Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nơi đàn sếu trở về

Tạp Chí Giáo Dục

Đàn sếu tung tăng bay nhảy trên cánh đồng Hòn Chông – Kiên Giang
Chiếm hơn 50% trong tổng số cá thể chim sếu đầu đỏ ở Việt Nam, cánh đồng sếu thuộc xã biên giới Phú Mĩ (Hòn Chông, Kiên Lương, Kiên Giang) một thời được xem là “miền đất hứa” của loài chim quý hiếm này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây số lượng sếu đầu đỏ xuất hiện ở đây ngày càng ít khiến cho giới khoa học không ngừng lo lắng.
Mục kích đàn chim quý
Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu loài chim quý hiếm, có tên trong sách đỏ, anh Tăng Thanh Giản (nhân viên Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng) đồng ý dẫn đường. Sau một đêm nghỉ tạm tại trạm, 5 giờ sáng ngày hôm sau, hai chúng tôi khăn gói lên đường. Sau gần một giờ chạy xe vòng vèo trên con đường gập ghềnh đầy bụi và bùn đất, cuối cùng chúng tôi cũng đến được cánh đồng sếu. Trong làn sương mù dày đặc, trên cánh đồng cỏ năn rộng hàng trăm hecta trải dài ngút tầm mắt, tiếng các loài chim hót vang chào đón bình minh đang lên. Đưa ống nhòm lên quan sát hồi lâu, chuyên gia theo dõi sếu đầu đỏ – Tăng Thanh Giản – bảo tôi: “Có lẽ hôm nay sếu không về, chỉ có đàn trâu vài chục con đang gặm cỏ cách đây hơn 1 cây số”. Nói xong, anh Giản trao lại chiếc ống nhòm cho chúng tôi quan sát khung cảnh thanh bình của đồng cỏ bạt ngàn như là một phần quà “khuyến mãi” cho khách. Xa xa hàng chục chấm đen xuất hiện trong làn sương mù mờ đục. Nghe tôi mô tả những sinh vật lạ vừa quan sát được, anh Giản nhanh tay giật ống nhòm, điều chỉnh cự li quan sát một lúc rồi bất ngờ hét to sung sướng: “Không phải trâu! Sếu đó”. Được dặn dò cẩn thận từ trước, chúng tôi di chuyển chầm chậm trên cánh đồng mấp mô còn ướt sũng sương đêm để tiếp cận bầy sếu đầu đỏ. Trong ánh sáng nhẹ của buổi bình minh đang lên, đàn sếu hiện ra mỗi lúc một rõ hơn. Theo ước tính của chúng tôi, có cả thảy 18 con lớn nhỏ. Sau gần 1 giờ cẩn thận di chuyển, lúc này chúng tôi chỉ còn cách đàn sếu khoảng 200m, một khoảng cách vô cùng nhạy cảm với loài chim khôn ngoan này.
Trong ánh sáng của mặt trời, những con sếu trưởng thành hiện ra với chiều cao gần bằng người lớn, bộ lông màu xám tro và chiếc cổ đỏ rực trông đẹp đến lạ thường. Thỉnh thoảng một vài chàng sếu “hứng chí” xòa cánh xoay tròn rồi tung mình lên không bằng những vũ điệu đẹp đến ngất ngây. Tiếng gọi bầy của chúng xé tan không gian yên tĩnh của đồng cỏ bạt ngàn. Cảnh tượng hoang sơ và kì bí như trong  một câu chuyện cổ tích. Sau một hồi say sưa múa hát, phát hiện ra sự xuất hiện của chúng tôi, sếu bố mẹ bắt đầu nghểnh những chiếc cổ đỏ rực lên quan sát. Bất thần, cả đàn kêu lên vang động cánh đồng rồi xếp thành mũi tên lao vút về biên giới Campuchia. Bãi đất đàn sếu vừa đến ăn bị xới tung lên như có ai vừa chuẩn bị gieo hạt. Hoàn toàn thỏa mãn, chúng tôi lang thang gần 5km để tìm hiểu các bãi ăn của loài sếu. Khi quay trở về, thật bất ngờ, trong ánh mặt trời chói chang của buổi trưa, bầy sếu lúc nãy lại xuất hiện lần nữa với một “phong thái” hết sức bình thản, chúng tiếp tục đào bới củ năng. Anh Tăng Thanh Giản nói: Đây là sự kiện hiếm có vì từ trước đến nay, mỗi khi bị động sếu thường bay đi và hiếm khi quay lại ngay. Được biết, sếu đầu đỏ có một đặc tính là luôn ăn một nơi, ngủ một nơi và sinh đẻ một nơi rất bí mật. Mặc dù rất nỗ lực nghiên cứu song cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chính thức về đặc tính này.
Tìm lại “miền đất hứa” cho loài sếu

