Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nói bậy, chửi thề – căn bệnh lây lan trong học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Văng tục, chửi bậy bây giờ gần như là câu cửa miệng của không ít học sinh, sinh viên. Đáng báo động hơn, họ coi đó như một điều… đương nhiên, không có gì đáng xấu hổ hay phải suy nghĩ.

Nói dối là bình thường (!)

Khảo sát điều tra về hành vi lệch chuẩn ở 532 học sinh của một số trường THCS của Hà Nội gần đây cho thấy, có đến 82,3% học sinh nói dối.
Những hành vi lệch chuẩn của học sinh đang ngày một gia tăng
Lý do nói dối của học sinh theo khảo sát, 53% do sợ cha mẹ, trên 50% học sinh biện minh cho hành vi nói dối của mình là hoàn cảnh bắt buộc, không còn cách nào khác. Chỉ có 4,8% nhận mình có lỗi khi nói dối. Khi được hỏi, đa số các em cho rằng nói dối là để đối phó với các hình phạt của bố mẹ.
Đ.H.H, học sinh Trường THCS Đoàn Kết cho biết: "Nếu cháu nói thật, nhẹ thì phải nghe mẹ mắng đến cả tiếng đồng hồ, nặng thì phải chịu vài cái bạt tai của bố. Trong khi nói dối thì chẳng bị làm sao cả. Chẳng hạn, tan học cháu mải ăn quà với bạn, về muộn hơn bình thường gần một tiếng. Lúc đó mà nói thật thì thế nào cũng bị mắng hoặc đánh, nhưng nói vì tắc đường, hỏng xe thì bố mẹ cháu chả hỏi thêm gì”.
Đ.H.H cho biết, lần đầu tiên nói dối thấy rất run, rất sợ và ân hận. Nhưng sau đó, thấy những lời nói dối đó được mẹ chấp nhận và bỏ qua dễ dàng thì cảm giác lo sợ và áy náy giảm dần. Đến giờ, em cảm thấy nói dối bố mẹ là chuyện… bình thường. “Bạn em đứa nào chả thế, chuyện bình thường thôi mà” – H. bình thản nói.
Không chỉ có nói dối, các hành vi lệch chuẩn khác như nói tục, văng bậy, chửi thề, hành xử kiểu côn đồ… đang là thực trạng đáng báo động trong giới học sinh, sinh viên hiện nay.
Dừng chân trước một cổng trường THCS, THPT trong giờ tan học, không hiếm những câu nói được xả ra thoải mái như: “Đ.m mày chứ, làm cái gì mà để tao chờ dài cổ thế?” hay “Mẹ nó chứ, học 5 tiết mệt vãi lúa”…
Tại các quán nước vỉa hè, hàng net thì tần suất những câu văng tục, chửi thề xuất hiện còn dày đặc và cấp độ “nặng”hơn.
Khi được hỏi vì sao nhiều teen văng tục, chửi bậy mà không thấy ngượng, B.D học sinh một trường THPT quận Hai Bà Trưng cho biết: “Đi với bạn bè, nó văng bừa bãi mà mình im re thì nó bảo mình đần. Mình cũng phải góp vui cho câu chuyện sinh động hơn chứ. Ban đầu nói cũng thấy ngượng lắm, nhưng “văng” nhiều lần thành quen miệng, giờ không bỏ được”.
Đổ hết trách nhiệm cho nhà trường?
“Rác” ngôn ngữ  không chỉ có trong lời nói của học sinh hạnh kiểm kém, học dốt, mà ngay cả học sinh trường chuyên, lớp chọn cũng nói bậy. Đó dường như là một căn bệnh, một trào lưu lây lan nhanh trong học sinh, và có vẻ như học sinh hiện nay coi đó là chuyện… bình thường, không đáng phải quan tâm.
Đây là điều thật sự đáng lo ngại và đáng báo động trong học sinh, sinh viên hiện nay. Từ văng tục, chửi thề rất dễ dẫn đến những xô xát, ẩu đả, bạo lực trong và ngoài trường học.
TS Lưu Song Hà, Viện Tâm lý học cho biết, theo khảo sát số học sinh có hành vi lệch chuẩn đang tăng lên cả về số lượng và mức độ, trong đó có nhiều hành vi đáng báo động như quấy rối, làm mất trật tự trường lớp, nói dối, văng tục, không làm bài tập…
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo nhiều chuyên gia tâm lý là xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ, gia đình và người thân, phó mặc toàn bộ con cái cho nhà trường. Cha mẹ có quá nhiều áp lực công việc, quá bận rộn không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái như trước đây. Cũng bởi thế, con cái có nhiều thời gian tự do hơn, tự do tiếp nhận thông tin và tự do làm theo ý mình hơn mà không có người hướng dẫn, định hướng.
Cũng phải nhìn nhận một thực tế là các nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức mà chưa chú trọng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh. Chính vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, cần mở rộng mô hình phòng tư vấn học học đường trong trường học để giúp người lớn có thêm kiến thức để ứng xử đúng đắn cũng như kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn của học sinh.
Nguyên Minh
Theo Lao Động

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)