Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi buồn “tẩy chay”

Tạp Chí Giáo Dục

Đừng đẩy bạn mình vào cô đơn vì sự thiếu khoan dung... (Ảnh minh họa)Đã là học sinh, chắc rằng ai trong chúng ta cũng một lần chứng kiến cảnh “tẩy chay” trong lớp học. Dù đó là hành động bốc đồng hay có sự tính toán trước thì “dư chấn” để lại luôn là những nỗi buồn khó xóa nhòa.

Không tha thứ

L.Hương (16t, N.T.H) nhớ lại: “Năm mình học lớp 9, có một sự việc làm lớp mình xào xáo lên. Đó là tin thủ quỹ lớp mình bị mất 500 ngàn tiền quỹ lớp. Lúc đó cả lớp mình ai cũng bàng hoàng vì trong lớp chưa từng xảy ra chuyện này. Vả lại lớp cũng nhiều đứa khá giả, 500 ngàn thì có là bao với tụi nó.” Chuyện xảy ra vào giờ nghỉ trưa nên không ai nhìn thấy thủ phạm. Số tiền tuy không lớn nhưng L.Hương và cả lớp đều rất tức giận vì không tin trong lớp lại có người ăn cắp, trong khi mọi người đã học chung với nhau 4 năm trời.

Một cuộc “điều tra” được mở ra, và đối tượng được khoanh vùng chỉ có M.T- 1 bạn có gia cảnh khó khăn, thường ngủ lại lớp buổi trưa do nhà xa. Một cuộc họp khẩn diễn ra mà không có mặt “nghi phạm”, theo đó cả lớp nhất trí sẽ âm thầm theo dõi xem M.T có biểu hiện khả nghi nào không, như việc mua sắm đồ mới chẳng hạn.

Nhưng mãi đến tháng sau cũng không có gì khác lạ, mọi người ngán ngẩm đành dẹp chuyện này sang một bên và coi như xui xẻo. Thế nhưng mọi chuyện lại một lần nữa bị khơi dậy. L.Hương kể: “Sáng hôm đó lớp mình tập thể dục, đến giờ giải lao thì M.T xin đi uống nước. Thấy vậy, mình và một bạn khác lẻn theo thì thấy M.T đi vào lớp, M.T rút xấp tiền trong cặp để vào ngăn bàn của nhỏ thủ quỹ. Nhân chứng vật chứng đầy đủ, mình liền gọi cả lớp đến thông báo.”

Khỏi phải nói M.T khổ sở đến nhường nào khi trở thành cái gai trong mắt bạn bè. Mặc dù mọi người không mách cô chủ nhiệm nhưng kể từ lần đó, M.T vĩnh viễn bị tẩy chay trong lớp. Giờ học không ai thảo luận với M.T, giờ chơi không ai nói chuyện với bạn, nhiều bạn còn nói thầm sau lưng: “Con nhỏ này đúng là không biết xấu hổ, nghèo cho sạch rách cho thơm, đằng này…” . Không ai cho M.T cơ hội giải thích cũng như sửa sai vì nghĩ rằng sớm muộn gì rồi cô bạn cũng “ngựa quen đường cũ” mà thôi…

Những nạn nhân tội nghiệp

Trong một tập thể, không thể nào có chung một cá tính được, có bạn thế này có bạn thế khác, nhưng nhiều bạn đã không chịu hiểu cho người khác và quy cho họ là “chống đối tập thể”. Câu chuyện của N.C (16t, H.H.T) là như thế.

Bước vào cấp 3, lại là một trường có tiếng vừa giỏi vừa chịu chơi nên N.C đã cố gắng hết sức để hòa đồng với các bạn. Nhưng vốn bản tính nhút nhát cộng thêm gương mặt hơi lạnh lùng, N.C khó gây được cảm tình với mọi người. Do đó N.C nhanh chóng bị quy cho cái mũ “khó ưa”, “kiêu căng”, “ra vẻ ta đây”…của một số bạn thích chơi trội trong lớp. Dần dà cả lớp cũng quay sang “chiến tranh lạnh” với N.C “cho nó biết mặt”. Có chuyện gì xảy ra trong lớp thì N.C cũng là người biết cuối cùng, thậm chí đề kiểm tra GDCD cả lớp đều biết (do lớp kế bên “bắn” sang) thì N.C cũng phải hì hụi học cho bằng hết trong tập vì biết khi làm bài là phải tự lực cánh sinh thôi.

