Trong hoạn nạn bão lũ, không ít thầy cô giáo đã quên cả sự an toàn cho tính mạng, tài sản của mình vì học trò.
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (Quảng Nam) hong sách, tài liệu học tập cho học sinh -Ảnh: V.Hùng |
Sáng sớm ngày đầu lớp học hoạt động trở lại sau bão lũ, một phụ nữ dáng kham khổ rụt rè đứng trước cửa lớp xin gặp cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Kim Loan (lớp 9D Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Kontum, tỉnh Kontum). Bà cất tiếng chào rồi rụt rè nói: “Cô ơi! Tui lên xin cô cho con bé Thùy nhà tui nghỉ học. Lũ lụt cuốn hết mọi thứ của nó rồi, giờ tui không có khả năng mua sắm đồ nữa”. Nói đoạn người phụ nữ ấy lau vội giọt nước mắt lăn ra trên má. Đó là bà Văn Thị Kim Liên, mẹ của em Nguyễn Thị Lan Thùy (trú tại tổ 2, P.Thống Nhất, TP Kontum).
Nhường áo cho học trò
Nghe mẹ nói vậy, em Thùy van: “Con xin mẹ, ráng cho con học hết lớp 9 này thôi cũng được. Con sẽ chịu khổ được mọi điều, chỉ xin mẹ cho con được tiếp tục đi học…”. Lời cô học trò nhỏ nói với mẹ như nhát dao cắt vào da thịt cô giáo Loan. Cô đã hứa với phụ huynh bằng mọi giá phải để em Thùy tiếp tục học, khó khăn cô trò cùng nhau “gỡ khó” để vượt qua. Việc đầu tiên, cô Loan không ngần ngại đưa những bộ áo quần của mình cho em Thùy.
“Áo quần của cô mà học trò mặc vừa y. Khi nghe tin nhà em Thùy bị sập, tôi liền đến xem sự thể ra sao. Những gì cơn lũ tàn phá không thể cầm lòng được!” – cô Loan cho biết. Để em có những vật dụng cần thiết tiếp tục đến trường, cô Loan trích ngay 100.000 đồng từ đồng lương ít ỏi của mình trao cho Thùy. Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo Phạm Văn Cánh chứng kiến sự việc từ đầu tâm sự: “Lúc các em khó khăn nhất cô đã luôn đứng cạnh bên dìu các em vượt qua khốn khó”.
Vận động từng học sinh
Chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ của em Y Lắc ở làng Kon H’ra Chót, chứng kiến cơn lũ đã cướp tất cả quần áo, sách vở. “Thấy heo gà sặc nước, thương chúng quá, cứ tìm cách cứu chúng khỏi bị nước cuốn trôi, đến khi nhà bị ngập sâu mới nhớ quên mang theo sách vở, áo quần. Chạy đi nhờ người lớn ra lấy đồ nhưng không còn gì, mất hết sạch rồi chú ơi!” – Y Lắc luyến tiếc.
Cũng như Y Lắc, mấy ngày nay hơn 100 học sinh bị lũ cuốn trôi hết đồ đạc đã trở lại trường nhưng nhiều em quyết định nghỉ học vì không còn áo quần, đồng phục, sách vở… Trước tình cảnh này, các thầy cô giáo phải đến tận nhà các em động viên rồi mang quần áo, sách vở trao cho các em để tạm thời có đồ để thay.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc, Trường tiểu học Lê Lợi (TP Kontum), cho biết: “Nhiều học sinh khi đến trường đã bật khóc nức nở. Nhìn đám học trò yêu trong cảnh tan tác, trắng tay mà không thầy cô nào cầm được nước mắt”. Ngay trong ngày đầu đi học sau bão lũ, mỗi thầy cô trong trường không ai nói ai tự nguyện đóng góp năm ba chục ngàn để trước mắt lo sách vở, áo quần cho các em. Nhưng “cố gắng lắm nay cũng mới chỉ có được hai cuốn sách và bốn cuốn vở” – cô Ngọc nói.
