Hội nhậpGiáo dục phát triển

Nơi ấy mùa xuân đã ùa về

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cô Dương Thị Hậu và hai con trai

Những nụ cười rạng rỡ ngập tràn hạnh phúc, những vòng tay siết chặt như không muốn rời bỏ, những giọt nước mắt mừng vui làm khoảng không gian như vỡ òa. Đó là sự đón nhận mà chúng tôi có được từ các thầy cô khi về thăm An Hiệp, Châu Thành tỉnh Bến Tre trong những ngày cuối năm. Không như 10 năm trước, những ngày chộn rộn sắp xuân như thế này thì cũng là quãng thời gian các thầy, cô ở đây hầu như chỉ có nước mắt, sự buồn tủi trong một không gian buồn hiu hắt…
Hành trình lấy lại công bằng
Con đường từ phà Rạch Miễu đến ngã tư Tân Thành rẽ về Sơn Đông rồi đến An Hiệp, Tường Đa, Thành Triệu, Tiên Thủy khá đẹp và yên bình. Con đường này, quãng 10 năm trước chúng tôi đã đi qua không biết bao nhiêu lần từ khi tiếp nhận lá đơn khiếu nại của một số giáo viên (GV) trong việc tinh giản biên chế. Cô Dương Thị Hậu, GV Trường Tiểu học An Hiệp nhớ lại: “Những ngày cận Tết, trong khi đồng nghiệp đang ở nhà chuẩn bị sắm sửa mọi thứ để đón Tết, cúng tổ tiên thì  chúng tôi được Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành mời lên. Chúng tôi lên không phải để được nghe những lời giải thích từ phía Phòng GD-ĐT mà chỉ nghe những lời “mắng mỏ” nặng nề. Đặc biệt ông N. cán bộ tuyên giáo xúc phạm thầy Nguyễn Xuân Phúc nặng nề. Chỉ vì chúng tôi dám viết đơn khiếu nại”! Trước thời điểm đó, Phòng GD-ĐT do ông N. làm Trưởng phòng xin nhận được làm đơn vị thí điểm thực hiện tinh giản biên chế. Sau đó ông chuyển công tác và ông Đ. tiếp tục công việc này. Phòng GD-ĐT chỉ đạo nhưng lại để cho hiệu trưởng các trường toàn quyền quyết định dẫn đến oan sai. Rất nhiều GV giỏi bị loại bỏ và có GV yếu thì được giữ lại chỉ vì không được lòng!? Cách làm tùy tiện dẫn đến 171 GV bị tinh giản đợt đó, riêng Trường Tiểu học An Hiệp có 10 GV. Tuy nhiên bên cạnh đó, có hai trường đã tìm giải pháp để không có GV nào bị tinh giản. Thầy Âu Hải Lạc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Triệu thời điểm đó và nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Thủy B cho biết: “Chúng tôi không đồng tình với cách làm đó. Nó chưa thuyết phục thậm chí còn thiếu tình người. Cho nên, chúng tôi chọn giải pháp giảm số lượng học sinh/lớp để tăng số lớp. Vì thế, trường chúng tôi không thừa GV nên không thể tinh giản”. Loạt  bài của Báo Giáo Dục TP.HCM phản ánh sự bất cập, sự phi lý và không công bằng  trong việc thực hiện tinh giản biên chế đã gây xôn xao dư luận. Bộ GD-ĐT và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã tìm hiểu, ghi nhận và chỉ đạo ngưng ngay việc tinh giản biên chế mà ngành GD-ĐT huyện Châu Thành đang thực hiện. Lúc bấy giờ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mỏ Cày tâm sự với chúng tôi: “Cũng may là tỉnh chỉ đạo ngưng thực hiện”.
Và mùa xuân đã trở lại

 

