Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nơi “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một lần đi công tác tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, khi đến Nà Pù (một bản người Mông của xã Tân Việt), điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên đó là, ở đây từ người già đến trẻ nhỏ, hầu như ai cũng thuộc và yêu thích bài hát "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi". Hỏi ra mới biết, đây chính là nơi cô giáo Tô Thị Rỉnh – nguyên mẫu trong ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Ký, sáng tác vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, từng dạy học và gắn bó.
Người già trong bản kể rằng, vào năm 1960, cả bản Nà Pù không có ai biết chữ. Lúc đó, Chính phủ phát động phong trào "diệt giặc dốt", có nhiều người trong bản rất muốn được đi học, nhưng không có thầy dạy. Một hôm, có một cô gái người dân tộc Tày, tuổi đời còn rất trẻ (độ mười chín, đôi mươi), tay xách túi, vai khoác cây đàn tính, tần ngần bên bờ suối như đang đứng đợi người yêu. Nhưng không! Cô đang hỏi thăm đường về bản Nà Pù để dạy các em nhỏ biết học cái chữ.
Vốn là một cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, Tô Thị Rỉnh đã sớm có suy nghĩ như người lớn. Tuy mới 16 tuổi, nhưng Rỉnh đã khai tăng lên tuổi 18 để được đi thanh niên xung phong. Sinh ra và lớn lên ở núi rừng nên Rỉnh thấu hiểu về những thiệt thòi của trẻ em các dân tộc thiểu số không có điều kiện được học hành, vui chơi giải trí như trẻ em dưới xuôi. "Làm thế nào để rút ngắn được khoảng cách giữa trẻ em miền núi và trẻ em miền xuôi?". Ðó cũng là suy nghĩ và động cơ luôn thôi thúc Rỉnh phấn đấu trở thành người Giáo viên nhân dân. Năm 1960 (tròn 20 tuổi), Tô Thị Rỉnh tạm biệt quê hương Ðồng Mu (nay là xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) để tình  nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì đàn em nhỏ chưa biết chữ trên những  đỉnh núi cao chót vót.
Ngày đầu về bản Nà Pù có biết bao gian nan thử thách đến với cô giáo trẻ. Do cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên không có trường, không có lớp để tập trung học sinh. Hơn nữa cá tính của trẻ em ở miền sơn cước thích đùa nghịch, trèo cây, lội suối, bắt chim hơn là đi học cái chữ; ngôn ngữ lại bất đồng… Nhưng, với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô giáo Tô Thị Rỉnh có thêm nghị lực để vượt qua được mọi khó khăn, thử thách. Không quản ngại suối sâu, đèo cao, ngày ngày cô đi vào các xóm, đến từng gia đình để vận động đồng bào cho con em đi học. Ðộng viên bà con cùng chung tay góp sức xây dựng trường, lớp và trực tiếp vào rừng cắt gianh để lợp mái lớp, tự tay đóng bàn, ghế cho các em. Có lần, vừa dựng xong trường lớp thì một trận bão lớn bất ngờ ập tới làm đổ tất cả, cô giáo Tô Thị Rỉnh lại cùng bà con trong bản tập trung làm cả ngày lẫn đêm để kịp cho các em vào lớp nhân ngày khai giảng năm học mới. Hết giờ lên lớp, cô lại dẫn học sinh ra suối tắm giặt sạch sẽ, đêm khuya dưới ánh đèn dầu cô ngồi một mình để vá quần áo cho các em, những lúc rảnh rỗi, cô tranh thủ học tiếng Mông để tiện cho việc giảng dạy và khi giao tiếp với bà con dân bản. Mặc dù mỗi tháng tiêu chuẩn chỉ có 13 cân gạo, nhưng cô Rỉnh đã san sẻ ra thành bốn suất để dành cho các em học sinh nhà ở xa và có hoàn cảnh khó khăn cùng ở lại trường với cô. Có hôm cô ăn cháo, có ngày cô chỉ ăn rau, củ mài… để nhường phần cơm cho các em. Cô bảo: "Cô đói một chút cũng không sao, nhưng để học sinh ở với cô đói, lỡ các em bỏ trường về thì sao?". Không những thế, cô đã dành toàn bộ đồng lương ít ỏi của mình để mua giấy bút, sách vở cho các em. Những khó khăn thử thách như đói ăn, sốt rét, nhớ nhà và cả sợ hãi trong cảnh heo hút giữa chốn "rừng thiêng nước độc" đã làm cho cô nhiều lúc nước mắt cứ chảy dài. Nhưng khi nghĩ tới lời của mẹ lúc còn sống: "Con gái mà nhiều nước mắt thì sẽ không nhìn thấy rõ đường mình đi đâu" đã làm cho cô thêm bền gan, vững chí.