Bỏ nhà, cứu lớp học
Sáng 7-10, buổi học đầu tiên sau bão lũ của 60 học sinh Trường mẫu giáo bán công Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) ngập ngụa trong bùn đất. Dãy bàn ghế các em ngồi được đặt ở ngay sân trường, trên mái nhà gần chục người đang giúp lợp lại những mái tôn bị tốc vì bão. Các em là những học sinh may mắn nhất vì trường tốc mái, nước lũ ngập cả mét nhưng vẫn còn nguyên sách vở.
Ngay trong cơn bão dữ vừa ập đến, vợ chồng cô giáo Võ Thị Sương đã bỏ nhà mình chạy đến trường dọn sách vở học trò đến nhà hàng xóm để gửi. Lo xong việc trường, căn nhà của vợ chồng cô Sương đã tan tành theo gió bão. Cô Sương ngậm ngùi kể lại: “Khoảng 14g ngày 29-9, khi gió bão quật mạnh, nhớ lại toàn bộ sách vở, áo quần của các cháu còn ở trường, tôi và chồng chạy đến mở cửa và mang toàn bộ qua nhà hàng xóm.
Sau hai giờ quần quật với mưa gió, khi về thì căn nhà đã tan hoang”. Cạnh đó, cơ sở 2 của trường này tan tành vì gió bão. Cô Phạm Thị Mai – hiệu trưởng nhà trường – đang giặt lại những chiếc chiếu cũ lấm lem bùn đất cho các em nhỏ ngủ trưa. Cô Mai cho biết nhiều ngày nay các em ăn, ngủ cùng một chỗ, các cô trong trường phải che lều để nấu cơm cho các em.
T.THẢO NHI – TẤN VŨ (TTO)
Quảng Ngãi: 7.000 học sinh chưa thể đến trường
Ông Thái Văn Đồng, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho biết đến chiều 7-10, khoảng 7.000 học sinh của 14 trường tiểu học, THCS ở các xã: Bình Minh, Bình Hải, Bình Chương, Bình Mỹ, Bình Thới, Bình Phước, Bình Châu… và xã Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà vẫn chưa thể đến trường trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều phòng học tại các trường này bị tốc mái, tường sập và trường học vùi sâu trong bùn đất.
MINH THU
Thừa Thiên – Huế: khó khăn chồng chất
Chúng tôi đến hai thôn Thuận Hòa A và Thuận Hòa B – nơi cuối xã và cũng là nơi tập trung phần lớn dân nghèo của xã Hương Phong. Những con đường liên thôn, liên xã rách bươm, rất nhiều đoạn bùn còn ngập quá mắt cá chân. “Hôm ni nhờ xe ủi về ủi bùn nên em mới được đến trường chứ mấy ngày trước không ra được khỏi nhà” – em Đặng Thị Trinh, HS lớp 5A Trường tiểu học Thuận Hòa, nói.
Nhìn những học trò của mình ngồi học mà chân lấm đầy bùn, thầy Ngô Cước, hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Hòa, chạnh lòng: “Trường có 268 học sinh thì gần như nhà em nào cũng ngập nặng. Sách vở chỉ còn vài ba cuốn. Ngay cả hơn 20 giáo viên, cán bộ chúng tôi cũng đang gặp nan giải vì 2/3 trong số họ có nhà ở vùng ngập lụt. Nhiều tập giáo án bị ướt phải bỏ”.
ĐÌNH TOÀN
Quảng Nam: học sinh vắng nhiều
Ngày 7-10, trở lại vùng rốn lũ Đại Lộc (Quảng Nam), khắp các con đường vẫn tả tơi cây cối và ngập bùn non, lầy lội. Đường vào trường và sân Trường tiểu học Nguyễn Đức Thiệu bùn lũ đóng từng lớp, có nơi 0,3-0,4m khiến học sinh rất vất vả đến trường. Tại Trường tiểu học Trần Tống, bùn đóng từng lớp cao, nhão nhoẹt hai bên đường vào trường. Sân trường cũng một màu xám bùn.
Cô giáo Hương cho biết hàng nghìn cuốn sách thư viện để phục vụ việc dạy học của thầy cô, sách vở, đồ dùng học tập của học sinh dù được chất lên cao hơn 2m nhưng vẫn bị nước lũ ngập tràn. Học sinh cũng vắng nhiều do các em phần bị mất sách vở không đến trường, phần thì các em đang rối bởi gia đình bị thiệt hại quá nặng nề.
V.HÙNG
|
Bình luận (0)