Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nơi con trâu hơn cả “đầu cơ nghiệp”

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng 15 năm trở lại đây, bị "trâu đỏ" lấn át, "trâu đen" biến mất dần trên đồng ruộng ĐBSCL. Thế nhưng, ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, đàn trâu chỉ sút giảm thời gian ngắn, nay lại phục hồi mạnh mẽ. 

Con trâu nơi đây trở thành hình ảnh của sự sung túc, giàu có. 

"Trâu đen" vượt trội "trâu đỏ 


Từng đàn trâu xuôi ngược trên tỉnh lộ 831 huyện Mộc Hóa.

Đầu tháng 12 dương lịch, còn gần hai tháng nữa là đến Tết con trâu, tôi có dịp la cà vào "vương quốc trâu" của ĐBSCL – vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Các huyện biên giới này đang cung cấp thịt trâu thương phẩm cho cả ĐBSCL, TPHCM, nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, cung cấp trâu làm sức kéo ra tận miền Bắc.

Đi trên QL62 từ thị trấn Mộc Hóa ra cửa khẩu Bình Hiệp, rồi đi trên tỉnh lộ 831 cặp theo biên giới về huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, nơi nào tôi cũng thấy trâu, có đàn lên đến cả trăm con.

Người hướng dẫn tôi đi sâu vào "thế giới trâu" là anh Hồ Văn Bún – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng. Anh tuổi con trâu (SN 1961), tuổi thơ của anh cũng từng trải qua trên lưng trâu. Anh Bún nói: "Thời trước con trâu đồng nghĩa với vất vả, nghèo khó, còn ngày nay ở xứ này, con trâu mang đến sự sung túc cho nhiều người".

Anh Đinh Văn Lê – ngụ ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng – là một trong những người thực sự thấm thía với câu "Con trâu là đầu cơ nghiệp". Đã từ lâu, vùng này không còn ai dùng trâu cày ruộng, thế nhưng anh Lê vẫn duy trì thường xuyên 2 cặp trâu và sống khá giả nhờ nó.

Anh gắn bó với nghề trâu cách đây 30 năm, khi mới cưới vợ, cha mẹ cho "ra riêng". Vợ chồng anh dùng số vốn ít ỏi ban đầu, vay mượn thêm gia đình, mua cặp trâu khởi nghiệp. Thuở ấy dùng trâu cày ruộng, vợ chồng anh đủ sống. Cách đây hơn 10 năm, máy kéo đã phát huy ưu thế cày ruộng, những người nuôi trâu bỏ nghề, bán trâu cho lò giết mổ. Vì thương 2 cặp trâu gắn bó bao năm, vợ chồng anh còn nấn ná, chưa vội bán.

Thế rồi, con trâu đã chứng tỏ ưu thế ở những công việc máy kéo không cạnh tranh được. Sau khi cày ải xong, mặt ruộng cần bừa cho phẳng phiu để cấy sạ. Công đoạn này thì máy kéo phải thua trâu. Nhưng dịch vụ sau đây mới làm cho anh Lê phất nhanh. Năng suất lúa ở Đồng Tháp Mười ngày càng cao, mỗi năm làm 2 – 3 vụ. Hàng chục ngàn tấn lúa cần được chuyển từ nội đồng ra kênh, đê. Con trâu lại chứng tỏ ưu thế của nó, vì máy kéo chở nặng làm biến dạng mặt ruộng, nông dân không ưng. Mỗi chuyến kéo 1,5 tấn lúa, mỗi ngày 1 cặp trâu vận chuyển 30 – 40 tấn lúa.

Với 2 cặp trâu thường trực, thu nhập của anh Lê tương đương với 5 – 6ha trồng lúa, trong khi chi phí "đầu vào" hầu như không có gì, ngoài công dắt trâu đi ăn cỏ và vài mũi thuốc phòng dịch mỗi năm. Anh Lê còn 1 nguồn thu nhập khác, cứ vài ba năm anh lại có 1 cặp nghé để bán, là loại hàng đang rất hút ở đây, người ta lùng mua tận bên Campuchia.

Thịt trâu lên ngôi

Ở xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng) có ngôi biệt thự mới xây dựng thuộc loại đẹp nhất vùng của anh Trần Văn Hà. Khi tôi đến, anh Hà bận đi giao trâu ở tận miền Trung, chỉ có chị Nhựt vợ anh ở nhà. Anh Hà tuổi con cọp (SN 1962), nhưng cả cuộc đời lại gắn bó và làm giàu nhờ con trâu.

Chị Nhựt cho biết, cách đây hơn 20 năm, vợ chồng chị rất nghèo với nghề làm ruộng. Có một người hàng xóm có cặp trâu cái rất đẹp, nhưng không đẻ con, nên họ chê kêu bán. Anh chị mượn nợ mua cặp trâu về cày ruộng. Thật lạ, khi về với vợ chồng chị, chỉ mấy tháng sau cặp trâu cùng mang thai, sau đó cứ đẻ đều đều "năm một". Vợ chồng anh Hà khấm khá lên từ đó, nhưng chính cái nghề kinh doanh thịt trâu sau này mới giúp họ làm giàu.

