Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Nối, cấy mi nguy gì tới mắt?

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ với vài trăm ngàn hoặc với lọ keo dán nối mi rẻ tiền 20 ngàn đồng/lọ, nhiều bạn gái có ngay đôi mắt long lanh. Nhưng việc này cũng tiềm ẩn nguy hiểm.
Chị Hoàng Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) có thói quen đi nối mi. Chỉ với giá hơn 200 ngàn đồng/lần nối mà đôi mắt của chị trông long lanh, đẹp hơn rất nhiều. Vì vậy, chị thường xuyên nối khi lớp mi nối bị rụng.
Chị Quế Nhàn cũng tìm đến một chỗ để nối mi. Nhưng khi về, chị thấy khó chịu. Khi đeo kính, mi giả bị chèn. Ngoài ra, chị thấy ngứa mắt, mắt bị đỏ. Vì vậy, chị định nhổ bỏ phần mi dài đã nối nhưng vì mi được dính với mí mắt bằng keo nên khi dứt ra rất đau. Chị đành chịu đựng đến khi mi tự rụng.
Có trường hợp như chị T. (Liễu Giai, Hà Nội) còn tự mua lông mi giả rồi dùng keo dán để nối mi. Giá mỗi lọ keo chỉ khoảng 20 – 30 nghìn đồng/lọ.
Thậm chí, một số trung tâm thẩm mỹ đưa ra dịch vụ phẫu thuật cấy mi, họ lấy các nang tóc từ phần sau của đầu là nơi tóc dầy và khoẻ nhất, cắt tỉa và chọn lọc lấy những sợi chân tóc thích hợp để cấy vào bờ mi.
Các lông mi được cấy sẽ cần một thời gian khoảng 4 – 5 tháng để phát triển ổn định. Vậy, mi sau khi được cấy từ nang tóc có "sống" được không?
Bs.ThS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: Lông mi có khoảng 2 – 3 hàng, tổng số cả mi trên và mi dưới từ 80 – 120 chiếc. Tuy nhiên, thẩm mĩ và chức năng của lông mi trên được coi trọng hơn.
Không có lông mi thì trông hơi kỳ quặc, nó còn khiến cho mắt không được chắn gió, bụi, ngăn cản mồ hôi, nước mưa khỏi lao thẳng vào mắt.
Lông mi cũng như nang lông ở các vị trí khác trên cơ thể có cấu trúc sừng, không thấm nước. Mỗi nang lông có cơ vòng rất nhỏ bao quanh nhằm dựng lông đứng thẳng, chân lông mi có chất tiết nhiều lipid để bôi trơn lông mi, tránh thấm nước.
Trong lòng lông mi còn có một vi mạch bé xíu để nuôi dưỡng lông mi. Lông mi mọc dài quá, rậm quá, sai hàng lối cũng gây bệnh cho mắt. Ngược lại lông mi thưa, rụng do nhiễm nấm, ký sinh trùng, do tia xạ hay bệnh toànn thân cũng là tình trạng bệnh lý.
Bác sĩ Cương cho rằng: “Rất thông cảm và chia sẻ với nhu cầu làm đẹp của chị em, nhưng hành hạ lông mi của mình để hy vọng nâng điểm cho nhan sắc thì lại là điều không nên. Có chăng nó chỉ giúp bạn từ 2 đến 5 điểm trên 100 điểm nhan sắc. Nhìn các bạn trẻ dù mắt to hay bé, đẹp hay xấu nhưng hàng lông mi đen nhánh, tua tủa và nặng trịch làm tôi lo lắng cho đôi mắt của họ”.
Dán lông mi trong những dịp biểu diễn, đám cưới, lễ hội thường không gây ra vấn đề gì lớn lắm cho mắt. Có chăng là bạn nên tẩy trang kỹ càng để các hóa chất, hạt bụi li ti khỏi chui vào mắt. Nối dài lông mi đó là cách tân kỳ hơn, có kết quả thẩm mỹ lâu dài hơn.
Song, một điều lo ngại là keo dán lông mi đó có phải là keo sinh học không, nếu không chất keo sẽ giúp tích tụ bụi bẩn, giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây kích ứng cho mắt. Keo sinh học khá đắt tiền, có các chất là fibrin, collagene, hystoacryl nên khó có cái giá 20 đến 30 ngàn đồng một lọ.
Nếu các công đoạn nối mi hoặc các vật tư dùng cho việc này không đảm bảo có thể gây nhiễm độc nang lông, mất chất mỡ bóng của lông mi, gián đoạn tuần hoàn lông mi. Hậu quả là sẽ gây rụng lông mi nhất thời hoặc vĩnh viễn. Bên cạnh đó bạn rất có thể nhiễm thêm các bệnh thường có trên bờ mi: viêm bờ mi do cầu khuẩn, ký sinh trùng, tắc và loạn chức năng các tuyến đổ ra bờ mi.
Về hiệu quả của cấy lông mi, bác sĩ Cương bày tỏ: Cấy lông mi bằng phẫu thuật là một ứng dụng mới của phẫu thuật cấy tóc chữa hói hay rụng tóc. Nhưng hiệu quả ra sao thì tôi không chắc chắn bởi lông có cấu trúc vi thể khác với  tóc.
Theo VTC News

 

Bình luận (0)