Để được học tập tại Tổ chức Passerelles numériques Việt Nam (PNV), tiêu chí đầu tiên là tất cả học sinh phải có quyết tâm học tập, vươn tới tương lai tốt đẹp, phải vượt qua bài kiểm tra năng lực (gồm các môn toán, logic, tiếng Anh cơ bản và phỏng vấn).
Phạm Thị Lài tại lớp học công nghệ thông tin |
Hằng ngày, ở một dãy phòng học trên tầng 4 của Trường CĐ Nghề (Đà Nẵng), các lớp học công nghệ thông tin của PNV vẫn đều đặn diễn ra. Nơi ấy, có hàng trăm ước mơ của những cô cậu sinh viên nghèo được chắp cánh.
Theo giới thiệu của chị Võ Hoàng Thùy Trang (Trưởng bộ phận quan hệ đối ngoại của PNV), tôi tìm đến lớp CNTT 2 (khóa 2016-2018). Lớp có hơn 20 em, ai cũng đang miệt mài thực hành những bài học mà thầy vừa giảng xong phần lý thuyết. Tôi bắt chuyện với một nữ sinh có đôi mắt thật buồn. Em tên Phạm Thị Lài quê ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Lài kể, em cất tiếng khóc chào đời chưa được bao lâu thì sớm mồ côi cha mẹ. Em sống với ông bà ngoại già yếu và một người cậu tàn tật. Tuổi thơ của em sau những buổi học là thời gian quăng quật trên ruộng đồng, phụ ông bà làm lụng, giặt giũ, nấu nướng… Nhớ lại khoảng thời gian đó, Lài rơm rớm nước mắt nói: “Ngày còn đi học ở trường làng, em thích học lắm nhưng thương ông bà già yếu, kinh tế gia đình khó khăn nên nhiều lần em có ý định nghỉ học. Năm học lớp 12 là khoảng thời gian em lo nhiều nhất. Bởi để nuôi em theo học suốt 12 năm đối với ông bà là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ. Khi các bạn làm hồ sơ đăng ký vào các trường ĐH trong tâm thế háo hức bao nhiêu thì em buồn bấy nhiêu. Trước đây em chưa hề dám nghĩ đến việc tiếp tục học lên cao sau khi tốt nghiệp THPT. Sau đó, em may mắn tiếp cận được với PNV thông qua sự giới thiệu của nhà trường, và em đã nỗ lực vượt qua các vòng phỏng vấn, khảo sát năng lực để tiếp tục con đường tương lai của mình với ngành công nghệ thông tin mà mình yêu thích”. Hai năm miệt mài trên giảng đường, Lài luôn đạt thành tích học tập tốt. Lài cho biết được tạo điều kiện vào học ở đây đối với em là cơ hội tốt. Sau khi ra trường em sẽ tìm một công việc làm phù hợp để chăm sóc ông bà và cậu. Chặng đường phía trước còn ngót một năm học, nhưng với Lài, mọi khó khăn dường như đã lùi lại phía sau.
Với mục đích tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tìm được việc làm thông qua giáo dục nghề trong ngành công nghiệp kỹ thuật số, đồng thời phát huy tiềm năng cũng như sức mạnh ý chí của các em – Dự án của PNV (Tổ chức phi chính phủ của Pháp tại Việt Nam) đang là nơi “Chắp cánh những ước mơ” cho các em kém may mắn. |
Cách Lài vài dãy bàn, em Nguyễn Quang Vương Nhi cũng đang chăm chú vào những câu lệnh trên màn hình máy tính. Nhi đang là sinh viên năm thứ 2 ngành công nghệ thông tin ở PNV. Và Nhi cũng là một trong số rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2013, mẹ em qua đời vì căn bệnh ung thư. Một năm sau đó, ba em đột ngột ra đi vì đột quỵ. Căn nhà còn ba chị em đang tuổi ăn tuổi học. Tốt nghiệp THPT, Nhi dằn lòng nghỉ một năm để đi làm thêm kiếm sống. Năm 2016, em đỗ cùng lúc vào khoa toán Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và hệ CĐ Công nghệ thông tin của PNV. “Phần vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần vì em rất đam mê công nghệ thông tin nên quyết định chọn học ở PNV. Em nghĩ ngành công nghệ thông tin bây giờ còn thiếu nhân lực nên học xong cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn. Mặt khác, theo học ở đây em cũng như các bạn được tạo đầy đủ các điều kiện ăn, ở và tham gia vào một môi trường học tập tốt”, Nhi chia sẻ.
Trong quá trình học tập, các em được hỗ trợ hoàn toàn học phí, chi phí ăn ở. Theo chị Trang, tính đến thời điểm này có hơn 250 sinh viên đã và đang theo học tại PNV. Phần lớn các em sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định.
Trước khi tôi chia tay lớp học, chị Trang “bật mí”: Sắp tới chương trình sẽ tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho 44 sinh viên. Đây là những sinh viên không chỉ hoàn thành nội dung kiến thức của chương trình học mà còn được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống để bắt đầu bước ngoặt trên điểm khởi đầu của sự nghiệp. “Ở đây, mỗi sinh viên đều có câu chuyện đời thật buồn khác nhau nhưng tất cả có chung niềm đam mê học tập và khát vọng có một nghề nghiệp ổn định để xây dựng tương lai. PNV chỉ giúp các em biến ước mơ thành hiện thực”, chị Trang nói.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)