Nhân sự kiện một vài cầu thủ VN bày tỏ tấm lòng nguội lạnh với đội tuyển quốc gia đang tập trung tại Pleiku, một cựu cán bộ ngành thể thao đã gửi cho chúng tôi xem bài viết mang tựa đề “Hợp đồng” với xã hội, đăng trên tạp chí Sport Business (Anh). Từ bài viết này, có nhiều chuyện lý thú khi nhìn lại cầu thủ VN…
1. Bài “Hợp đồng” với xã hội đại ý như sau: hầu hết ngôi sao hiện nay trên thế giới đều là những người giàu có, được xã hội tôn vinh. Và hầu hết đều ý thức được những gì họ có được hôm nay không chỉ do tài năng thiên phú cùng sự khổ luyện bản thân, mà xã hội đã góp một phần rất lớn vào sự thành công ấy. Đơn giản nhất, anh có tài, anh chịu khó khổ luyện, nhưng nếu ở trên một hoang đảo thì làm sao anh có được những hợp đồng hàng triệu đôla…? Thậm chí trước khi trở thành ngôi sao, ít nhiều anh cũng nhận những sự đầu tư từ chính phủ, hay nói chính xác hơn từ tiền thuế của người dân.
Vì thế hiện nay rất nhiều ngôi sao thể thao đã ý thức được điều đó và mỗi người đều có “hoạch định trách nhiệm cá nhân với cộng đồng”. Bài viết đã dẫn ra một số trường hợp như Zheng Jie (Trung Quốc), tay vợt nữ đã vào đến bán kết Giải quần vợt Wimbledon, đã dùng toàn bộ số tiền thưởng mà cô nhận được để tặng các nạn nhân động đất ở Tứ Xuyên. Zheng Jie nói phần thưởng này có một phần đóng góp của người dân Trung Quốc. Tương tự, các tay vợt Federer, Nadal, Roddick… đều lập quỹ để giúp đỡ người nghèo của nước mình hoặc các nước châu Phi. Ở môn xe đạp, mới đây là chuyện Lance Armstrong quay lại đường đua để lập quỹ giúp bệnh nhân ung thư. Ở môn bóng đá, chúng ta thường xuyên thấy Zidane, Henry… đi đến các nước nghèo làm từ thiện. Hay một loạt tuyển thủ Hà Lan góp tiền đi xây những căn nhà cho trẻ mồ côi ở Nepal…
Rõ ràng rất nhiều ngôi sao thể thao thế giới đã “ký hợp đồng” với xã hội, thể hiện trách nhiệm cá nhân với cộng đồng.
2. Có một điều chắc chắn, so với các ngôi sao của thể thao phương Tây, các cầu thủ VN nhận nhiều nhất từ những đồng tiền thuế của hàng chục triệu người dân. Bởi tất cả đều được đào tạo từ các trung tâm đào tạo năng khiếu của Nhà nước, đều được nhận thù lao, được sử dụng cơ sở vật chất cho việc tập luyện từ ngân sách…
Lẽ ra với cái được nhận lớn như thế, hơn ai hết các cầu thủ VN phải ý thức trách nhiệm của họ với cộng đồng. Với việc tham gia thi đấu cho đội tuyển, họ không thể so bì thấp hơn thu nhập ở CLB để tự cho mình cái quyền “chán chường”, bởi nói một cách nôm na nhưng chính xác đó là “trả nợ” xã hội.
Ngoài ra, ý thức về cộng đồng của các cầu thủ VN cũng cực kỳ kém. Chưa bao giờ chúng ta thấy những ngôi sao bóng đá đang có thu nhập cả trăm triệu đồng một tháng tự giác làm nghĩa cử đẹp đóng góp chia sẻ với đồng bào bị bão lũ, hỏa hoạn. Lác đác đôi khi cũng thấy báo chí đưa tin, chụp ảnh đội này đội nọ góp tiền khắc phục hậu quả bão lụt. Nhưng thực chất mà chúng tôi nắm được, đó là do gợi ý của lãnh đạo!
Tuy nhiên, nghĩ cho đến tận cùng, cái lỗi quay lưng với cộng đồng, thiếu trách nhiệm với xã hội của đa số cầu thủ VN là do họ không được trang bị tốt những kiến thức cơ bản cần phải có. Tiếp xúc với nhiều cầu thủ VN, chúng tôi đúc kết thành hai dạng: Một là những chàng trai củ mỉ cù mì, nói chuyện thăm hỏi nhau ba câu là hết biết nói gì! Hai là nói huyên thuyên về áo quần, giày dép hàng hiệu, xe cộ, điện thoại di động và… hết.
Vì vậy, họ vừa đáng giận vừa đáng thương, khi ngoài chuyện đá bóng, xã hội với muôn màu sắc này với họ là một cái gì đó hết sức xa lạ.
Xóa được nỗi buồn này, đó là vấn đề rất lớn của thể thao VN.
HUY THỌ (theo tuoitre)
Bình luận (0)