Dòng sông Sê Pôn bắt nguồn từ vùng Muang Samoyoy (huyện Mường Nòng, tỉnh Savannakhet – Lào) lặng lẽ băng qua những thác ghềnh, dưới đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Trước khi vặn mình trở lại “sông mẹ” Mê Kông trên đất bạn Lào, Sê Pôn đã kịp trở thành dòng sông biên giới chảy qua 11 xã, thị trấn của Việt Nam như sợi chỉ se gắn tình hữu nghị của cư dân đôi bờ.
Bộ đội biên phòng Ba Tầng giúp dân bản Rạ (Lào) vận chuyển sắn lên xe để bán |
Nghĩa tình gắn kết
Theo chân những người lính Đồn biên phòng Ba Tầng, chúng tôi có dịp đặt chân đến điểm cuối cùng địa giới xã A Dơi (một trong 8 xã thuộc vùng Lìa, huyện Hướng Hóa) – đoạn hợp lưu với suối Ka Long (Việt Nam) tạo thành điểm khởi đầu chảy vào đất Việt. Thượng tá Nguyễn Nam Trung nói: “Đây là mốc 608 (1) của ta, còn phía kia là cột mốc 608 (2) và 608 (3) của nước bạn. Chỉ cách nhau một con sông, mùa nước cạn, bà con hai bên lội sang thăm nhau, dự lễ hội, ăn bát cơm lúa mới, nhiều người dân xã A Dơi có bà con thân tộc bên đó, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau mỗi khi tối lửa tắt đèn. Mối quan hệ thân thuộc ấy là điểm tựa vững chắc để bảo vệ bình yên biên giới”.
Với những người lính từng tham gia kháng chiến chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt – Lào thì Sê Pôn là dòng sông chở đầy ký ức về tình cảm son sắc, thủy chung. Ông Hồ Phúc Yên, xã A Dơi (Hướng Hóa, Quảng Trị) đứng bên này bờ sông, bộc bạch: “Sông chia làm hai, bên kia là bản Xì Keo (Lào), bên này là bản Pa Roi (xã A Dơi) và Xi La (xã Xy). Chiến tranh, bà con đôi bên cùng nhau bảo vệ mảnh đất này. Đoàn kết như anh em ruột thịt. Hòa bình, tuy ranh giới đã cắm mốc nhưng đôi bên vẫn qua về thăm thân nhau, kết khơi cù da (xui gia), học hỏi nhau cách làm ăn…”. Năm 2005, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet và Salavan thống nhất phát động phong trào kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới. Có 22 cặp bản bên dòng Sê Pôn kết nghĩa anh em.
Những người nông dân Lào sống dọc sông Sê Pôn mang sắn vượt sông qua vùng Lìa để bán |
Trong kí ức của người già, cách đây 20 năm về trước, vùng đất ven dòng Sê Pôn hoang vu. Người dân đôi bờ sống dựa vào cây lúa rẫy, con chim, con thú trên rừng. Bằng các chủ trương, chính sách, nguồn vốn các dự án… đời sống bà con Vân Kiều, Pa Cô đổi thay. Anh Hồ Văn Bang, Bí thư Đảng ủy xã Ba Tầng nói, cho đến bây giờ, chưa có cây gì mang lại cuộc sống no đủ cho con người bằng cây sắn. Sự “lạc nghiệp” thật sự của người dân vùng Lìa phải tính từ ngày cây sắn, cây chuối bám rễ trên miền đất này! “Tiềm năng đất đai có sẵn, mình phải biết cách khai thác để vươn lên thoát nghèo. Để bà con tin, mình luôn đi trước làm đầu, trồng bời lời, cao su, khoanh vùng nuôi trâu, làm 1ha ruộng lúa, 4ha sắn… Nhìn thấy hiệu quả, bà con ai cũng làm theo”.
Từ nơi con sông Sê Pôn chảy qua xã Ba Tầng, chúng tôi ngang sông qua bản Rạ (huyện Sa Muồi – tỉnh Salavan – Lào). Con đường đất nối liền hai đất nước mùa này hằn sâu vết lốp xe ba cầu từ xã Thanh, Thuận qua thu mua sắn. Gặp chúng tôi trên con đường vào bản, anh Ăm Bui, ở bản Rạ, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) phấn khởi nói: “Nhờ có sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng Việt Nam, tạo điều kiện thông thương, xe thu mua sắn từ bên kia đến tận nơi thu mua sắn cho bà con bản mình. Cuộc sống nhờ đó đủ đầy hơn”.
Dấu ấn người lính biên cương
Đi dọc đôi bờ Sê Pôn, qua những bản làng vùng Lìa mới cảm nhận hết sự đổi thay. Để có được một vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, những người lính biên phòng Quảng Trị đóng quân dọc theo dòng sông đã sống chan hòa, gắn bó với Nhân dân. Thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, động viên giúp đỡ người dân các bộ tộc Lào, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhân dân hai bên biên giới dễ dàng qua lại giúp đỡ nhau, trao đổi hàng hóa. Họ làm điểm tựa lặng lẽ mà vững chãi nơi miền biên ải. Thượng tá Phạm Đăng Tam, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ba Tầng cho biết: “Sông Sê Pôn là huyết mạch giao thông đường thủy quan trọng đối với người dân vùng Lìa gồm các xã: Thanh, Thuận, Axing, A Dơi, A Túc, Xy, Ba Tầng của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và người dân các bản Đen Vi Lay, Xy Ổi, Ba Lọ, Rạ… thuộc huyện Mường Nòng, tỉnh Savannakhet và Salavan – Lào. Hàng tháng đơn vị đều tuần tra đơn phương, hàng quý tuần tra song phương. Tuyên truyền, vận động người dân hai bên biên giới chấp hành quy định, bảo vệ đường biên cột mốc, duy trì hữu nghị”.
Đi dọc bờ sông giữa ánh hoàng hôn tỏa rạng, nghe âm thanh tiếng chày giã gạo khoan nhặt vọng lại từ các bản làng dọc hai bên sông, tiếng trẻ con đọc bài và cả mùi ngai ngái của khói bếp bay thoảng đến từ những mái nhà sàn cheo leo. Cảm nhận được cuộc sống ấm no và yên bình trên dòng sông biên giới – dòng sông nghĩa tình!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)