Đàn sếu đầu đỏ trên bầu trời Kiên Giang
Theo các “bô lão” trong vùng, cách đây trên dưới 100 năm, mỗi năm sếu đầu đỏ mà dân gian hay gọi là chim hạt xuất hiện với những đàn khổng lồ lên đến hàng ngàn con. Tuy nhiên do bị chiến tranh và bom đạn tàn phá nên sếu dần biến mất và chỉ xuất hiện trở lại khoảng gần chục năm nay. Lần xuất hiện đông nhất cách đây vài năm do một người dân đếm được khoảng 300 con. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tất cả các cánh đồng năng – nguồn thức ăn chủ yếu của sếu đầu đỏ ngày càng bị thu hẹp nên số lượng củ giảm đi đáng kể. Một thống kê mới nhất cho biết, thời điểm sếu tập trung đông nhất tại đây chỉ còn khoảng 35 con. Chỉ cho chúng tôi cảnh khu quy hoạch vuông tôm rộng hàng chục hecta đang lấn dần những bãi ăn của sếu, anh Đức (điều phối viên Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng) ngậm ngùi: “Thật đau lòng! Họ “đập bể nồi cơm” của sếu rồi. Rồi đây không biết thân phận của chúng ra sao nếu không còn nguồn thức ăn nữa!”.
Một điều đáng lo nữa là ý thức của người dân trong việc bảo tồn giống chim quý hiếm này. Anh Đức kể, mấy tháng trước một người nông dân bắt được một con sếu bị thương nhưng không báo cho chính quyền địa phương mà đem về nhốt ở nhà. Khi phát hiện, cả xóm Khmer hoảng loạn, cho rằng đây là điềm xấu nên đánh chết con sếu vứt xác ra đồng. Đến khi các nhà khoa học biết được thì nó chỉ còn là một bộ xương khô. Ngoài ra, theo dự đoán của các chuyên gia, một nguyên nhân khác khiến số lượng sếu giảm là do người dân săn bắt để lấy thịt. Một số khác thì tìm cách xua đuổi vì sợ sếu phá hoại mùa màng…
Trước thực tế đó, những người yêu sếu đầu đỏ đã bắt tay vào cuộc. Dưới sự chỉ đạo của TS. Trần Triết (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) và Hội Chim sếu quốc tế, Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng đã ra đời. Mục đích chính của dự án là vừa duy trì được môi trường sinh thái tốt cho sếu sinh sống, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân sống trong khu vực bảo tồn. Cụ thể là hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cỏ bàng để phát triển nghề đan lát. Sau vài năm triển khai, dự án phát triển nghề đan lát được người dân tiếp nhận khá tích cực. Một phần nữa trong dự án này là bao tiêu sản phẩm cho người dân bằng cách đưa chúng vào bán ở các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang… Được biết, ngoài diện tích nằm trong vùng đệm, hiện khu bảo tồn đang lên kế hoạch trồng cỏ bàng qui mô lớn để cung cấp nguyên liệu thô cho người dân mưu sinh. Đây là một bước đệm để tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc khai thác cỏ bàng trong khu vực bảo tồn nhằm mục đích tạo khu vực kiếm ăn an toàn cho sếu đầu đỏ. Hi vọng rằng dự án này sẽ là một bước tiến mới trong việc bảo tồn loài chim quý hiếm này ở nơi một thời được xem là “miền đất hứa” dành cho chúng.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh
Sếu đầu đỏ là một trong những loài cao nhất trong thế giới loài chim, chim trống có thể cao gần 1,8m. Sếu đầu đỏ phương Đông từng xuất hiện khắp Đông Nam Á nhưng hiện nay chỉ còn ở ba nước Đông Dương. Hàng năm, sếu đầu đỏ về Hòn Chông khoảng đầu tháng giêng (âm lịch), tập trung nhiều nhất vào khoảng tháng 3, 4. Trong đó, đầm Hà Tiên có diện tích khoảng 220.000ha (2.890ha diện tích khu bảo tồn) là vùng đất ngập nước theo mùa độc đáo có một không hai của Việt Nam có thảm thực vật cỏ năng là thức ăn yêu thích của sếu đầu đỏ. Ngoài ra tại đây có 142 loài chim (9 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới). Ngoài Hòn Chông, sếu đầu đỏ cũng có mặt tại vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh).
 

Bình luận (0)