Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi ám ảnh của cô bé bị “yêu râu xanh” hãm hại

Tạp Chí Giáo Dục

P. vẫn chưa vượt qua nỗi ám ảnh đã giày vò em... (Ảnh: Hồng Kỹ)Ngày P. bị tên đồi bại cướp đi đời con gái đã qua được hơn nửa tháng, nhưng nỗi ám ảnh vẫn bao trùm lấy em. Trên gương mặt đen đúa, sạm nắng của P. vẫn in hằn một vẻ sợ sệt mà em không biết đến lúc nào mới vượt qua.

Cơn ác mộng chưa qua

Mái ấm của P. là một con đò nhỏ nằm trơ trọi một mình trong một góc đầm Cầu Hai (Vinh Hiền – Phú Lộc – TT-Huế). Con đò đó là nơi ăn ở của gia đình, nơi sinh ra và trưởng thành của năm đứa trẻ trong đó P. là con gái đầu lòng, còn em nhỏ nhất chỉ mới 15 tháng tuổi. Chúng tôi đến đã giữa trưa, T. vẫn còn nằm co quắp trong một góc tối ở cuối đò.

Ngơ ngác, sợ sệt nhìn những người khách lạ, P. ngần ngừ bò ra chỗ khoang đò dùng làm phòng khách. Ánh sáng gắt của mặt trời chính Ngọ khiến P. cúi gằm mặt, một gương mặt đen sạm vì nắng gió. 12 tuổi, nhưng trông P. như một đứa trẻ lên 8, nhỏ bé, gầy quắt và khờ dại, kết quả của một tuổi thơ thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cái ngày tai họa ập đến với em P., gia đình em vừa nhận một nỗi đau khác: bà ngoại của P. vừa nằm xuống cách đó 2 ngày. Chị T. (mẹ em P.) ngân ngấn nước mắt: “Tôi đang ở đám mẹ tui, nghe nói con bị rứa tui choáng váng đầu óc rồi ngất xỉu luôn, sau đó người ta đến đưa con P. đi giám định, đi bằng ôtô”. Từ hôm đó, chị T. cũng lăn ra ốm đến mấy ngày liền mới đỡ.

 Mấy mẹ con chen chúc trên con đò nhỏ, nơi cả gia đình đã sống cả chục năm nay (Ảnh: Hồng Kỹ)

Phải rất khó khăn em P. mới nhớ lại những gì đã xảy ra, một phần vì em còn quá ngây thơ để hiểu được sự mất mát mà mình phải gánh chịu, một phần vì nỗi ám ảnh khiến em không dám nhắc lại. Mãi khi chúng tôi hứa sẽ không làm hại em và kẻ hại em đã bị bắt bỏ tù, không thể đe dọa em được nữa thì P. mới chịu kể.

Những lời nói ngây ngô của em bé 12 tuổi khiến người nghe phải quặn lòng. Em đã bị dọa dẫm, bị bóp cổ, bị cướp mất đi đời con gái một buổi trưa. May mà cô giáo kịp thời phát hiện, chứ nếu không chắc P. cũng chẳng biết mà tố cáo, và kẻ thú tính kia có thể vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Đã nửa tháng, nhưng P. vẫn chưa thể đi học lại. Suốt ngày em vẫn nằm li bì trong góc đò, đến bữa ăn có lúc còn bỏ cơm. Chị T. đau đớn: “Tại con tui sinh ra, lớn lên trên đò, không biết chi nên mới bị người ta hại, chứ nó mà khun (khôn) ngoan thì đỡ biết mấy”. Quả thật, em chỉ biết là mình được chở đi khám bằng ôtô 4 bánh, còn khám ở đâu, để làm gì thì em chẳng hề biết.

Đến bố em, anh T. dù đi theo con cũng không biết con đã khám ở đâu và kết luận của cơ quan chức năng như thế nào. Cũng chả trách, anh T. và chị T. đều không biết mặt chữ, suốt ngày quanh quẩn với mặt đầm Cầu Hai, đến số điện thoại nhà cũng chẳng nhớ nổi, thậm chí tên của anh bắt đầu bằng chữ T. hay chữ H. như trên một số giấy tờ ghi anh cũng không hay.

Quay quắt mưu sinh

Chị T. cúi mặt: từ ngày em P. bị hại đến giờ, nhìn con không ăn không ngủ anh chị xót xa lắm nhưng chẳng đào đâu ra tiền mà tẩm bổ cho con. Thậm chí, thời gian để chăm chút cho P. anh chị cũng chẳng có nhiều. Anh T. mải chài lưới đó đăng theo đuôi con cá để kiếm bát gạo, còn chị T. cũng loay hoay với thúng mẹt, với đứa con nhỏ suốt ngày lao nhao khóc đòi sữa.

P. là con đầu, nên xưa nay đã quen đỡ đần mẹ, nay P. nằm đó thì tất tật trăm công nghìn việc đều đổ đầu chị T. Thành thử, dù rất thương con nhưng anh chị T. cũng đành để con tự vượt qua, đứng dậy.

Chị T cho biết: Sau ngày em P. bị hại, gia đình thủ phạm có mang ít tiền sang bảo mua sữa cho cháu. Anh chị cũng cầm nhưng cứ để đó, chẳng dám dùng vào việc gì cả dù có trăm đầu việc đang chờ tiền.

Anh T. tâm sự: “Ngày trước dầu rẻ, gạo rẻ còn đỡ khổ, chứ nay cái gì cũng tăng giá, dân làm cá không sống nổi. Ngày trời cho thì được trăm ngàn, ngày ít thì dăm ba chục, chạy ăn cho 5 đứa con khổ lắm chú ơi”.

Quả thật, tài sản của anh chị T. ngoài mớ xoong chảo, cái chăn cái gối chỉ là một cái điện thoại bàn cũ kỹ dùng để liên lạc khi cần. “Tài sản” giá trị nhất, và cũng là nỗi lo lắng lớn nhất của anh chị là 5 đứa con nhỏ. Chị T. than: “Thương tụi nó, đành cho đi học. Tui mù chữ, tui thấm lắm cái thiệt của người không học hành, nên sống chết cũng phải cho tụi nhỏ học hy vọng đời chúng nó khá hơn”.

Tính là tính vậy, nhưng anh chị cũng mơ hồ lắm về tương lai của mấy đứa nhỏ. “4 đời nhà tui ở đò rồi, sau này đám nhỏ lớn lên chắc cũng đóng cho mỗi đứa một cái đò rồi lấy chồng lấy vợ. Quanh đây có nhiều đứa đi miền Nam làm ăn nhưng một thời gian lại thấy quay về cả” – anh T. đăm chiêu.

Có thể, đời của P., của các em P. rồi sẽ khá hơn. Có thể các em sẽ vào Nam học nghề, làm việc rồi thoát được kiếp lênh đênh của 4 đời ông cha. Nhưng cũng có thể lại có thêm những con đò nữa, những gia đình nữa với dăm bảy đứa trẻ trên một con đò chật, chồng đánh cá, vợ buôn thúng bán mẹt như anh T. chị T…

Hồng Kỹ (dantri.com.vn)

Bình luận (0)