Người bạn tên Buồn
Tôi đã chờ khá lâu đến độ sốt ruột phải điện thoại nhắc, thì cô bé (Tăng Thanh Hà) nhè nhẹ bảo tôi từ đầu dây bên kia: “Bác chờ cháu tí, cháu đang nhắn tin cho bác đây!”. Và đây là những gì chúng tôi đã nhắn cho nhau:
Bác hỏi cháu câu hỏi mà cháu tự hỏi mình đã khá lâu rồi. Buồn, không lối thoát, mà còn phải định nghĩa cho nó nữa thì thật là khó bác ơi. Nhưng cháu nghĩ thế này: nỗi buồn là thứ mình phải đối mặt trong đời sống, nó là một khoảng lặng. Đó là một người bạn tên Buồn thỉnh thoảng lại đến thăm mình một lần. Chỉ có điều đừng để cuộc viếng thăm ấy kéo dài quá lâu, vì nỗi buồn sẽ ăn mòn mình, buộc mình phải sống với nó, nghĩ đến nó. Mà một khi đã làm thế, Buồn sẽ làm ta mất đi niềm tin vào cuộc sống. Nhưng dù gì cũng nên có giới hạn, buồn ít còn được, buồn hoài không biết mình buồn vì gì nữa có khi phản tác dụng, không tạo ra được cảm xúc nữa thì khổ.
Cháu đang muốn mình có một lý do gì đó để buồn, để khổ đây, vì còn khóc được, còn cảm giác được là còn thấy mình đang sống. Bởi vậy cháu vẫn giữ ý nghĩ nên xem buồn là một người bạn, vì có người bạn ấy mình mới thấy được sự quan trọng của những niềm vui nho nhỏ mình đang có hôm nay. Mà bác đang có chuyện gì buồn à?
Tôi cười khà khà:
Buồn gì đâu, cháu đã “dính chưởng”, những gì cháu nói sẽ nằm trong một bài báo có nhiều người nói về nỗi buồn…
Ngay cả khi buồn nhất, chúng ta vẫn có thể xác định chính xác được vì sao ta buồn, nhưng để đi qua nỗi buồn, bỏ nó lại phía sau, mọi người đều có những phương cách riêng. Tôi biết có những người thích thú gặm nhấm nỗi buồn khi nó đến, nhưng đó không phải là cô gái tôi vừa nói ở trên.
Còn cảm xúc là còn sống ý nghĩa
Tôi hỏi một người khác, siêu mẫu Xuân Lan: Nỗi buồn, ngay lúc này với cô là gì? Cô trả lời tôi, thẳng thắn và dí dỏm:
Bác, sao giống trả lời thi ứng xử hoa hậu quá vậy? Nhưng dù sao em cũng xin trả lời câu hỏi của ban giám khảo: Theo em thì buồn thật sự là khi mình không cảm thấy được là mình đang buồn nữa, là khi mọi cảm giác trôi qua nhàn nhạt, là lúc không gian và thời gian không còn tồn tại nữa. Còn lúc ta vẫn còn đang thở, còn được sống, còn biết được mình đang vui, biết được mình đang buồn, biết ta đang tồn tại, thì đó là một dấu hiệu tốt, mà thế thì nỗi buồn nào cũng sẽ trôi qua mà thôi.
Tôi lắt léo hỏi thêm, không lẽ theo lập luận đó, nỗi buồn không hiện diện trong đời sống của siêu mẫu sao? Và người thông minh đã cho tôi một câu trả lời đáng phải suy nghĩ:
Ai sống cũng phải trải qua cảm giác ấy, nỗi buồn làm ta khó chịu, nhưng rồi đến một lúc nào đó, không ngờ nhất, nỗi buồn sẽ đi qua, mình sẽ nhận thấy mình vui sống mà chẳng thấy bóng dáng nỗi buồn đâu cả. Có nghĩa là khi còn được sống trên đời ta phải biết cách sống với mọi loại cảm xúc, phải biết vui biết buồn, còn cảm xúc nghĩa là còn biết cách để sống có ý nghĩa.
Tôi cho rằng nhận định này mang một ý nghĩa tích cực. Cuộc sống vốn dĩ không bao giờ bằng phẳng, vì nếu cứ như thế, ta sẽ không có cảm giác gì, hay nói cách khác là ta không sống. Sống và biết cách so sánh sự khác biệt của các cung bậc cảm xúc mà ta đang cảm thấy được là một đặc ân mà tạo hoá trao tặng cho con người và chỉ cho con người mà thôi.
Buồn tích cực
Tôi hỏi một anh bạn trẻ mà lâu nay vẫn làm việc chung, Hồ Hưng là biên tập nội dung của một tờ báo: Ngay lúc này có biết điều gì là nỗi buồn? Bạn ấy bảo:
Không vui, không buồn, đang tập yoga, bay rất cao rồi, không có thời gian cho chuyện ấy! Thầy dạy phải tưởng tượng mình ngồi trên đỉnh núi, mà mới đi đến chân núi đã có đứa nhắn tin rồi thì làm sao mà leo lên, ngồi lên hay bay lên được đây hả dzời, im ngay không thì bảo!
Một khi ta tập trung, những luồng tư duy có khuynh hướng rõ ràng, những con đường đi mở rộng ra trước mắt, những quan ngại không làm ta lùi bước, ta đã có thứ khác để băn khoăn, để đeo đuổi. Nỗi buồn đang nói kia chẳng có chỗ để len vào, nhưng mối bận tâm bứt rứt ta kia sẽ chẳng là gì cả, mục tiêu được định sẵn vẫn là trên hết. Nỗi buồn ư? Nó là gì vậy? Tôi mong nó sẽ là câu trả lời cho câu hỏi của tôi, vọng tới từ tương lai.
Theo Phạm Hoài
Sài Gòn Tiếp Thị
Bình luận (0)