Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nỗi buồn sau ngày “tốt nghiệp” tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy HS KTTT, GV phải như người mẹ, người bạn của các em
Để trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT) biết thông thạo cái chữ và phép tính ở bậc tiểu học, thay vì học 5 năm, các em phải trải qua 7 năm mới hoàn thành. Thế nhưng, sau ngày hoàn thành chương trình tiểu học, khác với các đối tượng khác, trẻ KTTT không có trường lớp để tiếp tục học lên cao.
Trở về nhà, các em chịu thiệt thòi trong việc học hành, nguy cơ rủi ro luôn tiềm ẩn đối với các em.
Gian nan học cái chữ
“Giáo viên (GV) dạy bậc tiểu học, đặc biệt là dạy trẻ KTTT, ngoài cái tâm của người thầy còn phải có một tấm lòng thật sự yêu thương, coi các em như chính đứa con của mình sinh ra mới mong các em chăm ngoan, tiến bộ”, cô Lê Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ KTTT Trường chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng, nói.
Với thâm niên 18 năm trong nghề, cô Tuyết đã lặng lẽ dạy bài học kỹ năng sống cho hàng chục thế hệ học sinh (HS) kém may để khi ra đời, các em tránh được phần nào hiểm nguy của cái xấu rình rập. Tuy nhiên, để làm được điều đó không phải là chuyện dễ. Nếu như HS tiểu học bình thường có thể tiếp thu một bài học chỉ cần qua 2 tiết học thì ở trẻ KTTT phải mất 5, thậm chí nhiều hơn số tiết đó. “Đối với các bài học chuyển từ phép cộng sang phép nhân, GV phải dừng lại củng cố kiến thức rất nhiều, bởi vì các em không thể hình dung, tư duy được. Tất cả HS chỉ ghi nhớ theo thói quen chứ rất hiếm em tư duy logic được bài học”, cô Tuyết cho biết.
Đó là chưa kể, HS KTTT chỉ tiếp thu được một lượng kiến thức nhất định. Do đó GV phải luôn củng cố kiến thức và chấp nhận dừng lại khi các em không có khả năng tiếp thu. “Ví dụ với phép toán 2 x 3, GV phải dùng nhiều phương pháp, trò chơi như chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm lấy 2 quả bóng, sau đó GV sẽ hỏi xem tổng tất cả bao nhiêu quả bóng. Một bài toán như vậy phải làm đi làm lại nhiều lần”, cô Tuyết cho biết thêm.
GV đứng lớp 5 đã vất vả như thế, GV đảm nhiệm công tác dạy lớp 1 còn gian nan gấp nhiều lần. Cô Huỳnh Thị Thanh Thúy, chủ nhiệm lớp 1B, cho biết để tạo cho HS thói quen nhớ lâu cực kì gian khổ. Bởi các em hầu như không có tư duy logic mà chỉ có tư duy trực quan nên một bài học GV phải nhắc đi nhắc lại liên tục từng giờ, từng phút. Có nhiều em không nhớ nổi mặt chữ cái, có khi không nhớ làm thế nào để viết tên mình. Cách duy nhất để cho các em nhớ được là sử dụng lồng ghép nhiều phương pháp giảng dạy như dạy, ôn tập, tổ chức trò chơi… GV phải dừng lại để củng cố kiến thức cũ khi nhận thấy các em không thể tiếp thu kiến thức mới.
Trong khi đó thầy Nguyễn Duy Tuyên, Phó hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng, cho biết để hoàn thành chương trình tiểu học, HS KTTT phải trải qua 7 năm học, trong đó có 3 năm lớp 1 gồm 1A, 1B, 1C. Tuy nhiên trên thực tế, dù mất đến 7 năm nhưng kiến thức văn hóa của các em chỉ ngang với mức độ lớp 2, lớp 3. Cái các em học được chủ yếu tập trung về kỹ năng sống để các em thuận tiện hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng, biết cách ứng xử trong các tình huống, tránh được những hiểm nguy trong cuộc sống thường ngày. 
Về đâu sau ngày “tốt nghiệp” tiểu học?
Trẻ KTTT đến trường đa dạng về độ tuổi. Bởi vậy, quy định sau khi HS đủ 16 tuổi thì phải rời trường tiểu học để nhường chỗ cho các em nhỏ tuổi hơn. Ở độ tuổi 16, nhiều em có khả năng tư duy thành thạo về kỹ năng sống thì được phụ huynh đưa vào các cơ sở học nghề. Thế nhưng không phải em nào cũng được học nối tiếp như thế. Phần lớn HS rời trường tiểu học, không có bậc THCS, THPT để học tiếp nên các em quay về nhà. Từ đó các kỹ năng đã được học ở trường không được tiếp tục rèn luyện sẽ dần mất đi. Vài năm gần đây, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con đến trường học sớm hơn, vì vậy sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, độ tuổi của các em vẫn còn rất nhỏ.
Cũng vì không có lớp học tiếp nối nên nhiều phụ huynh làm đơn xin cho con… ở lại tiểu học. Phương án cực-chẳng-đã này không dễ giải quyết khi mà quy mô cơ sở vật chất, nguồn lực con người của nhà trường có hạn…
Việc học hòa nhập đối với trẻ KTTT cũng rất khó khăn. Thầy Tuyên bấm đốt ngón tay nhẩm tính nói: Từ trước tới nay Trường chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng mới chỉ có một HS KTTT học hòa nhập THCS. Thầy trăn trở: “Nếu để các em về nhà sau khi hoàn thành chương trình tiểu học sẽ rất tội cho các em. Ở nhà tiềm ẩn rủi ro lớn, nhất là với trẻ em gái. Nếu không được phụ huynh quan tâm, chăm sóc thường xuyên thì các em dễ bị lợi dụng”.
Có thể nói bài toán “nối dài” đường đi học cho HS KTTT là vấn đề không dễ giải quyết. Khi mà muốn lên bậc THCS thì phải cần đến nguồn lực GV, khung chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng… Hiện tại chưa có một ngôi trường nào như thế đáp ứng nhu cầu cho các em. Nếu trường chuyên biệt muốn mở lớp nghề thì vấn đề biên chế tuyển dụng GV dạy nghề vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Vất vả dạy kỹ năng sống
Cô Lê Thị Tuyết chia sẻ rằng các GV rất vất vả trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ KTTT. Bởi trẻ KTTT có nhiều em hay muốn khẳng định vị trí “độc tôn” nên thường xuyên bắt nạt các bạn và bắt các bạn phải phục tùng ý muốn của mình. Để uốn nắn được hành vi này, các GV rất vất vả tìm phương pháp giúp các em nhận ra cái sai, tâm phục khẩu phục và nhất là để lần sau không tái phạm. 
 
 

Bình luận (0)