Khi máy kéo thay thế dần trâu trên đồng ruộng, đàn trâu trong huyện giảm nhanh và sắp biến mất. Thịt trâu ngày càng khan hiếm, giá tăng vùn vụt. Vừa thương cặp trâu nghĩa tình, vừa lờ mờ nhận ra cơ hội làm ăn mới, vợ chồng anh Hà không bỏ nghề nuôi trâu, trái lại còn mở rộng đàn. Đến bây giờ, anh trở thành đầu mối cung cấp thịt trâu có tiếng.

Chị Nhựt cho biết, người dân Campuchia sống dọc biên giới nuôi trâu rất nhiều, vừa làm sức kéo, vừa là tài sản. Họ nuôi nhiều, nhưng phó mặc cho thiên nhiên, nên trâu thường gầy ốm. Đó là nguồn trâu dồi dào cung cấp cho những người kinh doanh trâu như anh Hà. Mua trâu gầy ốm, cho các hộ nhận nuôi "gia công", lấy lại trâu thương phẩm cung cấp cho thị trường…

Anh Hà có hẳn 1 lò giết mổ để cung cấp "thịt trâu sạch" – trâu được tiêm chủng, theo dõi sức khoẻ, giết mổ có thú y chứng nhận. Với những thị trường xa như Cà Mau, miền Trung, Tây Nguyên, anh Hà giao trâu nguyên con cho các lò giết mổ tại chỗ.

Kinh tế trâu

Chúng tôi vào xã biên giới Thái Bình Trung (Vĩnh Hưng) để xem trang trại nuôi trâu của anh Hà. Cùng với trang trại anh Hà là gần 10 trang trại khác nằm cặp theo biên giới, trong đó có 4 trang trại là của 4 anh chị em ruột họ Nguyễn. Họ cùng kinh doanh trâu và cùng giàu có như anh Hà.

Dọc theo con đường mòn biên giới ở khu vực Long Khốt, nép mình sau luỹ tre là các trang trại nuôi trâu, mỗi nơi nhốt cả trăm con, được chăm sóc chu đáo, ngăn nắp, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, có cả mùng chống muỗi. Đồng ruộng bên nước bạn nhiều cỏ, trâu bên này buổi sáng "vượt biên" đi ăn, chiều "nhập tịch" về chuồng. Có mấy chiếc xe tải biển số Cà Mau, Đắc Lắc… đậu trước các trang trại chờ giấy phép thú y để nhận hàng, mỗi xe 5 – 7 con trâu.

Tại thị trấn Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa) có 3 – 4 chủ trang trại nuôi trâu, hàng ngày mổ trâu cung cấp thịt cho miền xuôi. Một chủ trang trại còn khá trẻ tên Nguyễn Văn Trí đang sở hữu đàn trâu khoảng 60 con cho biết, thịt trâu mát và "nên thuốc", nên ngày càng có nhiều người lựa chọn thay cho thịt bò.

Cạnh trang trại của anh Trí (gần cửa khẩu Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa) có 1 trang trại nuôi trâu khá quy mô, của vợ chồng chị Trần Thị Ba (ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp). Vợ chồng chị Ba – một người mang quốc tịch VN, một người gốc Campuchia – họ có nhà cửa ở cả hai bên biên giới. Vì vậy, anh chị có lợi thế trong việc tìm nguồn trâu "giá rẻ, chất lượng cao" ở bên kia biên giới để cung cấp cho trang trại ở Bình Hiệp.

Theo anh Hồ Văn Bún, với điều kiện hiện nay, nếu nuôi "sòng phẳng" (không mua trâu gầy về vỗ béo), thì giá thành thịt trâu cao hơn nhiều so với thịt bò. Vì vậy khi nguồn trâu "nhập khẩu" không còn, thịt trâu sẽ trở thành "hàng hiếm", chỉ những người khá giả mới có thể thưởng thức.

Anh Bún cho rằng, ngành khuyến nông cần quan tâm hơn tới nghề nuôi trâu, từ con giống, kỹ thuật chăn nuôi, nguồn thức ăn… – giống như quan tâm tới nghề nuôi bò – để nuôi trâu ở Đồng Tháp Mười trở thành nghề ổn định, bền vững.

Buổi chiều Đồng Tháp Mười, cùng với anh Bún và anh Trí ngồi bên núi Đất ở thị trấn Mộc Hóa, thoảng trong hương thơm của những cánh rừng tràm, thưởng thức "thịt trâu 7 món" nhắm với rượu gạo huyết rồng, tôi như thấy mình vẫn chưa khám phá bao nhiêu vùng đất còn nhiều bí ẩn này.

Phấn Đấu ( Theo LDO )

Bình luận (0)