Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nói chuyện giáo dục với trẻ ở những “gia đình đặc biệt”

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình là “tế bào của xã hội”; từng tế bào có khỏe mạnh, phát triển thì xã hội mới khỏe mạnh và phát triển. Trên thực tế, có nhiều hình thức tổ chức gia đình, trong đó có một số gia đình vì điều kiện đặc thù mà khác với phần nhiều các gia đình khác, có thể coi đó là những “gia đình đặc biệt”. Trong giáo dục, cần có sự quan tâm riêng đến con em của các gia đình này.

Dù trẻ thuộc gia đình nào cũng cần có sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, đối xử công bằng của thầy cô, của nhà trường (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

1.Đó là gia đình của các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên biển, ở hải đảo, ở vùng biên giới… Dù đất nước đang hòa bình, nhưng vẫn tiềm ẩn những thử thách không nhỏ, nhất là thời gian gần đây biển Đông liên tục “nóng” lên với các hành vi xâm phạm. Gia đình của các cán bộ, chiến sĩ đang ở nơi đầu sóng ngọn gió, đang bám trụ nơi biên giới… cần được đặc biệt quan tâm, không chỉ động viên các anh giữ vững ý chí, quyết tâm bảo vệ tấc đất, tấc biển quê hương mà còn tác động đến tình cảm của toàn xã hội đối với tình hình biên giới, hải đảo, tạo sự gắn kết bền chặt hơn giữa hậu phương và tiền phương. Con em các anh cũng cần được quan tâm, động viên giúp đỡ. Cần khơi gợi lòng tự hào trong mỗi học sinh với những đóng góp và sự hy sinh của cha anh mình và phát huy niềm tự hào đó để trở thành động lực học tập tốt hơn. Giáo viên, nhà trường trong những dịp phù hợp cần biểu dương các con em chiến sĩ đang làm nhiệm vụ (ngày 22-12, lễ tết…), nhắc nhở các bạn trong lớp cần quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với các bạn ấy.

2.Đó là các gia đình neo đơn, khó khăn, đặc biệt là gia đình ít người mà có người già, trẻ em đang đau bệnh, bị khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam…, hoặc có cha mẹ đang đi chữa bệnh dài hạn (nhất là cai nghiện ma túy), đang chấp hành hình phạt tù… Phần lớn những gia đình này thuộc diện nghèo mà trong một số trường hợp khả năng vươn lên thoát nghèo là rất khó, phải thường xuyên nhận trợ cấp của Nhà nước và được bảo trợ từ các tổ chức từ thiện – xã hội, hoặc có điều kiện sống khá khác thường với cộng đồng. Do đó, con em của các gia đình này còn đến trường là một sự phấn đấu lớn, rất cần sự động viên, tạo điều kiện của xã hội. Trong nhà trường, cần hết sức tránh những ứng xử có thể khiến các em bị tổn thương, kể cả những giúp đỡ mà có thể bị hiểu là “ban ơn”. Giáo viên cần có sự quan tâm thật lòng, chứ không phải lấy lệ, có nhiều biện pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp, kể cả vật chất lẫn tinh thần; trong ứng xử rất cần sự tế nhị, khéo léo. Trên lớp, giáo viên cần khích lệ sự vươn lên của các em, đồng thời khơi gợi để các em học sinh khác học tập ý chí phấn đấu của bạn, sẻ chia với bạn, thay vì kỳ thị, khinh rẻ bạn.

Lẽ dĩ nhiên, dù trẻ thuộc gia đình nào cũng cần có sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, đối xử công bằng của thầy cô, của nhà trường. Nhưng với các em ở “gia đình đặc biệt”, với những đặc điểm rất riêng, cần có những cách thức giáo dục riêng. Giáo viên, nhà trường phải thực sự quan tâm đến việc này, tìm hiểu rõ từng gia đình, không chỉ để có sự phối hợp tốt trong việc giáo dục trẻ mà còn để có những ứng xử phù hợp.

3.Đó là các gia đình đơn thân tiêu biểu. Vì lý do nào đó mà gia đình chỉ có cha con, mẹ con, thậm chí chỉ có ông bà và cháu nhưng vẫn sống hạnh phúc, vẫn nuôi dạy trẻ tích cực… Một số trường hợp cá biệt, trẻ ở gia đình này có thể có những khiếm khuyết về tâm lý, do đó việc giáo dục phải hết sức lưu ý, tránh làm tổn thương các em. Nếu giáo viên biết trong lớp có học sinh thuộc gia đình diện này, nên tránh ra đề văn có đề cập khiếm khuyết của học sinh đó. Giáo viên nên liên hệ chặt chẽ với phụ huynh của các em này để hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ để có những sự quan tâm kịp thời và phù hợp. Giáo viên cũng cần tránh để học sinh khác trong lớp có thái độ không tích cực với các học sinh thuộc gia đình này.

4.Đó là các gia đình kiểu mẫu, như gia đình ba, bốn thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, các gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình hiếu thuận, gia đình khuyến học, các tấm gương hiếu thảo… Đây là những tế bào khỏe mạnh, tiêu biểu, cần được quan tâm, biểu dương và nhân rộng. Ở các gia đình này, con em thường có một nền tảng giáo dục tích cực, sẽ dễ trở thành học sinh chăm chỉ, học giỏi. Nhà trường cần phát huy các tấm gương của các phụ huynh này (trong các sinh hoạt, mời tham gia hội phụ huynh…), từ đó khích lệ con em học tập tốt hơn và trở thành gương sáng để các bạn noi theo. Trên lớp, giáo viên có thể lấy ngay những tấm gương của một số học sinh chăm, có gia đình kiểu mẫu để động viên chính bản thân em đó và khích lệ các học sinh khác.

ThS. Nguyễn Minh Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)