Còn với nhóm bạn của V (18t, L.Q.Đ), do không đồng tình với cách hành xử cũng như thói trịch thượng của nhóm “Ban cán sự” nên đã viết những ý kiến của mình lên blog rồi xóa đi sau vài giờ. Không ngờ những lời lẽ đó bị rò rỉ ra, và chiến tranh bùng nổ giữa 2 nhóm. Nhóm “Ban cán sự” dùng đủ mọi cách để chèn ép nhóm của V, kích động mọi người trong lớp xa lánh nhóm này, không cho tham gia hoạt động của lớp để “dằn mặt” và cũng cố sức mạnh của nhóm mình.

Và những dư chấn buồn

Khi một con người không được tập thể chấp nhận, họ có thể lâm vào tình trạng ức chế nặng nề và dễ nảy sinh suy nghĩ bốc đồng.

“M.T sau mấy tháng liền bị xa lánh, trong giờ sinh hoạt lớp đã đứng lên xin lỗi mọi người trong tiếng khóc nấc. Bạn quyết định xin nghỉ học ở trường và chuyển sang trường khác để mọi người thấy dễ chịu hơn.” Nhìn thấy những giọt nước mắt ân hận của M.T, ai cũng chùng lòng, lớp L.Hương bèn hẹn nhau đến thăm nhà M.T một lần. Suốt trong 4 năm, M.T chưa có người bạn thân nào vì bạn rất ít nói. Đến khi tới nhà M.T và chuyện trò cùng mẹ bạn rồi thì mọi người mới vỡ lẽ, thì ra mấy tháng trước em M.T bị tai nạn giao thông gãy chân, bạn phải vất vả rửa chén cho quán ăn để nuôi em trong bệnh viện. Có lẽ số tiền M.T lấy của thủ quỹ là để trang trải cho việc nuôi em, và bạn đã làm việc cật lực để trả lại cho thủ quỹ số tiền đó. Nhưng tất cả đã muộn rồi. “Lớp mình vẫn còn nợ bạn ấy một lời tha thứ và xin lỗi. Cũng là do mình hết, nếu mình biết lắng nghe bạn ấy giải thích khi nhìn thấy bạn trả lại tiền cho thủ quỹ thì mọi chuyện đâu có ra nông nỗi. Đằng này mình lại gọi cả lớp đến…”

N.C thì giờ trở nên lầm lì không nói. Gia đình phải thường xuyên đưa bạn đến trung tâm tư vấn tâm lí vì đứa con gái nhỏ ngày càng có biểu hiện của bệnh trầm cảm. Vậy mà lớp của N.C nào có hay…

Còn với cuộc chiến tranh lạnh giữa nhóm V và nhóm Ban cán sự, không bên nào nhường bên nào, chỉ thiệt cho lớp V khi phong trào nào cũng đứng đội sổ. Và mọi chuyện chỉ tạm yên khi cô chủ nhiệm được biết tin và cố gắng dàn xếp cho hai bên. Nhưng những đợt sóng ngầm thì vẫn còn đó và lớp V thì chắc chắn sẽ không còn được như xưa nữa, do ai cũng mang tâm lí đề phòng “phe kia”.

Một chút khoan dung

Khi vẽ một chấm đen trên tờ giấy trắng, bạn sẽ chỉ nhìn thấy chấm đen đó thôi vì nó quá nổi bật. Có ai quan tâm đến phần còn lại không? Đánh giá một người cũng như thế, ta chỉ nhìn thấy sai lầm của họ mà không nghĩ đến những mặt tốt đẹp trong con người ấy. Tẩy chay là hình thức trừng phạt ghê gớm nhất trong một tập thể, và hậu quả luôn thật đáng buồn cho tất cả mọi người. Một chút lòng khoan dung có khi sẽ giúp ích hơn một cuộc “chiến tranh lạnh” dai dẳng đó, bạn ạ. Hãy để những năm tháng học trò trôi qua với những kỉ niệm vui về một lớp học đoàn kết, chứ không phải những nỗi buồn và mệt mỏi vì “tẩy chay”, các bạn nhé!

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)