo đức”
Theo công bố của NHNN, hiện dư nợ toàn nền kinh tế bằng khoảng 1,2 lần GDP năm 2010. Với GDP năm 2010 đạt hơn 104 tỉ USD (số liệu Tổng cục Thống kê), tổng dư nợ toàn nền kinh tế từ trước tới nay khoảng gần 125 tỉ USD. Theo một số liệu đáng tin cậy thì hết tháng 5, trong số 100 tổ chức tín dụng chỉ có 30 tổ chức đạt tỷ lệ nợ đủ tiêu chuẩn 100% trong đó có 20 NH ngoại, và 10 tổ chức phi tín dụng. Nợ cần chú ý và nợ xấu đang tập trung chủ yếu tại các NHTM trong nước.
Nợ xấu không chỉ phát sinh bởi DN làm ăn kém hiệu quả, từ yếu tố khách quan của nền kinh tế, mà nó còn nảy nở ngay chính từ nội bộ các NH. Một lãnh đạo của trung tâm nghiệp vụ NHNN cho biết chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, số lượng các vụ vi phạm về cho vay, lừa đảo, tham nhũng tại các NHTM gia tăng đáng kế. Theo vị này, lâu nay vấn đề rủi ro đạo đức trong kinh doanh NH luôn là nỗi ám ảnh đối với các nhà băng. Khi lãnh đạo không làm hết trách nhiệm, cán bộ tín dụng bị tha hóa vì đồng tiền cùng với hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát lỏng lẻo sẽ vô cùng nguy hiểm.
Anh Vũ / Thanh Nien
Bình luận (0)