Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được cho là có phổ điểm khá cao so với các năm; số điểm tuyệt đối cũng nhiều hơn hẳn.
Các trường sư phạm được coi là “máy cái” để tạo ra những giáo viên tốt, do đó cần có sự đổi mới mạnh mẽ ở khâu tuyển sinh, quá trình đào tạo và xét tốt nghiệp. Trong ảnh: Một tiết học tại Trung tâm GDTX Tân Phú (TP.HCM). Ảnh: N.Trinh |
Do đó, điểm sàn xét tuyển vào các trường ĐH tuy không quá cao nhưng điểm chuẩn của một số trường lại rất cao. Có trường, thí sinh trên 27 điểm vẫn không đậu, thậm chí có thí sinh đã đạt đến 29,25 điểm mà vẫn không đậu nguyện vọng 1, do trường đó có quá nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối, đồng thời có thêm điểm ưu tiên nữa. Trong bối cảnh đó, nhiều trường sư phạm chỉ lấy điểm chuẩn ngang với điểm sàn mà vẫn nơm nớp lo không đủ chỉ tiêu thì thật đáng buồn; thậm chí hơn cả buồn, đó thực sự là nỗi lo lớn.
1. Câu đúc kết “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” của hàng chục năm trước hóa ra bây giờ lại tiếp tục đúng. Nếu như cách đây khoảng 15-20 năm, nhiều ngành của các trường sư phạm khá “hot”, như ngoại ngữ, toán – tin… thì hiện nay hầu hết các ngành đều khá đìu hiu, chỉ trừ một số trường lớn mang tầm khu vực. Nhiều thí sinh chỉ chọn trường sư phạm ở các nguyện vọng sau, tức là sau khi đã không trúng tuyển vào trường nào cả. Không chỉ điểm chuẩn thấp, ngay cả tâm thế để học ngành sư phạm, để trở thành người đứng lớp không phải thí sinh nào cũng sẵn sàng, nên rõ ràng kết quả học tập, năng lực để trở thành những “kỹ sư tâm hồn”, những người thực hiện sứ mạng “chuẩn bị lớp người thay thế”… đều đáng lo ngại.
Không phải tất cả nhưng phần lớn thí sinh có điểm đầu vào tốt và có tâm thế sẵn sàng, tích cực để học một ngành nào đó thường sẽ đạt kết quả tốt hơn những sinh viên khác, cả ở kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành. Nếu thí sinh có tâm thế học tập tốt sẽ chủ động và tích cực tham gia các hoạt động phong trào, các sinh hoạt ngoại khóa, có ý nghĩa quan trọng để tạo nên những kỹ năng bổ trợ, sự tự tin khi đứng lớp. Bên cạnh đó, một số thí sinh có học lực không cao thường có hạn chế ở cả kiến thức tổng quát, kiến thức xã hội nên khả năng vận dụng vào bài học, sau khi ra trường là bài giảng, cũng có những hạn chế để truyền thụ hay tạo sự thuyết phục cho người học.
Trái lại, thí sinh có điểm đầu vào không cao hoặc có tâm thế học tập không thực sự chủ động có thể gặp nhiều khó khăn để theo kịp bài giảng và các hoạt động học tập, thường xuyên cảm thấy bị áp lực. Nếu không có sự cải thiện lớn thì áp lực sẽ nối tiếp áp lực, việc học trở thành nỗi ám ảnh hoặc bị phớt lờ, miễn sao “bò” cho hết khóa. Học tập trong trạng thái đó chắc chắn không thể có kết quả cao và khó thúc đẩy trở thành người thầy giỏi khi ra trường. Đó là chưa kể còn có sinh viên học trong tâm trạng “nhảy trường”, nếu thi đậu vào trường khác, thì kết quả cũng khó đạt yêu cầu. Đã học còn thấy không hứng thú, thấy vất vả thì thường hạn chế tham gia các hoạt động ngoại khóa, càng làm kiến thức và kỹ năng sư phạm khó được bồi bổ.
2. Trường sư phạm được coi là “máy cái” để tạo ra những giáo viên tốt, từ đó mới có thể góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thế nhưng, trong bối cảnh điểm chuẩn đầu vào của trường rất thấp thì rõ ràng không thể lạc quan vào việc sẽ có một lớp giáo viên giỏi, tận tâm, yêu nghề. Thêm vào đó, sự “rơi rụng” trong quá trình đào tạo, kể cả khi đã ra trường, khiến số giáo viên còn bám trụ cũng không hoàn toàn là những người giỏi, nhất là khi thu nhập của nghề này hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong điều kiện đó, các trường sư phạm cần có sự đổi mới mạnh mẽ cả ở khâu tuyển sinh, quá trình đào tạo, xét tốt nghiệp. Ở đầu vào, các trường cần mạnh dạn chấp nhận “thà ít mà tốt”, có thể tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nhưng không nên hạ điểm chuẩn quá thấp (ít nhất cũng hơn điểm sàn 3-5 điểm, tùy ngành). Bên cạnh lấy các tổ hợp điểm trong kỳ thi THPT quốc gia, cần có một số hình thức xét tuyển khác, như thi năng khiếu (đối với một số ngành), phỏng vấn… nhằm thực sự chọn người yêu thích ngành sư phạm, yêu thích nghề giáo, có khả năng phát huy và gắn bó với nghề. Nên tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên của ngành, thậm chí tăng chế độ học bổng, nhưng cần có những điều kiện, ràng buộc phù hợp, để thu hút và giữ người giỏi ở lại với ngành.
Không chỉ điểm chuẩn thấp, ngay cả tâm thế để học ngành sư phạm, để trở thành người đứng lớp không phải thí sinh nào cũng sẵn sàng, nên rõ ràng kết quả học tập, năng lực để trở thành những “kỹ sư tâm hồn”, những người thực hiện sứ mạng “chuẩn bị lớp người thay thế”… đều đáng lo ngại. |
Trong đào tạo, cần tiếp tục cải tiến, nội dung, phương pháp và hình thức theo hướng bám sát thực tiễn hơn, chú ý kỹ năng nhiều hơn nữa, hun đúc tình yêu với nghề nhiều hơn nữa, xây dựng đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo tốt hơn nữa. Kiến thức chuyên môn dĩ nhiên quan trọng nhưng có thể tiếp tục được bồi dưỡng nhiều năm sau khi ra trường, nhất là qua việc tự học, nhưng tinh thần yêu nghề, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp là những yếu tố rất khó tự xây dựng được mà phải qua gợi mở, bồi đắp, rèn luyện.
Cuối cùng, ở việc xét ra trường, cần thêm một lần mạnh dạn “giữ lại” những người có hạn chế chỉ cần một trong các yếu tố về năng lực, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề. Điều đó cho thấy, quá trình đào tạo trong trường sư phạm phải có sự đào luyện rõ rệt, không phải ai cũng có thể trở thành nhà giáo, nếu thiếu những phẩm chất cần thiết.
Để thực hiện được điều đó, Nhà nước cần có chính sách riêng đối với các trường sư phạm, không nên quá chú trọng yếu tố tự chủ về tài chính, bởi để đào tạo ra những người thầy tốt, Nhà nước cần phải “bù lỗ” và qua đó toàn xã hội sẽ “có lãi”. Còn hơn là để các trường chủ động tài chính, bằng cách tuyển sinh tràn lan, để rồi đào tạo ra những giáo viên không đủ chuẩn chất, thiệt hại đó toàn xã hội sẽ gánh chịu, mà không chỉ trong vài năm!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)