Biết được đặc điểm cá tính của trẻ em dân tộc miền núi, nên cô giáo Rỉnh luôn quan tâm, coi trọng phương châm: "Dạy chữ, dạy người", áp dụng có hiệu quả phương pháp giáo dục "Học để  mà chơi, chơi để mà học" nên học sinh rất dễ tiếp thu. Nhất là những khi giảng trên lớp, hay cả những lúc ngoài giờ, cô thường mang cây đàn tính ra gẩy cho các em nghe và dạy các em hát. Chính vì vậy đã gây được cảm tình đối với các em học sinh, xóa được những mặc cảm giữa người Mông và người Tày. Thấy cô là người thật thà, tốt bụng, có tấm lòng vì mọi người, bà con Nà Pù ai ai cũng tin yêu, quý mến và luôn coi cô giáo người Tày như con của bản người Mông mình. Bà con đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ để cô hoàn thành được nhiệm vụ Ðảng giao. Từ chỗ lúc đầu chỉ có ba em tới lớp, dần dần trường Nà Pù của cô giáo Rỉnh đã lên tới  30 em và phát triển càng ngày càng đông học sinh.
Sau một năm hoàn thành nhiệm vụ "Dạy chữ, dạy người" ở  Nà Pù, khi nhận quyết định tiếp tục đi mở trường ở nơi khác, trong lòng cô giáo Rỉnh tràn đầy nỗi vấn vương, vì không muốn xa Nà Pù, không muốn xa các em học sinh thân yêu của mình. Ðặc biệt bà con dân bản vì quá luyến tiếc, muốn giữ cô ở lại nhưng không được nên đã trách yêu "Cô giáo Tày đừng về ta giận đấy". Và ngay sáng sớm hôm sau từ khắp các bản làng của xã Tân Việt, không ai bảo ai, mọi người đều kéo đến trường Nà Pù rất đông. Người góp lợn, người góp gạo nếp, rượu… cùng tổ chức bữa liên hoan chia tay với cô giáo người Tày. Không giấu nổi xúc động, già bản Lý Tràn Pu nắm chặt tay cô Rỉnh nói: "Từ lúc cô lên đây, một tiếng Mông còn chưa biết nói, thế mà bây giờ cô đã là anh em, là con một nhà của người Mông ta rồi. Người Mông Nà Pù này biết ơn con lắm vì con đã làm cho cái bản ta được đổi mới nhiều mà".
Tạm biệt Nà Pù, tạm biệt Tân Việt, cô giáo Tô Thị Rỉnh lại trên vai khoác cây đàn tính tiếp tục đi đến những nơi vùng sâu, vùng xa để mở trường cho đến suốt những năm tiếp theo của cuộc đời. Một vinh dự lớn đến với cô, năm 1962 (khi tròn 22 tuổi), Tô Thị Rỉnh được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua ngành giáo dục toàn quốc, được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Ðặc biệt, cô đã được gặp Bác Hồ và cùng chụp ảnh chung với Bác tại Thủ đô Hà Nội. Năm 1964, cô được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam. Tấm gương của cô giáo  Tô Thị Rỉnh luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với những người làm công tác sáng tác âm nhạc – nghệ thuật. Năm 1962, nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác ca khúc nói về cô giáo Tô Thị Rỉnh với tựa đề: "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi". Và ít lâu sau, xưởng phim truyện Việt Nam đã xây dựng và cho ra mắt bộ phim: "Cô giáo vùng cao" được đông đảo công chúng yêu âm nhạc và nghệ thuật điện ảnh hoan nghênh, trân trọng đón nhận.
Các thế hệ giáo viên của tỉnh Cao Bằng hôm nay đã và đang tình nguyện đi tới những vùng sâu, vùng xa, mang ánh sáng của Ðảng về khắp các bản làng, thôn xóm. Và ở nơi ấy lại vang lên bài ca: "Cô giáo Tày như nương mùa xuân, người Mông ta đã  trồng bên dòng thác lớn, như hoa Ban sinh sôi nở rộ trên đời, làm đẹp tia nắng mới soi tỏ khắp nơi".

NGÔ VĂN HỌC (HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)