Em Trần Dương Đức Thanh Bình, kỹ sư đang làm việc tại một khu công nghiệp ở Bến Tre là con cô Dương Thị Hậu vui mừng bày tỏ: “Lúc đó, con đang học lớp 9 còn em con học lớp 3 (nay là sinh viên ngành y). Đêm nào ba mẹ con cũng đều ôm nhau khóc. Con đã tính nghỉ học để đi làm phụ mẹ nuôi em. Và ba mẹ con cũng tính lên Đắk Lắk để mẹ xin đi dạy. Mẹ con ốm yếu lắm, chỉ biết đi dạy thôi. Cũng may nhờ Báo Giáo Dục TP.HCM phản ánh, nói rõ sự việc và đã thay đổi cuộc đời gia đình con”. Thầy Dương Minh Vũ, người thuộc diện được Phòng GD-ĐT “cực kỳ quan tâm” và luôn có tên được mời nay đã là một đảng viên và đang làm Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Tiên Thủy B; thầy Nguyễn Xuân Phúc cũng đứng vào hàng ngũ của Đảng và đã tốt nghiệp CĐ hệ tiểu học; thầy Nguyễn Văn Mãn đã tốt nghiệp ĐH. Gặp lại chúng tôi, thầy Nguyễn Thiện Trúc – người GV đã nhiều lần trực tiếp tìm gặp hiệu trưởng và lãnh đạo Phòng GD-ĐT xin được tinh giản thay cho chị ruột mình là cô Nguyễn Thị Mành – xúc động nói: “Báo Giáo Dục TP.HCM đã cứu giúp những GV bị tinh giản oan ức. Hàng trăm con người đã nhận sự may mắn từ loạt bài phản ánh của báo. Chúng tôi luôn biết ơn về điều đó. Nếu không có những bài báo đó thì chị tôi đã không có những bài soạn được nhiều mạng chọn lọc đưa lên học tập và không biết hệ quả sẽ ra sao?”. Cô Nguyễn Ngọc Sương nằm trong danh sách 171 người bị tinh giản cũng bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó, tôi đang dạy ở Trường TH Tiên Thủy, gần 10 GV cũng đang chờ “giải nghệ”, trong đó có tôi. Trong khi đồng nghiệp đứng lớp thì mình ngồi chờ, buồn và suy sụp vô cùng. Có đôi khi tôi đã nghĩ đến chuyện tiêu cực nhưng nghĩ đến con chỉ mới 3 tuổi nên gắng gượng. Cũng may Báo Giáo Dục TP.HCM đã lên tiếng. Tôi và gia đình mãi mãi khắc ghi”. Còn cô Dương Thị Hậu nay tươi trẻ hơn, chúng tôi luôn bắt gặp nụ cười rạng rỡ trên môi không như ngày đó gầy gò và đôi mắt luôn thẫn thờ, cô nói: “10 năm nay, tôi và các con luôn nhắc đến Báo Giáo Dục trong những lần ngồi cùng nhau. Chúng tôi nhắc đến để luôn dành cho tờ báo sự trân trọng và lòng biết ơn. 10 năm gặp lại, tôi vô cùng xúc động khi người của báo về thăm lại chúng tôi. Các con tôi nay đã được học hành, có cháu đã học xong và đang đi làm. Tất cả mọi thứ mà gia đình tôi có được hiện nay không thể thiếu vắng công ơn và tấm lòng của báo”. Điều thú vị cho chuyến về lần này là chúng tôi tìm gặp và thăm cô Trần Thị Phùng Nhi, nguyên Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, người được một số GV gọi rằng: “Người của sự quyết tâm tinh giản GV”. Nay cô đã nghỉ hưu (nghỉ hưu trước tuổi), gặp chúng tôi cô sửng sốt. Cô đã mất đi sự quyết liệt trước đây mà thay vào đó là sự nhẹ nhàng. Cô bày tỏ vui mừng và bất ngờ. Còn thầy Âu Hải Lạc thì xúc động nói: “Việc các anh làm 10 năm trước đây quá tình người và lấy lại sự công bằng giúp hàng trăm gia đình GV. Việc các anh về lại thăm những GV ngày nào và đặc biệt là thăm cô Phùng Nhi, chúng tôi quá cảm kích và không biết phải dùng biết bao ngôn ngữ để bày tỏ”.

 

 
Chia tay với các thầy, cô trong nắng chiều cuối năm trải dài trên dải đất cù lao chín rồng, những chồi xanh mơn mởn ôm lấy những cánh hoa e ấp chớm hé nụ tiễn bước tôi trên suốt con đường trở về An Hiệp, Tiên Thủy… Tôi chợt nhận ra rằng xuân đang đến rất gần. Nhớ lại những gương mặt rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc và nở những nụ cười tươi như hoa mà 10 năm qua mới có dịp gặp lại, lòng tôi rộn lên một niềm vui khó tả. Vậy là mùa xuân đã đến với tôi thật rồi!
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)