Thành phố Gwangju là nơi có những nguyên liệu ẩm thực chất lượng hàng đầu và nhiều món ăn phổ biến nhất Hàn Quốc.
Gwangju (có nghĩa là thành phố của ánh sáng) được coi là nơi khai sinh ra món kim chi. Thành phố tổ chức lễ hội kim chi hàng năm. Du khách có thể ghé thăm "Kimchi Town – Thị trấn Kim chi" để tự tay làm kim chi. Năm 2010, Gwangju được chọn để đặt Viện nghiên cứu kim chi thế giới. Từ đó, các nhà nghiên cứu ở Gwangju đã tìm tòi các yếu tố tạo nên hương vị kim chi bao gồm lên men, vi khuẩn axit lactic và các đặc tính sinh hóa khác.
Thành phố có 3 chợ chính và 4 khu vực bày bán thực phẩm đặc sản. Thực phẩm tươi sống được bày bán khắp thành phố.
Kimchi không chỉ là một món ăn, nó còn ảnh hưởng lớn đến văn hóa Hàn Quốc. Khi Yi Soyeon, một người gốc Gwangju, trở thành phi hành gia Hàn Quốc đầu tiên bay lên vũ trụ vào năm 2008, chính phủ đã dành nhiều năm nghiên cứu và hàng triệu USD để tạo ra "kim chi vũ trụ", giúp cô có thể ăn được trong môi trường không trọng lực. "Nếu một người Hàn Quốc lên vũ trụ, kim chi cũng phải có mặt ở đó", một nhà khoa học của Viện nghiên cứu thực phẩm Hàn Quốc nói.
Chợ Yangdong là thiên đường của món kim chi nổi tiếng. Mỗi cửa hàng có một vị kim chi khác nhau, phụ thuộc vào lượng gia vị bỏ vào. "Bạn phải sử dụng bột ớt và jeotgal (hải sản lên men trong muối) chất lượng cao nhất. Các bà, các mẹ – những người nhiều kinh nghiệm đã dạy cho chúng tôi bí quyết cũng như công thức nấu ăn và phương pháp chuẩn bị", Yoo Minji, 32 tuổi, làm việc ở một cửa hàng kim chi trong chợ, cho hay.
Kimchi ở Gwangju được cho là ngon nhất nước.
Theo Kim – giám khảo MasterChef – siêu đầu bếp Hàn Quốc, bí mật của ẩm thực Gwangju là jeotgal, một loại nước sốt hải sản lên men – bao gồm tôm, mực, sò và bất kỳ loại cá nào. Trái ngược với các loại muối, xì dầu hay gia vị khác ngoài thị trường, jeotgal cần một thời gian nhất định để sản xuất.
Du khách tham quan thành phố có thể thưởng thức bibimbap (cơm trộn) được chế biến đa dạng, cải bắp và củ cải trồng trong dòng nước suối Muju; các món hải sản lấy từ Mokpo, bao gồm kkotge (cua xanh), gejang (cua ướp đậu nành), mineo (cá lù đù); và yukjeon (thịt bò hảo hạng) từ Damyang.
Được biết đến với những nguyên vật liệu chất lượng hàng đầu, Gwangju trở thành nơi tập trung quy mô lớn các món ăn đặc trưng của Hàn Quốc. Điều đó tương tự Thành Đô ở Tứ Xuyên, Trung Quốc; Belo Horizonte ở Minas Gerais, Brazil; thành phố Oaxaca ở Mexico hay New Orleans ở Mỹ.
"Bạn nên đi qua tỉnh Jeolla, cách thuận tiện nhất để đến thành phố Gwangju. Văn hóa nhà hàng ở đó cũng rất đa dạng. Bạn có thể ghé thăm thành phố Yeosu hoặc Mokpo", là chia sẻ của Kim Hooni, chủ nhà hàng Danji ở New York, nhà hàng Hàn Quốc đầu tiên được gắn sao Michelin.
Gwangju cũng có nhiều nopo, nhà hàng gia đình mang tính biểu tượng đã hoạt động ít nhất 50 năm. Trong "Hướng dẫn xanh" năm 2012 về Hàn Quốc, các chuyên gia ẩm thực của Michelin đánh giá cao nhà hàng Cheongwon Momil. Mì lạnh của quán được phục vụ từ năm 1960. Phiên bản súp của món mì này ăn kèm cá, cơm và rau. Nhưng điểm nhấn trong thực đơn nhà hàng phải kể đến bánh bao vua, kích thước to và nhân được làm từ thịt lợn hoặc rau củ.
Nhiều năm qua, Gwangju còn được chọn để tổ chức các sự kiện quốc tế lớn về thực phẩm, mỹ thuật. Một trong những lý do là thành phố có dân số trẻ với 24% là sinh viên. "Giới học sinh, sinh viên có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa ẩm thực thành phố", Rani Cheema, người sáng lập Gwangju Foodies và là cựu biên tập viên chuyên mục thực phẩm của Gwangju News, chia sẻ.
Ví dụ tại cửa hàng Glacier Hong, bạn có thể ăn kem socola cùng rượu gạo. Những thứ cơ bản như kem gelato có thể được phục vụ quanh năm. Song có những món không được yêu thích, nên không tồn tại được lâu – điển hình là caramen mặn ăn cùng các loại hạt. Ccửa hàng luôn tạo ra những hương vị mới, vậy nên các thực khách sẽ không thấy nhàm chán.
Gwangju là thành phố lớn thứ 6 ở Hàn Quốc. Gwangju sử dụng chính những nét văn hóa ẩm thực truyền thống của mình để tạo nên điểm nhấn.
Tương tự, tại quán Café Overall ở khu phố Dongmyeong-dong của Gwangju, ông chủ Lee Bumjun giải thích về sự phổ biến của bánh bí ngô ngọt tại cửa hàng mình: Khác với các loại bánh làm từ lớp bánh mì, bánh của cửa hàng sử dụng bánh quy giòn, được phủ kem phô mai và bí ngô ngọt. Lớp trên cùng rắc thêm vụn bánh quy khác. Đó là món làm nên thương hiệu của quán.
Nam Trần (theo vnexpress)
Bình luận (0)