Tòa soạnThư đi – tin lại

Nỗi bất hạnh của một cô giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Quý đang chăm sóc chồng bên giường bệnh

Cô vừa mổ tim xong, đang oằn mình gánh chịu cơn đau của căn bệnh sỏi túi mật thì chồng cô lại bị bỏng nặng phải mổ ghép da. Không những thế, đứa con trai duy nhất cũng mắc bệnh tim – căn bệnh nhà giàu như nhiều người thường nói. Ngày nối ngày, gia đình cô Nguyễn Thị Thanh Quý, giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q. Tân Bình, TP.HCM) phải chống chọi với muôn vàn nỗi đau.
Chồng chất nỗi đau
Dưới cái nắng oi nồng một trưa tháng 8, đoạn đường từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Q. Tân Bình như dài thêm. Với tấm thân gầy guộc, hốc hác, vợ chồng cô Nguyễn Thị Thanh Quý dìu nhau xuống khỏi chiếc taxi, bước những bước chân xiêu vẹo vào nhà. Căn phòng trọ 8m2 (số 128, Chế Lan Viên, Q. Tân Phú) của hai vợ chồng vốn đã chật chội nay càng ngột ngạt hơn bởi phải kê thêm chiếc giường cho người bệnh. Cậu con trai phải sang phòng bên cạnh ngủ nhờ. Dìu chồng vào giường nằm, cô bắt đầu kể với tôi về những bất hạnh của gia đình và bản thân mình trong những năm tháng qua. Tốt nghiệp THPT, cô ước mơ được vào học trường y để sau này có điều kiện chữa bệnh tâm thần cho đứa em gái. Thế nhưng, cuộc đời không như mong muốn, thi đại học rớt, cô làm công nhân may kiếm tiền phụ mẹ lo cho gia đình. Đối mặt với khó khăn, cô gái trẻ quyết tâm “bám” lấy cái chữ để tìm được công việc ổn định trong tương lai. Sau những nỗ lực không ngừng, cuối cùng Nguyễn Thị Thanh Quý đã tốt nghiệp Nhạc viện TP (hệ cao đẳng) với tấm bằng loại ưu. Ra trường, cô hăm hở về quê công tác và tiếp tục thay mẹ chăm sóc em gái. Chuỗi ngày hạnh phúc ngắn ngủi chóng qua khi mẹ cô phải lìa xa cõi đời bởi căn bệnh ung thư quái ác, cô em gái cũng bỏ nhà đi biệt tích. Khi nỗi đau nguôi ngoai, cô lập gia đình và chuyển về TP.HCM công tác tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên. Hàng ngày cô giáo trẻ vẫn đạp xe từ phòng trọ đến lớp với những tiết học âm nhạc thú vị của mình. Dạy được 2 năm, cô phát hiện trong người thường bị mệt, phải nghỉ giữa giờ lên phòng y tế ngồi nghỉ. Đi khám bác sĩ, cô nhận được hung tin: Hẹp hở tim 2 lá – phải mổ gấp không là dẫn đến tử vong. “Lúc ấy tôi không biết phải bám víu vào đâu, vì tiền chi phí cho ca mổ đã 50 triệu đồng, chưa tính tiền thuốc khoảng 20 triệu đồng. Cũng may được một thầy giáo gọi cho bạn bè ở báo, đồng thời có sự ủng hộ quyên góp của đồng nghiệp và học sinh, tôi cũng đủ tiền để mổ”, cô Quý nhớ lại. Thế nhưng, lúc ấy cô không đủ can đảm bước lên bàn mổ bởi “nếu chẳng may mình không qua khỏi thì ai sẽ nuôi con”? Nhưng được sự động viên của đồng nghiệp và nhất là thầy Hiệu trưởng Hồ Xuân Vinh (nay đã chuyển trường), cuối cùng, cô quyết định tiến hành phẫu thuật. Mổ xong, cô phải ở nhà một năm để dưỡng bệnh.
Những tưởng “giông tố cuộc đời” từ nay sẽ thôi gào thét, nào ngờ hết “cơn giông” này lại đến “cơn bão” khác đổ xuống gia đình cô. Một buổi trưa sau giờ dạy, chuẩn bị về nhà, cô choáng váng khi nghe hung tin: anh Nguyễn Thế Phong, chồng cô đi làm bị bỏng do kho hóa chất nổ.
Niềm vui mong manh
Đưa cho tôi xem hồ sơ bệnh án điều trị của các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cô Quý nghẹn ngào trong nước mắt: “Tôi vừa “tai qua nạn khỏi”, chưa kịp gượng dậy được, bây giờ lại anh ấy, con cái cũng ốm đau liên miên, không biết gia đình chúng tôi có vượt qua được không”. Theo bệnh án của bệnh viện, anh Nguyễn Thế Phong phải mổ để ghép da vì bị bỏng cấp độ 3. Và khi mổ xong, cách ngày phải lên bệnh viện để thay băng đến 7 tháng sau mới lành. Việc anh có thể lao động nữa hay không còn phải chờ thời gian. Nhà nghèo, nay lại gặp “hạn” khiến cô Quý phải chạy vạy khắp nơi. Tới đường cùng, cô nhắm mắt làm liều khi nhờ mấy anh xe ôm đầu đường đi vay “nóng” để có tiền chi phí tiền thuốc cho chồng. Bây giờ, động lực duy nhất có thể giúp cô Quý vượt qua khó khăn là cậu con trai hiếu thảo học giỏi – em Nguyễn Ngọc Vân. Hiểu được nỗi khổ của ba mẹ, Vân luôn cố gắng học tập. Và kết quả, em đã thi đậu cùng lúc 2 trường ĐH và 1 trường CĐ. Hiện em đang là sinh viên giỏi của Trường ĐH FPT. Nhưng niềm vui ấy của cô Quý rất mong manh khi đứa con duy nhất này cũng đang mang trong mình căn bệnh “hở tim hai lá”. Trong căn phòng trọ bé xíu này, cả gia đình cô đang hàng ngày cầm cự, chống chọi với khó khăn bệnh tật bằng một niềm tin tươi sáng ở ngày mai. Chia tay cô khi ánh hoàng hôn ngập phố, câu nói “cuộc sống như thân cỏ hèn mọc đầy núi non” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được cô ví cứ mãi ám ảnh chúng tôi. Cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình người giáo viên gặp quá nhiều bất hạnh này.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Cô chỉ mong mình có đủ sức khỏe và nghị lực để có thể tiếp tục đứng lớp và chăm sóc tổ ấm nhỏ bé của mình.

 

Bình luận (0)